Bác sĩ hướng dẫn cách ăn uống để phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bữa ăn hằng ngày của mỗi người, gia đình, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn uống đúng cách và an toàn là quan trọng, để dự phòng mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường,…
Chế độ ăn dựa trên các thực phẩm tự nhiên, phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, đặc biệt nhiều rau củ quả giúp phòng ngừa nhiều bệnh. ẢNH: SHUTTERSTOCK
Chế độ ăn dựa trên các thực phẩm tự nhiên, phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, đặc biệt nhiều rau củ quả giúp phòng ngừa nhiều bệnh. ẢNH: SHUTTERSTOCK
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), bệnh không lây nhiễm (còn gọi là bệnh mạn tính không lây) là các bệnh khởi đầu từ thời kỳ trẻ tuổi, tích lũy, tiến triển kéo dài, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời. Ở mỗi người, các bệnh này có thể tiến triển do các hành vi thói quen, lối sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài gây ra.
Hiện nay, các bệnh mạn tính không lây phổ biến và nguy hiểm bao gồm: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),...
Do vậy, ngay bữa ăn hằng ngày của mỗi người, gia đình, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý và an toàn là quan trọng để dự phòng mắc các bệnh mạn tính không lây.
Chăm sóc dinh dưỡng để phòng chống các bệnh mạn tính cần bắt đầu sớm trong cuộc đời của mỗi người với việc nuôi dưỡng tốt bào thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến hai tuổi hoặc lâu hơn, đồng thời ăn bổ sung hợp lý.
“Chăm sóc dinh dưỡng toàn diện 1.000 ngày đầu đời của trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng sớm làm thay đổi các quá trình chuyển hóa và gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính trong các giai đoạn sau của cuộc đời”, bác sĩ Hà cho biết thêm.
Chế độ ăn phòng bệnh nguy hiểm
Bác sĩ Hà hướng dẫn: Chế độ ăn cần dựa trên các thực phẩm tự nhiên, phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, cân đối các nhóm thực phẩm, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống ngọt, rượu, bia.
Tăng cường ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt: đậu đỗ, các loại hạt.
Tăng cường ăn rau, quả: Cần ăn ít nhất 400 gram rau, quả và ăn đa dạng các loại rau quả có nhiều màu sắc khác nhau vì có chứa các loại chất dinh dưỡng và dưỡng chất thực vật khác nhau.
Ăn có mức độ các thực phẩm như trứng, sữa, ăn lượng nhỏ thịt đỏ và tăng cường ăn cá và thịt gia cầm nạc.
Ăn vừa đủ nhu cầu năng lượng, chất dinh dưỡng để tăng trưởng, phát triển; không để thừa cân, béo phì hay béo bụng. Lựa chọn thực phẩm có độ năng lượng thấp, chỉ số đường huyết thấp.
Đảm bảo năng lượng từ chất béo dưới 30% tổng năng lượng tiêu thụ. Đặc biệt, chuyển từ tiêu thụ các chất béo bão hòa sang chất béo không bão hòa và hướng tới việc loại bỏ chất béo chuyển hóa công nghiệp.
Chất béo không bão hòa có nhiều trong cá, quả bơ và các loại hạt hướng dương, đậu tương, oliu,…
Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt các loại gia súc lớn, từ chế phẩm sữa bò, dê cừu như bơ động vật, dầu cọ, dầu dừa, kem tươi, phomat, mỡ động vật,…
Chất béo chuyển hóa các loại, bao gồm cả chất béo được tạo ra trong sản xuất công nghiệp (thực phẩm nướng, chiên rán và các loại thực phẩm, đồ ăn vặt chế biến đóng gói sẵn).
Hạn chế lượng đường tự do dưới 10% (tốt hơn là dưới 5%) tổng năng lượng ăn vào. Cụ thể, lượng đường tiêu thụ cần dưới 50 gram/ngày (tốt nhất là dưới 25 gram/ngày).
Đường tự do (như sucrose, maltose, glucose, fructose) là những loại đường được nhà sản xuất thêm vào thực phẩm, đồ uống, trong quá trình pha chế, chế biến đồ ăn/uống. Đường tự nhiên có trong mật ong, các loạt mật, siro, nước trái cây tươi và nước trái cây cô đặc.
Hạn chế tổng lượng muối ăn vào dưới 5 gram/ngày bằng cách cho bớt muối, chấm nhẹ tay và giảm ngay đồ ăn mặn, nên sử dụng muối i ốt.
Thường xuyên hoạt động thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe
Thường xuyên hoạt động thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe Ảnh: SHUTTERSTOCK
Kiểm soát cân nặng để duy trì BMI của cơ thể, BMI=21 ở người dưới 50 tuổi và BMI=22 ở từ 55 tuổi trở lên và không bị béo bụng (vòng eo < 90 cm ở nam và < 80 cm ở nữ).
Bên cạnh đó, cần có thói quen sống lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất có thể các tác nhân gây bệnh, độc tố hoặc các yếu tố khác có thể gây bệnh từ thực phẩm như: độc tố vi nấm aflatoxin có trong lạc (đậu phộng) mốc, dư lượng kháng sinh có trong rau, củ, quả hoặc các loại thịt gia súc, gia cầm, hải sản…
Thường xuyên hoạt động thể dục thể thao, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá. Tiêm vắc xin phòng bệnh lây nhiễm có nguy cơ cao như ung thư, viêm gan B, C, Herpes...
Theo Khải Linh (TNO)

Có thể bạn quan tâm