Ngành Y tế Gia Lai chủ động phòng ngừa lây nhiễm chéo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở tuyến đầu chống dịch với nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao nên mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải chú trọng các biện pháp phòng hộ, đảm bảo an toàn sức khỏe, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng-chống dịch.
Từ đầu tháng 7-2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện 11 ổ dịch bạch hầu tại các huyện: Đak Đoa, Ia Grai và TP. Pleiku. Cùng với phòng-chống dịch bạch hầu, ngành Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng-chống dịch Covid-19.
Lực lượng y-bác sĩ là những người đầu tiên có mặt tại các điểm nóng phòng-chống dịch; triển khai khoanh vùng, dập dịch; tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp đi từ vùng dịch về để hướng dẫn khai báo y tế, lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ và cách ly theo quy định. Nhờ chú trọng thực hiện các biện pháp an toàn phòng-chống dịch nên không có trường hợp nhân viên y tế nào bị lây nhiễm chéo.
 Trung tâm Y tế TP. Pleiku trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Trung tâm Y tế TP. Pleiku trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế tham gia phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên, công tác khoanh vùng, dập dịch được triển khai quyết liệt. Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cho cán bộ, nhân viên y tế, quyết tâm không để lây nhiễm chéo. Bác sĩ Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Chúng tôi chủ động tạm ứng mua hóa chất, trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế và cán bộ phòng-chống dịch. Đến nay, dịch bạch hầu đã được khống chế, 4/5 ổ dịch đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
“Về công tác phòng-chống dịch Covid-19, Trung tâm triển khai theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về phân luồng, khám sàng lọc và quán triệt cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nghiêm các quy định phòng-chống dịch”-bác sĩ Chính cho biết.  
Bác sĩ Lê Văn Vinh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) chia sẻ: “Tôi là thành viên đội đáp ứng nhanh nên thường xuyên phải đi xác minh, lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Vì vậy, bản thân luôn thực hiện các biện pháp phòng dịch theo đúng quy định. Từ ngày 31-7 đến nay, tôi làm việc tại Phòng Khám và Tư vấn SARS-CoV-2. Những ngày đầu, số lượng người từ Đà Nẵng về khá đông. Bản thân tôi sau khi làm việc ở phòng khám xong thì những bộ trang phục bảo hộ thay ra để đúng nơi quy định. Về nhà thì tự cách ly ở phòng riêng chứ không tiếp xúc với vợ con để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Mỗi người chúng tôi đều tự ý thức được nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh nên phải chú trọng dự phòng để bản thân có sức khỏe tốt hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Trung tâm Y tế TP.Pleiku trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế phòng, chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế của Trung tâm Y tế TP. Pleiku tham gia phòng-chống dịch đều được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ. Ảnh: Như Nguyện
Phụ trách Phòng Khám bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế TP. Pleiku), hàng ngày, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phú tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp đi về từ vùng dịch hoặc có biểu hiện sốt, ho. Bác sĩ Phú cho hay: Công việc của tôi tiếp xúc nhiều với các trường hợp nguy cơ cao nên luôn chủ động làm tốt công tác dự phòng. Trung tâm cũng quan tâm công tác phòng hộ, dự phòng cho nhân viên y tế như trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, kính ngăn giọt bắn, khẩu trang y tế… Tại bàn khám có lắp kính chắn nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.
Tại các cơ sở y tế, các y-bác sĩ còn là tuyên truyền viên tích cực hướng dẫn người dân thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch. Bác sĩ Vũ Hạnh Nguyên-Trưởng khoa Khám (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) cho biết: Trung bình một ngày, Khoa Khám tiếp nhận từ 500 đến 600 lượt người đến khám. Đối với những người đi từ vùng dịch về hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì được phân luồng tại khu riêng biệt. Tất cả bệnh nhân đến khám đều được tư vấn, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách.
“Ngoài ra, 100% nhân viên y tế đều cài đặt ứng dụng Bluezone truy vết Covid-19 cũng như vận động bệnh nhân và người nhà cùng cài đặt ứng dụng này. Hơn ai hết, các y-bác sĩ phải đảm bảo an toàn phòng dịch không chỉ vì sức khỏe của mình mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng”-bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.
Ông Nguyễn Đình Sang(bên phải)-Chủ tịch Hội NCT xã thăm hỏi, động viên các hội viên NCT ở thôn 2, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. * Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai: 7,3 tỷ đồng chăm sóc người cao tuổi

(GLO)-Ông Nguyễn Thành Nuôi - Phó Trưởng ban Đại diện Hội người cao tuổi(NCT) tỉnh Gia Lai vừa cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội NCT trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức đi thăm hỏi, chúc tết, chúc thọ, mừng thọ và tặng quà cho hơn 10.000 hội viên NCT, với tổng trị giá 7,3 tỷ đồng.
Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì nắng nóng

Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì nắng nóng

(GLO)- Nắng nóng gay gắt trong những ngày qua đã ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Những người bị bệnh tiêu hóa, hô hấp, huyết áp, tim mạch… liên tục nhập viện, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.