TP.HCM: Nối thành công cánh tay bị chém đứt lìa bằng mã tấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các bác sĩ của Bệnh viện 175 (TP.HCM) đã cấp cứu, xử trí vết thương, vi phẫu để khâu toàn bộ gân vùng cẳng tay, khâu thần kinh trụ giữa, khâu nối động mạch quay trụ, các tĩnh mạch, thần kinh..., cứu sống cánh tay bệnh nhân.
Bệnh nhân được nối cánh tay đứt lìa tại Viện Chấn thương chỉnh hình 175 (TP.HCM) ẢNH: BS CUNG CẤP
Bệnh nhân được nối cánh tay đứt lìa tại Viện Chấn thương chỉnh hình 175 (TP.HCM) ẢNH: BS CUNG CẤP

Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ - bác sĩ (TS.BS) Trần Lê Đồng - Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, kiêm Giám đốc Viện Chấn thương chỉnh hình 175 (TP.HCM), cho biết trước đây cơ sở vật chất, thiết bị, con người còn khó khăn, nên việc phối hợp giữa các khâu, chuyên khoa (phẫu thuật, lâm sàng, vật lý trị liệu...) trong điều trị tại các bệnh viện còn hạn chế.

Hiện, vấn đề này được quan tâm hơn, bởi nếu phối hợp tốt giữa các chuyên khoa sẽ đem lại kết quả điều trị hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian điều trị.
Mới đây, bệnh nhân P.Đ.H (nam, 36 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) bị chém bằng mã tấu đứt lìa 1/3 cẳng tay trái, được đưa vào cấp cứu ở Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 175.
Các bác sĩ của Viện đã cấp cứu, xử trí vết thương, vi phẫu để khâu toàn bộ gân vùng cẳng tay, khâu thần kinh trụ giữa, khâu nối động mạch quay trụ, các tĩnh mạch, thần kinh..., cứu sống cánh tay bệnh nhân.
Bệnh nhân khác là N.M.T (nam, 50 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) vào Viện Chấn thương chỉnh hình 175 hôm 28.4, do bị trượt chân té ngã vào máy dập giấy, bị máy dập đứt lìa 2 bàn chân (đoạn ngay cổ chân). Bác sĩ cho mổ cấp cứu khẩn, xử trí vết thương, vi phẫu khâu nối các động mạch, tĩnh mạch... cứu 2 bàn chân cho bệnh nhân. Đây là hai ca bệnh phức tạp, cả hai bệnh nhân sau vi phẫu được phối hợp tập vật lý trị liệu tại Viện...
Theo TS.BS Trần Lê Đồng, vi phẫu tạo hình giúp cứu các ca bệnh khó về chấn thương, tai nạn lao động, giúp cứu (nối lại) các chi, thi thể bị chấn thương. Mảng này công sức bỏ ra lớn, có những ca vi phẫu khó kéo dài 5-7 giờ đồng hồ. Nhưng phần quan trọng không kém là trị liệu sau phẫu thuật, giúp bệnh tình mau hồi phục, tiến triển tốt.
"Sự phối hợp giữa bác sĩ lâm sàng điều trị với bác sĩ vật lý trị liệu gắn bó nhau, tạo thuận lợi trong điều trị, rút ngắn thời gian điều trị chấn thương, cho kết quả tốt hơn", theo TS.BS Trần Lê Đồng.
Trao đổi chuyên môn giữa các bác sĩ tại Viện Chấn thương chỉnh hình 175 ẢNH: K.VY
Trao đổi chuyên môn giữa các bác sĩ tại Viện Chấn thương chỉnh hình 175 ẢNH: K.VY
TS.BS Trần Lê Đồng cho biết, trong các bài báo cáo của các chuyên gia chấn thương chỉnh hình gửi về Bệnh viện 175 (TP.HCM) nhân hội nghị khoa học chuyên ngành tới đây tại bệnh viện này, các chuyên gia cũng quan tâm, nhấn mạnh về: Kết hợp giữa lâm sàng điều trị và trị liệu sau khi phẫu thuật (vật lý trị liệu, phục hồi chức năng... cho người bệnh) để có kết quả điều trị tốt; về vi phẫu tạo hình, cấp cứu chấn thương...
Theo TS.BS Trần Lê Đồng, nếu các bệnh viện có không gian rộng, được đầu tư xây dựng các chuyên khoa sâu sẽ thuận lợi trong việc phối hợp, hội chẩn, xử lý giữa các bác sĩ, các chuyên khoa (như chấn thương, tim mạch, hô hấp...) trong điều trị phẫu thuật, nhất là với những người bệnh có các bệnh nền khác nhau.
Theo Thanh Tùng (Thanh Tùng)

Có thể bạn quan tâm