Mô hình điểm kinh doanh thức ăn đường phố: Chuyển biến nhận thức về an toàn thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong năm 2020, Gia Lai có thêm 6 huyện, thị xã được chọn triển khai mô hình điểm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Việc triển khai mô hình điểm không chỉ vì sức khỏe người tiêu dùng mà còn nâng cao hiệu quả quản lý ATTP đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố.

Hiệu quả thiết thực

Từ trước đến nay, công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố gặp nhiều khó khăn vì các cơ sở kinh doanh không cố định, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Để đưa lĩnh vực này vào quy củ, năm 2019, TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đã triển khai thành công mô hình điểm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo ATTP. Trước đó, năm 2014, phường Hội Thương (TP. Pleiku) là đơn vị đầu tiên của tỉnh thí điểm mô hình này và tạo chuyển biến tích cực về công tác đảm bảo ATTP.

 Mô hình điểm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ATTP tại phường Hội Thương (TP. Pleiku) tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh. Ảnh: Như Nguyện
Mô hình điểm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ATTP tại phường Hội Thương (TP. Pleiku) tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh. Ảnh: Như Nguyện


Các cơ sở được chọn triển khai mô hình điểm không chỉ được tập huấn kiến thức về ATTP mà còn được hỗ trợ vật tư, trang-thiết bị phù hợp. Bà Thái Thị Thủy-chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố gần ngã tư Lý Thái Tổ-Trần Phú (TP. Pleiku) cho biết: “Các hộ kinh doanh thức ăn đường phố do vốn ít, địa điểm không cố định nên cơ sở vật chất chưa được đầu tư nhiều. Được chọn triển khai mô hình điểm, tôi được tập huấn kiến thức ATTP, được cấp vật tư, trang-thiết bị nên điều kiện kinh doanh tốt hơn. Bản thân tôi cũng luôn ý thức đảm bảo ATTP trong kinh doanh, vì sức khỏe của thực khách” .

Phường Hội Thương (TP. Pleiku) đã có 6 năm liên tục thực hiện mô hình điểm ATTP kinh doanh thức ăn đường phố. Bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường-chia sẻ: “Sau khi triển khai mô hình điểm, chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động. Trạm Y tế phường tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP và tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vào các đợt cao điểm, đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP. Đến nay, các cơ sở kinh doanh đều chấp hành tốt quy định về ATTP, đặc biệt là không xảy ra ngộ độc thực phẩm”.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Năm 2020, mô hình điểm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo ATTP tiếp tục triển khai tại các huyện: Đak Đoa, Kbang, Ia Grai, Phú Thiện, Đức Cơ và thị xã An Khê. Kinh phí triển khai trên 1 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu y tế-dân số năm 2020.

Qua triển khai mô hình điểm các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ngày càng nâng cao ý thức, chấp hành tốt quy định đảm bảo ATTP. Ảnh: Như Nguyện
Qua triển khai mô hình điểm, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ngày càng nâng cao ý thức, chấp hành tốt quy định đảm bảo ATTP. Ảnh: Như Nguyện


Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ đã lựa chọn 25 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại thị trấn Chư Ty để triển khai mô hình điểm. Bà Trần Thị Yến-cán bộ chuyên trách về vệ sinh ATTP (Trung tâm Y tế huyện) thông tin: “Huyện có khoảng 100 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, trong đó, 25 cơ sở được chọn thực hiện mô hình điểm. Khi được lựa chọn, tất cả chủ cơ sở đều thống nhất và phối hợp tốt. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP cho các cơ sở. Sắp tới, chúng tôi sẽ cấp vật tư, trang-thiết bị cũng như tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận mô hình điểm đối với 25 cơ sở này”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh-đánh giá: “Việc triển khai mô hình điểm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực; nhất là tạo sự chuyển biến trong nhận thức về ATTP của các cơ sở kinh doanh và người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, công tác quản lý bảo đảm ATTP cũng được thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn”.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại thành phố Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời.

Đưa thiết bị thể dục thể thao ngoài trời về làng, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại TP. Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời nhằm tạo cho người dân có thêm không gian để rèn luyện sức khỏe, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường sống chan hòa, lành mạnh.
Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.