Sự thật về đậu nành mà bạn cần biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có nhiều lời đồn đại xung quanh đậu nành. Rằng nam giới ăn nhiều đậu nành sẽ mất đi “nam tính”, rồi đậu nành gây dậy thì sớm, gây bệnh tuyến giáp, hay đậu nành gây ung thư…
Nam giới tiêu thụ đậu nành với số lượng 1 - 2 ly mỗi ngày, đã không phát triển ngực hoặc rụng tóc, không gây ra tác dụng phụ giảm mức hoóc môn nam testosterone ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Nam giới tiêu thụ đậu nành với số lượng 1 - 2 ly mỗi ngày, đã không phát triển ngực hoặc rụng tóc, không gây ra tác dụng phụ giảm mức hoóc môn nam testosterone ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Sau đây, các chuyên gia sẽ giải đáp cho chúng ta những gì xảy ra với cơ thể khi ăn đậu nành, theo MSN.

1. Nguồn đạm hoàn chỉnh thay thế thịt cá
Vì đậu nành chứa tất cả 9 a xít amin thiết yếu mà cơ thể cần nhưng không tự sản xuất được, nên nó là sự thay thế độc đáo cho protein động vật như trứng, thịt, cá, hải sản và sữa, theo chuyên gia dinh dưỡng Leman, từ Glen Ellyn, Illinois (Mỹ).
2. Giúp giảm cholesterol
Tiêu thụ đậu nành thường xuyên có thể giúp giảm huyết áp và cholesterol có hại, tiến sĩ Pamela Fergusson, chuyên gia dinh dưỡng ở bệnh viện British Columbia (Canada), cho biết, theo MSN.
3. Tốt cho tim
Đậu nành nguyên chất chứa chất xơ, không chứa cholesterol và ít chất béo bão hòa, nên rất tốt cho tim. Để bảo vệ tim, có thể sử dụng thực phẩm từ đậu nành thay cho thịt đỏ và thịt chế biến.
Các phân tích tổng hợp cho thấy, protein đậu nành làm giảm cholesterol huyết thanh.
4. Nếu tiêu thụ vừa phải, đậu nành không gây ung thư
Một lượng đậu nành vừa phải, 2 - 3 phần mỗi ngày, là an toàn và không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, tiến sĩ Fergusson khẳng định.
Một phần tương đương với 1 ly 240 ml sữa đậu nành hoặc nửa chén đậu khuôn.
Trường hợp duy nhất nên hạn chế tiêu thụ đậu nành là đối với bệnh nhân mắc ung thư vú loại dương tính với thụ thể estrogen, tốt nhất là bỏ hoàn toàn đậu nành nếu estrogen đóng vai trò gây ra loại ung thư này, theo Good House Keeping.
5. Đậu nành không làm giảm nguy cơ ung thư
Các nghiên cứu cho thấy các hợp chất đậu nành có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và ngăn ngừa sự hình thành khối u. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng chắc chắn để kết luận rằng đậu nành làm giảm nguy cơ ung thư, theo MSN.
6. Đậu nành và tuyến giáp
Đối với người có tuyến giáp hoạt động kém, đậu nành đã được chứng minh là gây cản trở cơ thể hấp thụ thuốc tuyến giáp, nhưng chỉ khi tiêu thụ quá nhiều đậu nành. Các chuyên gia khuyên nên đợi ít nhất 4 giờ sau khi tiêu thụ đậu nành rồi mới uống thuốc tuyến giáp.
7. Ăn đậu nành có thể giúp ngăn ngừa ung thư tái phát
Một nghiên cứu trên 9.500 người sống sót sau ung thư vú, đã phát hiện rằng, những người uống mỗi ngày 1,5 ly sữa đậu nành, đã giảm nguy cơ tái phát ung thư vú, theo MSN.
8. Trẻ em có thể dị ứng với đậu nành
Một số trẻ em thường bị dị ứng với đậu nành, chuyên gia Leman nói. Nhưng rất hiếm dị ứng ở người lớn.
9. Ăn đậu nành không gây dậy thì sớm
Trong một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng (Mỹ), các thiếu nữ ăn lượng lớn đậu nành - nhiều hơn mức tiêu thụ bình thường, vẫn không bị dậy thì sớm.
Nhưng tiêu thụ hơn 16 ly sữa đậu nành mỗi ngày, có thể làm giảm chức năng buồng trứng
10. Ăn đậu nành sẽ không khiến đàn ông bớt nam tính
Chuyên gia Leman nói: Có hiểu lầm cho rằng tiêu thụ đậu nành làm giảm mức hoóc môn nam testosterone. Vì đã có trường hợp một người đàn ông phát triển ngực khi tiêu thụ đậu nành. Nhưng người này đã uống đến 3 lít sữa đậu nành mỗi ngày. Và sau khi anh ngừng uống, các triệu chứng dần dần biến mất.
Và nghiên cứu đã làm sáng tỏ điều này, với kết quả là, nam giới tiêu thụ đậu nành với số lượng 1 - 2 ly mỗi ngày, đã không phát triển ngực hoặc rụng tóc, không gây ra tác dụng phụ giảm mức hoóc môn nam testosterone, theo Havard Edu.
Theo Thiên Lan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm