Giẫm gai, mất luôn nửa bàn chân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa cứu được bàn chân cho người đàn ông bị bệnh đái tháo đường bị nhiễm trùng do giẫm gai.
Bàn chân cụ K. hoại tử nặng do nhiễm trùng sau lể gai
Bàn chân cụ K. hoại tử nặng do nhiễm trùng sau lể gai
Ngày 22-5, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM cho biết nơi đây vừa phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị toàn diện, cứu được chân cho 2 người đàn ông bị bệnh đái tháo đường dẫn đến loét, nhiễm trùng, hoại tử nặng cả bàn chân.
Ca đầu tiên là ông N.T.L (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long), bị đái tháo đường tuýp 2 đã 18 năm. Ban đầu, ông L. có những triệu chứng mỏi, nặng chân, châm chích, đau bắp chân khi đi bộ khoảng 400 m. Sau đó 2 tuần, ngón thứ 5 bàn chân phải hoại tử nặng và được bác sĩ ở BV địa phương chỉ định cắt bỏ.
Tuy nhiên, sau khi đoạn chi, tình trạng hoại tử chân không hết mà còn lan sang ngón chân 3 và 4. Được chuyển lên điều trị tại BV Đại học Y Dược, ông L. được chẩn đoán nhiễm trùng hoại tử mỏm cụt kèm theo tắc động mạch vùng cẳng chân do xơ vữa động mạch.
Ca thứ hai là cụ T.V.K (80 tuổi) bị đái tháo đường  hơn 16 năm. Trong một lần sơ ý, một chân bị giẫm gai, cụ K. tự nhổ gai ra, nặn, lể vết thương dẫn đến nhiễm trùng ngón chân rồi lan ra cả bàn chân. 
Cả ông L và cụ K. được các bác sĩ can thiệp tái thông động mạch bị tắc đưa máu tới nuôi bàn chân, sau đó cắt lọc mô và ngón chân hoại tử; phải mất từ 12-16 tuần chăm sóc và theo dõi đặt biệt, vết thương mới lành hoàn toàn. Cụ K. giữ được nửa bàn chân, hiện vết thương đã lành, có thể đi đứng được.

Các bác sĩ điều trị tích cực với sự phối hợp nhiều chuyên khoa mới giữ được nửa bàn chân còn lại cho cụ K.
Các bác sĩ điều trị tích cực với sự phối hợp nhiều chuyên khoa mới giữ được nửa bàn chân còn lại cho cụ K.
TS-BS Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết BV Đại học Y Dược, cho biết tất cả người bệnh đái tháo đường đều có khả năng bị loét chân. Tuy nhiên, tỉ lệ loét chân cao tập trung ở những người có thời gian mắc bệnh trên 10 năm, người bệnh kiểm soát đường huyết kém hoặc người bệnh có những biến chứng thần kinh ngoại biên, biến chứng mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn chân.
Chân ông L. được cứu sau 4 tháng lở loét, hoại tử
Chân ông L. được cứu sau 4 tháng lở loét, hoại tử
Loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương. Nếu vết loét có tình trạng lan rộng nhanh, nhiễm trùng nặng, làm mất chức năng bàn chân, gây nguy cơ hoại tử thì các bác sĩ buộc phải đoạn chi để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.
"Phương pháp điều trị bàn chân đái tháo đường mới hiện nay có sự phối hợp nhiều liên chuyên khoa như: nội tiết, chấn thương chỉnh hình, can thiệp mạch máu, phục hồi chức năng…sẽ giúp giảm thiểu đến mức tối đa tỉ lệ người bệnh phải đoạn chi do đái tháo đường"- BS Nam nhấn mạnh.
Nguyễn Thạnh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm