Lần đầu Việt Nam thay xương chậu nhân tạo bằng titan thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu tiên ở Việt Nam, các bác sĩ đã thay thế thành công xương chậu nhân tạo bằng titan cho bệnh nhân ung thư xương, mở ra cánh cửa hi vọng mới đối với bệnh nhân ung thư xương điều trị trong nước.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thay xương chậu bằng titan. Ảnh: BSCC
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thay xương chậu bằng titan. Ảnh: BSCC
Bệnh nhân đối mặt nguy cơ tàn phế suốt đời
Ngày 11.1.2021, sau 7 giờ đồng hồ, các bác sĩ của Việt Nam đã thực hiện thành công ca phẫu thuật trên. Bệnh nhân là ông T.Đ.T 57 tuổi, ở Bắc Giang, phát hiện bị ung thư xương được 7 tháng nay. Khối sưng, đau xuất hiện ở vùng hông trái và theo dõi cho thấy tăng nhanh về kích thước.
Bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện K và được sinh thiết, chẩn đoán bị ung thư (sarcom) xương cánh chậu trái, xâm lấn một nửa xương chậu và phần ổ cối của khớp háng.
Tại đây, ông đã được điều trị hóa chất 3 đợt và sau đó các bác sĩ khuyên ông nên phẫu thuật để lấy bỏ khối u, tăng cơ hội sống nhưng cũng có nghĩa ông sẽ tàn phế suốt đời vì khả năng sẽ phải tháo bỏ toàn bộ xương chậu phía bên trái để ngăn chặn khối ung thư phát triển và bảo toàn tính mạng.
Tại trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao (Hà Nội) ông Toàn đã được GS.TS Trần Trung Dũng trực tiếp thăm khám.
"Đây là một trường hợp rất khó, bởi khối u của bệnh nhân có kích thước lớn, xâm lấn phá hủy nhiều tổ chức xung quanh, lại nằm ở vùng có cấu trúc giải phẫu phức tạp là xương chậu”- GS Dũng chia sẻ.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định sẽ vừa phẫu thuật lấy bỏ phần xương chậu có u, vừa thay thế cho bệnh nhân xương chậu và khớp háng nhân tạo mới.
Trong thời gian 2 tuần sau quyết định quan trọng, ông Toàn được điều trị hóa chất đợt thứ 4. Cũng trong thời gian đó, các chuyên gia đã nghiên cứu, sản xuất, tìm ra phương án thay thế phần xương chậu bị lấy bỏ của bệnh nhân.

Kỹ thuật hiện đại, sự khéo léo, phối hợp ăn ý của các bác sĩ đã giúp ca phẫu thuật thành công. Ảnh: BSCC
Kỹ thuật hiện đại, sự khéo léo, phối hợp ăn ý của các bác sĩ đã giúp ca phẫu thuật thành công. Ảnh: BSCC
Tạo ra xương chậu nhân tạo bằng in 3D
Trước tiên, các bác sĩ đã quét lại mô hình 3 chiều vùng khung chậu của bệnh nhân. Từ đó, lên kế hoạch cho cuộc phẫu thuật như diện cắt u làm sao cho đủ triệt căn mà vẫn bảo tồn các điểm bám gân, cơ; cũng như kế hoạch thay thế phần xương khuyết hổng.
Sau khi đã có dữ liệu số hóa 3 chiều, các bác sĩ phối hợp cùng với các kỹ sư thiết kế tạo và in ra xương chậu nhân tạo thay thế được làm bằng hợp kim titan với hình dáng, chức năng gần như tương tự xương của bệnh nhân.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong phòng mổ hybrid với hệ thống robot Pheno Artist và hệ thống hình ảnh dẫn đường hỗ trợ định vị, dựng hình 3D trực tiếp trong phẫu thuật để tính toán các mốc đặt xương, giúp việc tính toán các góc nghiêng loại bỏ u và đặt xương chậu nhân tạo chính xác.
Các bác sĩ đã lấy bỏ thành công khối u xương và ghép hoàn thiện phần xương chậu cùng khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân.
"Điều đáng để nói ở ca phẫu thuật này là trong toàn bộ quá trình mổ, các bác sĩ đã bảo toàn nguyên vẹn được tất cả các cấu trúc mạch máu, thần kinh cùng điểm bám gân cơ đi qua vùng khung chậu. Toàn bộ ca mổ bệnh nhân chỉ mất tổng cộng gần 900ml máu, trong khi các phẫu thuật tương tự thế này trên thế giới lượng máu mất trung bình là từ 1200-1500ml"- GS Trần Trung Dũng cho hay.
Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia gây mê hồi sức, ngay sau mổ 12 tiếng ông T đã có thể tự ngồi dậy và tập vận động chân tại chỗ mà không hề có sự đau đớn, khó chịu nào cả.
Dự kiến chỉ trong vòng vài ngày tới bệnh nhân đã có thể tập đứng và đi lại với các dụng cụ hỗ trợ.
Theo thống kê, phẫu thuật loại bỏ u xương chậu và thay thế bằng xương nhân tạo mới chỉ được thực hiện ở một số quốc gia có nền y học tiên tiến, như ở Châu Á có Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc ứng dụng những công nghệ tiến bộ và triển khai những phương pháp mới đầy hiệu quả như phẫu thuật này tại Việt Nam sẽ mở ra thêm nhiều hy vọng mới đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý ung thư xương trong nước.
HƯƠNG GIANG (LĐO)

https://laodong.vn/y-te/lan-dau-viet-nam-thay-xuong-chau-nhan-tao-bang-titan-thanh-cong-870693.ldo

Có thể bạn quan tâm

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với tách cà phê. Thói quen này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc.
Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Lá đu đủ chứa các hợp chất thực vật đã được chứng minh là có tiềm năng dược lý rộng rãi. Nhiều chế phẩm từ lá đu đủ, như trà, chiết xuất, viên nén..., thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe theo nhiều cách.
Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.