Vi phẫu ở Bệnh viện Quân y 211 mang lại hạnh phúc cho người bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2015 đến nay, hơn 70 trường hợp bị tai nạn lao động và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến bị đứt lìa bàn tay, bàn chân đã được đội ngũ y-bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) điều trị thành công. Đây là con số hết sức ấn tượng, khẳng định trình độ, tay nghề cao trong kỹ thuật vi phẫu của những người thầy thuốc quân y. 
Đến giờ, anh Nguyễn Văn Quyết (SN 1987, trú tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về vụ tai nạn xảy ra cách đây chưa lâu. Trong lúc làm vườn, anh bị máy cắt cỏ cắt đứt lìa bàn chân phải. Tưởng chừng sẽ mang thương tật vĩnh viễn nhưng anh may mắn được đội ngũ y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 nối liền bàn chân và điều trị kịp thời. Giờ đây, chân anh đã lành lặn, sinh hoạt trở lại bình thường. “Tôi vẫn cứ ngỡ đây là một giấc mơ. Trước đó tôi vẫn nghĩ việc nối chi phải được thực hiện ở một nơi nào đó tiên tiến, hiện đại lắm chứ không phải ở ngay trên địa bàn tỉnh. Nhưng đội ngũ y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 đã làm được. Tôi rất biết ơn những người thầy thuốc quân y”-anh Quyết xúc động chia sẻ.
  Bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối bàn chân bị đứt cho bệnh nhân. Ảnh: S.T
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối bàn chân bị đứt cho bệnh nhân. Ảnh: S.T
Không chỉ có anh Quyết mà anh Nguyễn Văn Giang (SN 1995, trú tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông); anh Trịnh Kim Trung (SN 1995, trú tại xã Cư An, huyện Đak Pơ) và nhiều người khác đã trở lại cuộc sống bình thường sau tai nạn đứt lìa tay, chân nhờ được Bệnh viện Quân y 211 thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối lại thành công. Phần lớn họ là trụ cột, lao động chính của gia đình. Việc điều trị thành công đã mang lại hạnh phúc, niềm vui vô bờ bến không chỉ cho người bệnh mà cả gia đình họ. Theo Đại tá Võ Văn Khôi-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 211, đó cũng là trách nhiệm và hạnh phúc của người bác sĩ quân y. 
Để có được kết quả này, hơn 6 năm trước, Bệnh viện Quân y 211 đã cử bác sĩ chuyên khoa đến học tập, tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật vi phẫu ở các bệnh viện hàng đầu trong cả nước. Hiện nay, toàn Bệnh viện Quân y 211 có 5 bác sĩ chuyên sâu về kỹ thuật vi phẫu, nhiều kíp phẫu thuật tay nghề cao, có thể phẫu thuật 2-3 ca bệnh liên tiếp, kéo dài 12-18 tiếng đồng hồ. Bệnh viện cũng đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tập huấn, bồi dưỡng trong đơn vị; động viên đội ngũ y-bác sĩ chủ động đi học tập, nghiên cứu kỹ thuật vi phẫu ở các bệnh viện, nhà trường chuyên sâu; quan tâm đầu tư trang-thiết bị, máy móc hiện đại để nâng cao khả năng phẫu thuật, điều trị bệnh nhân. Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Quân y 211-cho biết: “Để có một bác sĩ giỏi trong vi phẫu đòi hỏi quá trình học tập, đào tạo nghiêm túc, công phu. Bên cạnh những bác sĩ đã vững vàng về kỹ thuật vi phẫu, Bệnh viện đang có kế hoạch đào tạo những bác sĩ trẻ kế cận trong tương lai”.     
Trao đổi với P.V, Đại tá Võ Văn Khôi chia sẻ: Vi phẫu là một trong những kỹ thuật khó của ngành Y. Việc đội ngũ y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 thực hiện thành công kỹ thuật này là điều rất đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc sức khỏe quân và dân trên địa bàn tỉnh.
 SƠN TÙNG

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.