Phòng-chống bệnh dại ở Gia Lai tránh tình trạng "trên nóng dưới nguội"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2015 đến hết tháng 9-2020, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 26 ca tử vong do bệnh dại. Theo đánh giá của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Gia Lai là một trong những tỉnh có số ca tử vong vì bệnh dại  cao nhất khu vực Tây Nguyên.
Khó khăn trong công tác phòng-chống  
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung bình mỗi năm tỉnh ta ghi nhận 3-4 trường hợp mắc bệnh dại, 100% ca mắc đều tử vong. 3 năm gần đây, số ca tử vong do bệnh dại tăng cao; trong đó, năm 2018 ghi nhận 6 ca tử vong; năm 2019 có 8 ca và từ đầu năm 2020 đến nay ghi nhận 5 ca.
Bà Nguyễn Thị Xuân-Phó Trưởng khoa Phòng-chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Kết quả xác minh cho thấy 100% ca tử vong do bệnh dại không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Trong số này, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế thấp.
Chư Sê là huyện đứng đầu cả tỉnh về số ca tử vong do bệnh dại với 6 ca tử vong tính từ năm 2018 đến nay. Ông Nguyễn Đức Bảy-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Dù bệnh dại đã có vắc xin phòng bệnh nhưng số ca tử vong vẫn gia tăng là do công tác tiêm phòng dại cho đàn chó hàng năm đạt thấp; tình trạng chó thả rông còn phổ biến…
“Bên cạnh đó, hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh dại còn hạn chế; có trường hợp bị chó cắn không đi tiêm phòng mà điều trị bằng thuốc Nam dẫn đến tử vong”-ông Bảy cho hay.
 Không có phương thuốc nào chữa được bệnh dại, vì vậy khi bị chó, mèo cắn, người dân cần tiêm vắc xin phòng bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Không có phương thuốc nào chữa được bệnh dại, vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần tiêm vắc xin phòng bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Đáng nói là hiện cả tỉnh chỉ có 1 điểm tiêm vắc xin công lập tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố chưa bố trí được phòng tiêm vắc xin công lập, gây khó khăn cho người dân có nhu cầu. Tỉnh không có kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền nên chỉ tổ chức tuyên truyền tập trung tại khu vực có ca tử vong do bệnh dại; không có kinh phí tập huấn nâng cao năng lực truyền thông phòng-chống bệnh dại cho cán bộ y tế; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo hàng năm dưới 10% so với tổng đàn. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện chỉ có gần 400 thôn, làng, tổ dân phố của 42 xã, phường, thị trấn lập sổ quản lý chó nuôi (chiếm tỷ lệ 19%); công tác quản lý chó, mèo nuôi tại cộng đồng còn lỏng lẻo...
Tránh tình trạng “trên nóng dưới nguội”
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời gian tới, tình hình bệnh dại sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Tuy nhiên, ngoài thiếu kinh phí, có một thực tế đáng buồn là nhiều địa phương chưa thật sự vào cuộc trong công tác phòng-chống.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ví von: “Trên nóng dưới nguội” là thực tế hiện nay trong công tác phòng-chống bệnh dại tại tỉnh ta. Trong khi cấp tỉnh có sự phối hợp, chỉ đạo sát sao thì chính quyền địa phương ở cơ sở lại thiếu sự vào cuộc, còn lỏng lẻo trong việc quản lý chó, mèo nuôi tại cộng đồng; tình trạng chó thả rông còn phổ biến không chỉ khiến bệnh dại gia tăng mà còn là nguyên nhân gây tai nạn giao thông… Vì vậy, tôi mong các địa phương phải chung tay trong công tác phòng-chống bệnh dại, vào cuộc quyết liệt, phải xử lý nghiêm những trường hợp nuôi chó không thực hiện đúng các quy định của pháp luật”.
Hội nghị “Tăng cường phòng-chống bệnh dại tại tỉnh Gia Lai” ngày 30-9 ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất để công tác phòng, chống bệnh dại tại Gia Lai đạt hiệu quả cao trong thời gian đến. Như Nguyện
Hội nghị “Tăng cường phòng-chống bệnh dại tại tỉnh Gia Lai” ngày 30-9 ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất để công tác phòng-chống bệnh dại đạt hiệu quả cao trong thời gian đến. Ảnh: Như Nguyện
Tại hội nghị “Tăng cường phòng-chống bệnh dại tại tỉnh Gia Lai” ngày 30-9 vừa qua, ông Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên-nhấn mạnh: “Gia Lai phải quyết liệt vào cuộc trong công tác phòng-chống bệnh dại. Bệnh đã có vắc xin phòng ngừa trên người và cả động vật, vì vậy phải đặt mục tiêu tiến tới loại trừ bệnh dại trên người. Tỉnh Kon Tum hiện đã hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh dại miễn phí cho người nghèo nhưng Gia Lai thì chưa. Đặc biệt, Kon Tum là một tỉnh nhỏ nhưng có đến 27 điểm tiêm chủng công lập mà tỉnh Gia Lai hiện chỉ có 1 điểm, đây là bất cập cần khắc phục”.
Để công tác phòng-chống bệnh dại tại Gia Lai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, ông Đặng Quang Tấn-Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng yêu cầu Sở Y tế Gia Lai cần nhanh chóng tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng-chống bệnh dại trình UBND tỉnh, từ đó có công văn chỉ đạo đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố.
Bên cạnh đó cần nhanh chóng mở rộng các điểm tiêm vắc xin công lập, ít nhất là mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn phải bố trí 1 điểm tiêm vắc xin công lập. Gia Lai cũng cần nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo… Ngoài ra, ông Tấn cũng đề nghị địa phương bố trí nguồn ngân sách để tiêm vắc xin phòng bệnh dại miễn phí cho người nghèo.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm