Nguy cơ bệnh dại luôn rình rập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 26 trường hợp tử vong do bệnh dại, riêng 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận 5 ca tử vong. Theo nhận định, ý thức chủ quan của người dân và những khó khăn trong quản lý đàn chó nuôi là nguyên nhân dẫn đến công tác phòng-chống bệnh dại chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Trong số 5 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, các huyện Chư Pưh, Kbang, Mang Yang mỗi huyện 1 ca, riêng huyện Chư Sê có 2 trường hợp. Qua xác minh, các trường hợp này đều không tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn.
Huyện Chư Sê đứng đầu toàn tỉnh về số ca tử vong do bệnh dại trong những năm gần đây. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, huyện này đã ghi nhận 6 ca tử vong do bệnh dại, riêng xã Al Bá có 3 ca.
Giữa tháng 6-2020, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã có chuyến giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch dại tại Gia Lai. Theo ghi nhận, tại các gia đình có ca tử vong do bệnh dại ở xã Al Bá, trung bình mỗi hộ nuôi 4-5 con chó, tất cả số chó trên đều không được tiêm phòng bệnh dại.
Nguyên nhân là do cán bộ thú y tuyến xã chỉ có 1 người nên không đủ nhân lực để tiêm phòng cho đàn chó. Bên cạnh đó, người dân chưa ý thức về việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi. Vì vậy, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi tại cộng đồng hằng năm chỉ đạt 5%.
 Cán bộ thú y phường Trà Bá (TP.  Pleiku) vận động người dân ký cam kết quản lý vật nuôi. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ thú y phường Trà Bá (TP. Pleiku) vận động người dân ký cam kết quản lý vật nuôi. Ảnh: Như Nguyện
Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Người bị chó cắn không tiêm phòng vắc xin một phần do chủ quan, phần nữa do điều kiện kinh tế khó khăn. Hiện nay, giá tiêm liều vắc xin quá cao so với mức thu nhập của hộ gia đình (1 triệu đồng/liều); để tiêm đủ liều phải đi lại 5 lần trong vòng 1 tháng, gây khó khăn đối với người dân xa khu vực có điểm tiêm chủng.     
Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng trên 200.000 con chó nuôi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó nuôi hằng năm đạt chưa đến 10% so với tổng đàn. Tại TP. Pleiku, tổng đàn chó nuôi ước tính trên 12.000 con. Tuy nhiên, năm 2020, thành phố chỉ được cấp 450 liều vắc xin dại Rabisin.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku-thông tin: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch năm 2021 đề nghị cấp 3.000 liều vắc xin tiêm cho đàn chó nuôi. Ngoài ra, đến nay, chúng tôi đã vận động được 6.108 hộ/6.388 hộ nuôi chó ký cam kết trong quản lý vật nuôi; chủ động tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo. Tại tất cả các xã, phường đều có triển khai cấp sổ quản lý chó”. 
Cán bộ thú y phường Trà Bá, TP.Pleiku tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết trong việc quản lý vật nuôi. Ảnh: Như Nguyện
Người dân bị chó cắn cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2020, nguồn ngân sách tỉnh cấp là 12.360 liều vắc xin dại Rabisin tiêm phòng cho đàn chó nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao. Từ ngày 20-5 đến 20-6, toàn tỉnh đã triển khai tiêm xong, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.
“Theo quy định, người chăn nuôi phải mua vắc xin và triển khai tiêm phòng cũng như phải quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi. Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y: phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với các hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi ra nơi công cộng. Tuy vậy, thời gian qua vẫn chưa thấy một trường hợp nào bị xử phạt nên nhiều người nuôi chó vẫn… vô tư vi phạm”-ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nói.
Sau chuyến công tác tại Gia Lai vừa qua, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã có một số kiến nghị với tỉnh trong công tác phòng-chống bệnh dại. Theo đó, cần có sự phối hợp liên ngành giữa y tế, thú y; đẩy mạnh công tác truyền thông và đưa công tác phòng-chống bệnh dại đến với cộng đồng. Kiến nghị hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để không còn trường hợp nào tử vong do bệnh dại vì không có điều kiện tiêm phòng vắc xin khi bị chó cắn.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm