Thực dưỡng - lợi hay hại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong số báo gần đây, chúng tôi đã đề cập 10 công thức ăn thực dưỡng (TD), trong đó từ công thức 7 - 10 là ăn chay hẹp với thực phẩm chính là gạo lứt và loại bỏ đạm động vật. Bài viết này xin phân tích lợi và hại của TD để bạn đọc tham khảo.

Ăn như thế này không thể có miễn dịch tốt và tăng trưởng, duy trì các mô cơ thể. Ảnh: Tác giả sưu tầm
Ăn như thế này không thể có miễn dịch tốt và tăng trưởng, duy trì các mô cơ thể. Ảnh: Tác giả sưu tầm
Trích bài viết của một “thánh” thực dưỡng trên mạng
“TD Ohsawa còn được gọi là ăn chay TD”. “Đến nay, hơn 100 năm ra đời và phát triển, TD được biết đến trên toàn thế giới và đã giúp rất nhiều người cải thiện bệnh khi áp dụng đúng cách”. “Không chỉ dựa trên khái niệm âm - dương của phương Đông, Ohsawa còn kết hợp với nguyên lý axit - kiềm của phương Tây làm nền tảng TD của mình, theo đó, gồm hai dạng chính là thực phẩm (TP) có tính âm và TP có tính dương. Để khỏe mạnh, cần kết hợp âm - dương cân bằng. Ngoài dưỡng sinh bằng chế độ ăn uống, ở khía cạnh tinh thần, triết lý sống, tính giáo dục con người sống hòa hợp với thiên nhiên của Ohsawa được nhiều người tin và áp dụng”. “Điểm hội tụ của triết lý và thực hành của phương pháp TD nằm chính yếu ở TP và sự ăn uống giàu tính kiềm. Cần nhìn tổng quan từ cả hai phương pháp tiếp cận của phương Đông và phương Tây để có cách ăn uống khoa học và khỏe mạnh. Phương Tây đã khám phá ra tính chất của TP qua thành phần hóa học của chúng - axit và kiềm. Các TP đều có tính hoặc là tạo axit, hoặc là tạo kiềm, chỉ khác nhau về mức độ. Do đó, việc sử dụng kết hợp chế độ ăn và uống nước ion kiềm sẽ giúp cân bằng môi trường axit - kiềm, trung hòa axit dư thừa, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa những bệnh tật nguy hiểm. Các TP đều có tính chất hoặc trội dương, hoặc trội âm, khi so sánh với TP này thì là âm, nhưng khi so sánh với TP kia thì lại là dương. Muốn có sức khỏe lành mạnh, ta phải biết phối hợp hài hòa giữa các TP với nhau để tạo ra sự quân bình giữa chúng. TD chính là phương pháp tạo ra sự quân bình đó. Kết hợp với việc TD và nước ion kiềm càng tạo ra môi trường quân bình đó dễ dàng hơn, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Qua đó có thể thấy, với việc kết hợp chế độ TD và sử dụng nước uống ion kiềm sẽ giúp phát huy hết tác dụng của hai phương pháp này”.
Sau đó bài viết giới thiệu, hướng dẫn sử dụng cặn kẽ nước ion kiềm. Hóa ra là vòng vo tam quốc là để quảng bá cho nước ion kiềm! Đọc những rao giảng này thấy hết sức chung chung, trừu tượng và không có bất cứ một căn cứ khoa học cụ thể nào, kiểu như “cái ấy rất tốt” nhưng vì cái gì mà tốt thì không biết.
Các “thánh” TD dẫn chuyện ông Georges Ohsawa - người có công lớn nhất truyền bá TD - bị lao phổi và đại tràng năm 1908 và “nhờ chế độ ăn uống TD do Sagen Ishizuk khởi xướng, ông đã cải thiện được bệnh”. Ngày nay, ai cũng biết bệnh lao - một trong “tứ chứng nan y” - hoàn toàn chữa khỏi bằng phác đồ kháng sinh chống lao đủ thời gian (tùy từng phác đồ, dài hơn nếu là lao kháng thuốc) và không ai dám đặt cược sinh mạng bằng dùng chế độ ăn TD để “chữa’ bệnh lao!? Họ cũng dẫn hai ca ung thư (UT) được “chữa” khỏi bằng TD. Một người Anh là Jane Plan - GS mắc UT vú. Sau nhiều lần hóa trị nhưng không tác dụng, bà không ăn protein động vật mà ăn nhiều loại rau xanh, ngũ cốc, hoa quả. “Kiên trì thực hiện, cuối cùng cơ thể cũng tự hồi phục, căn bệnh đã hoàn toàn biến mất và Jane Plan sống rất khỏe mạnh”. Một người khác là Kris Carr - diễn viên kiêm nhà văn người Mỹ - bị UT nội mạc mạch máu (hemangiosarcoma), một loại UT hiếm, không thể phẫu thuật vì đã ở giai đoạn 4 (các “thánh” TD nói là UT gan giai đoạn 4). Cô từ bỏ thói quen ăn thịt để ăn rau xanh, trái cây, các loại hạt, uống nước ép rau xanh giàu tính kiềm, nước ion kiềm (lại nước ion kiềm?). Tuy nhiên, không thể đem một vài hiện tượng cá biệt để nói rằng, TD chữa khỏi UT - một trong những nan y thời đại. Nếu chỉ bằng gạo lứt, muối mè, rau quả chữa được UT thì có lẽ loài người gặp “đại phúc”, bởi từ trước khi Ohsawa được sinh ra, y học đã đau đầu, lao tâm tổn trí tìm cách chữa UT, nhưng kết quả chẳng đáng là bao!
“Chiêu” viện dẫn người có uy tín
Gần đây lại phát sinh một “xu hướng mới” mới rất hấp dẫn là “TD miễn dịch (MD)”. Họ viện dẫn những người có chức vị như PGS.TS Lê Bạch Mai - “chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam”; đại tá, Thầy thuốc Nhân dân Quách Văn Mích - “chuyên gia về TD”; PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, “một chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu”. Họ trích dẫn trong ngoặc kép những phát biểu của các vị này, chẳng hạn BS Lê Bạch Mai nói: “TD MD cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho những người ăn chay - ăn TD và những người có bệnh lý”. BS Quách Văn Mích nói: “TD MD là giải pháp an toàn để chăm sóc sức khỏe, tăng cường MD cho cả gia đình”. Có lẽ các vị này không nói thế và đây chỉ là chiêu “khỉ mượn oai cọp” của các “thánh” TD, bởi các BS này không thể quên protein là chất căn bản của tế bào (TB) người, đảm nhiệm 9 chức năng quan trọng cho các hoạt động sống của TB, trong đó có chức năng cấu trúc (bao hàm vật liệu di truyền) cũng như duy trì cấu tạo TB và MD, mà lipide và glucide (tinh bột) không thể thay thế. Có đến 20 loại protide ở dạng axit amin mà cơ thể người không tự tổng hợp được phải “nhập khẩu” từ thức ăn và hầu hết từ đạm động vật. Vì thế, tìm ra lửa được coi là phát minh vĩ đại của loài người vì từ đó có thịt nướng ăn ngon hơn, dễ tiêu hóa hơn. Một dẫn chứng nhỏ hơn là mô não được cấu trúc bằng 80% protide và 20% lipide và để duy trì sự sống cho TB não không thay bằng tinh bột được.
Tuy nhiên, cũng sau một hồi vòng vo tam quốc, những bài viết của các “thánh” TD lại “kết luận” bằng quảng cáo cho sản phẩm Nutri Ancan “với thành phần chính là gạo lứt Huyết Rồng (từ lúa hoang ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên) nảy mầm, các loại đậu đen, đậu đỏ, đậu Hà Lan, hạt kê, mè đen... Đặc biệt là thành phần Beta Glucan chiết xuất từ 9 loại nấm theo công nghệ Nhật Bản có tác dụng cung cấp dưỡng chất thiết yếu và tăng cường hệ MD, nâng cao bảo vệ sức khỏe con người”. Họ nói nghiên cứu của ĐH Dược Tokyo, Nhật Bản rằng, Beta Glucan làm tăng sức mạnh của hệ MD bằng kích thích hoạt động của đại thực bào (một loại bạch cầu). Tuy nhiên, đại thực bào “ăn” mầm bệnh chỉ là một mắt xích trong chuỗi hoạt động MD chống mầm bệnh và nếu không có đủ protide thì việc hình thành kháng thể sẽ yếu ớt. Họ nói Nutri Ancan làm hệ MD phản ứng nhanh hơn, sản sinh nhiều Cytokine (phản ứng ban đầu của hệ MD khi phát hiện tác nhân lạ xâm nhập) hơn hay nói chung chung là Nutri Ancan cung cấp đầy đủ đạm thực vật thiết yếu nhưng không có dẫn chứng nghiên cứu. Họ dẫn lời BS Lê Bạch Mai: “Nutri Ancan... vừa cung cấp thành phần dinh dưỡng thiết yếu mà lại tăng cường hệ MD. Trong sản phẩm có đầy đủ... vitamin, khoáng chất, protein, lipid, các axit amin... từ gạo lứt Huyết Rồng nảy mầm, các loại đậu: Đậu đỏ, đậu đen, đậu Hà Lan, hạt kê và mè đen... bổ sung đạm thực vật cần thiết cho cơ thể.”. Và “Gạo lứt Huyết Rồng... chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bao gồm đạm thực vật; các loại vitamin B1, B3, B6, E, D; chất xơ; các yếu tố vi lượng như sắt, canxi... rất tốt trong phòng chống UT, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, loãng xương, thoái hoá khớp, giảm Cholesterol.”. Khổ nỗi, thực vật tuy có đạm nhưng hàm lượng thấp, giá trị sinh học kém đạm động vật do thiếu nhiều axit amin cần thiết và tỉ lệ các axit amin không cân đối và thiếu đạm thì không tăng trưởng, duy trì các mô cơ thể được, cũng như không lấy đâu ra một hệ MD khỏe mạnh? Gần đây, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM nghiên cứu thấy chỉ số đường huyết của gạo Huyết Rồng là 75,1 (thuộc nhóm chỉ số đường cao), hoàn toàn không phù hợp cho người tiểu đường.
Ăn quá nhiều đạm động vật rõ ràng không tốt vì sẽ tạo ra nhiều sản phẩm chuyển hóa trung gian độc, các chất ôxy hóa, uric, nitrat, cholesterol... nguồn gốc của nhiều bệnh tật. Nhưng ăn theo kiểu dòng tu khổ hạnh cũng không kém phần nguy hiểm. Năm 1984, Hiệp hội TP và dinh dưỡng Mỹ báo cáo những ca mắc bệnh Scorbut (thiếu vitamin C); thiếu máu, thiếu protein và hạ canxi máu, xuất huyết và suy dinh dưỡng, suy thận, có cả tử vong vì TD. Từ đó, TD bị phản đối và bác bỏ. Ở Nhật - quê hương của Ohsawa, tỉ lệ UT là 248/100.000 dân, cao hơn Việt Nam (151/100.000 - năm 2018), nhưng không ai dừng điều trị để chữa bằng TD hoặc dùng thực phẩm chức năng.
BS BÌNH NGUYÊN (LĐO)

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thuc-duong-loi-hay-hai-855807.ldo

Có thể bạn quan tâm