Ia Pa: Quyết liệt ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là địa phương có tỷ lệ sốt xuất huyết (SXH) cao, ngành Y tế huyện Ia Pa đã triển khai nhiều biện pháp phòng-chống SXH, đặc biệt là khoanh vùng, khống chế ngay tại cơ sở khi phát hiện có người nhiễm bệnh, tránh bệnh bùng phát trên diện rộng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận 144 trường hợp mắc SXH, giảm hơn 20 ca so với cùng kỳ năm 2019. Số ca mắc SXH tập trung chủ yếu ở 2 xã Ia Ma Rơn và Ia Trok. 
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa-cho biết: Mùa mưa là thời điểm số ca mắc SXH tăng mạnh, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi nhận thức của người dân chưa cao, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường còn hạn chế, bà con chưa hình thành thói quen ngủ màn khiến dịch bệnh dễ lây lan. Thêm vào đó, các vật dụng chứa nước như: chum, vại, thùng phuy để lâu ngày cũng là môi trường cho muỗi vằn đẻ trứng, sinh sôi nảy nở.
Người dân huyện Ia Pa vệ sinh chum vại chứa nước để diệt lăng quăng/bọ gậy phòng-chống SXH. Ảnh: Vũ Chi
Người dân huyện Ia Pa vệ sinh chum vại chứa nước để diệt lăng quăng/bọ gậy phòng-chống SXH. Ảnh: Vũ Chi
Trước tình hình đó, ngay từ đầu mùa mưa, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng-chống SXH như: tuyên truyền người dân chủ động vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh tránh để nước đọng lâu ngày. Đặc biệt, khi phát hiện dịch bệnh, ngay lập tức khoanh vùng, phun thuốc diệt muỗi, không để bệnh lan rộng.
Chị Ksor H’Thao-cán bộ Trạm Y tế xã Ia Ma Rơn-cho hay: Toàn xã có 12.663 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%. Nhận thức về phòng ngừa dịch bệnh của một bộ phận người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế. 7 tháng qua, toàn xã có 31 ca mắc SXH, tập trung nhiều nhất tại làng H’Lin 2. Nhằm đẩy mạnh công tác phòng-chống SXH, thời gian vừa qua, Trạm Y tế xã đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện cùng chính quyền địa phương trực tiếp xuống các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường nơi ở, phát quang bụi rậm, đặc biệt là vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các vật dụng chứa nước sinh hoạt được thay rửa thường xuyên để diệt lăng quăng/bọ gậy. Trạm Y tế cũng khuyến cáo người dân phải nằm ngủ trong màn để tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị, tránh để lâu sẽ biến chứng, gây nguy hiểm.
Lực lượng dân quân xã Ia Ma Rơn giúp người dân phát quang đường làng, ngõ xóm phòng trừ SXH. Ảnh: Vũ Chi
Lực lượng dân quân xã Ia Ma Rơn giúp người dân phát quang đường làng, ngõ xóm phòng trừ SXH. Ảnh: Vũ Chi
Bà Chu Thị Chiên (thôn Kơ Nia, xã Ia Trok) là 1 trong 5 bệnh nhân đang điều trị SXH tại Trung tâm Y tế huyện. Bà cho hay: Bà và cháu gái là Đàm Nhật Thiên Trúc nhập viện vào ngày 7-8 với biểu hiện sốt cao kéo dài. Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ kết luận 2 bà cháu bị SXH. Được các bác sĩ chăm sóc tận tình, hiện nay, sức khỏe của 2 bà cháu đã ổn định, có thể xuất viện trong 1-2 ngày tới. Bà Chiên cũng cho biết, ngành Y tế đã cử người xuống phun thuốc diệt muỗi khu vực gia đình bà và những hộ lân cận trong thôn Kơ Nia để dập dịch. Gia đình bà cũng vệ sinh môi trường nhà ở sạch sẽ tránh để bệnh tái phát.
Trao đổi với P.V, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa cho biết thêm: Để công tác phòng-chống bệnh SXH đạt hiệu quả cao, ngành Y tế huyện sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; tích cực tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng xử lý dứt điểm ổ dịch cũ, phun thuốc dập dịch kịp thời để giảm nguy cơ bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng. 
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm