Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng Gia Lai loay hoay giữ chân cán bộ, nhân viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bệnh nhân thưa thớt, thu không đủ bù chi dẫn đến thu nhập của bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng thường xuyên chậm lương và thu nhập thấp khiến nhiều người xin nghỉ việc.

17 năm công tác trong ngành Y nhưng lương của bác sĩ CKI P.M.B-Phó Trưởng khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng. “Lương thấp một phần nhưng việc chậm lương thường xuyên diễn ra, có khi 2-3 tháng đơn vị mới chi trả lương một lần. Đã gần cuối tháng 11 nhưng bác sĩ, nhân viên vẫn chưa có lương. Thu nhập ít ỏi không đủ trang trải sinh hoạt khiến nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nản lòng”-bác sĩ B. nói.

Bác sĩ B. là 1 trong 4 bác sĩ tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh nộp đơn xin nghỉ việc và đang chờ giải quyết. Theo bác sĩ B, bệnh viện thực hiện tự chủ 50% nhưng mức thu không đủ bù chi, vì vậy cán bộ, nhân viên y tế chỉ có lương chứ không có các khoản tăng thêm, thưởng cuối năm. “Vì thu nhập quá thấp nên tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để tìm công việc ở nơi khác”-bác sĩ B. tâm sự.

  Bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện


Làm hộ lý Khoa Nội 1 được 20 năm nay nhưng thu nhập của chị Phùng Thị Lan chỉ hơn 5,3 triệu đồng/tháng. Lương quá thấp nên chị Lan sáng làm hộ lý Bệnh viện, tối về đi làm thêm cho xưởng đá để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hàng ngày, sau khi hết giờ làm việc tại Bệnh viện, chị Lan lại tất tả đến xưởng nước đá làm thêm ca đêm từ 19 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. “Lương ở Bệnh viện nhiều khi 2, 3 tháng mới nhận một lần nên nếu không có thu nhập làm thêm bên ngoài thì gia đình tôi không biết lấy tiền đâu mà xoay xở. Các bác sĩ, nhân viên y tế tại viện đều không có khoản tăng thêm nào nên hầu hết ai cũng phải làm thêm bên ngoài mới đủ trang trải cuộc sống”-chị Lan kể.

Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh là bệnh viện hạng 3, tương đương với bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, xét về chức năng thì đây lại là bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhân nếu muốn lên tuyến trên điều trị phải có giấy chuyển tuyến. Hơn nữa, do đặc thù nên bệnh nhân đến khám và điều trị ít hơn nhiều so với các bệnh viện đa khoa khác. Bên cạnh đó, hầu hết bệnh viện tuyến huyện đều có Khoa Y dược cổ truyền nên bệnh nhân đều điều trị ở đây. Muốn lên tuyến tỉnh điều trị, họ cũng bị vướng về thủ tục và quy định khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế nên lượng bệnh nhân đến viện rất thấp. Hiện số đầu thẻ khám-chữa bệnh ban đầu phân cho Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh chỉ hơn 700 thẻ, trong khi khả năng của Bệnh viện cao hơn rất nhiều.

Hiện nay, một ngày Bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhân đến khám, điều trị. Y-bác sĩ, nhân viên y tế vì vậy còn nhiều hơn bệnh nhân là một thực tế diễn ra tại đây. Điều dưỡng trưởng Trần Thị Hồng Hạnh-Khoa Khám bệnh-chia sẻ: “Chúng tôi không mong muốn mọi người phải đến bệnh viện. Nhưng xây dựng bệnh viện thì phải có bệnh nhân đến khám-chữa bệnh. Hiện tại, số đầu thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu ở đây rất ít nên ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình chung, kinh tế chung của Bệnh viện”.

Bác sĩ Lý Tiến Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh-cho biết: Hiện Bệnh viện có 115 bác sĩ, nhân viên y tế (trong đó 34 bác sĩ). Bệnh viện được phân bổ 130 giường bệnh nhưng công suất sử dụng chỉ đạt 80%. “Bệnh viện được giao tự chủ 50% nhưng bệnh nhân đến khám-chữa bệnh rất ít, thu không đủ bù chi, đời sống của nhân viên y tế không đảm bảo, thu nhập thấp. Lương tháng 11 và tháng 12-2022 chúng tôi đang chờ ngân sách cấp bù và chưa biết khi nào mới có”-bác sĩ Thành nói.

Theo bác sĩ Thành, Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh là bệnh viện đặc thù hạng 3, tương đương với bệnh viện tuyến huyện. Vì vậy, cần bỏ cơ chế chuyển tuyến khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân từ huyện khi có nhu cầu lên bệnh viện tuyến trên điều trị vừa phục vụ nhu cầu bệnh nhân vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Bệnh viện hoạt động. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các giải pháp cấp thiết để giữ chân cán bộ, bác sĩ nhân viên y tế tại các bệnh viện công, có cơ chế chính sách cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, đảm bảo đời sống để họ yên tâm công tác và cống hiến.

 

NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm