Đức Cơ: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám-chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin nên thời gian qua, hệ thống y tế trên địa bàn huyện Đức Cơ, Gia Lai đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ gồm có 1 bệnh viện tuyến huyện, 1 Ban Y tế Dự phòng và 10 trạm y tế xã, thị trấn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám-chữa bệnh đã được Trung tâm Y tế huyện chú trọng triển khai từ năm 2016 cho toàn hệ thống y tế trên địa bàn huyện.
 Khám-chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Ia Krêl.    Ảnh: N.N
Khám-chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Ia Krêl. Ảnh: N.N


Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ Nguyễn Văn Trang: “Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân lực tại trạm y tế các xã và đẩy mạnh thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám-chữa bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ thêm trang-thiết bị về công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính cho cán bộ của trạm”.


Bác sĩ Nguyễn Văn Trang-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ-thông tin: Hiện nay, 10/10 trạm y tế xã, thị trấn đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám-chữa bệnh và y tế dự phòng; tham gia thanh quyết toán bảo hiểm y tế (BHYT) bằng phần mềm trực tuyến, dữ liệu được xử lý và thanh toán hàng ngày. Việc triển khai thành công phần mềm giúp các trạm y tế nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh; bệnh nhân được chẩn đoán theo Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan (phiên bản lần thứ 10-ICD 10). Việc ứng dụng công nghệ còn giúp đơn thuốc được in rõ ràng, tránh nhầm lẫn; thông tin về bệnh nhân, bệnh án ngoại trú, đơn thuốc được lưu trữ khoa học, thuận lợi cho việc hồi cứu; bệnh nhân không phải chờ đợi lâu. Đồng thời, kiểm tra được thông tuyến thẻ BHYT, tránh tình trạng người bệnh dùng thẻ bảo hiểm khám bệnh ở nhiều cơ sở khác nhau. Cũng nhờ đó, công tác lưu trữ hồ sơ bệnh án rất thuận tiện, khoa học; giúp thống kê báo cáo chính xác, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, thanh toán BHYT thuận lợi.
Cùng với những ưu điểm khác như có 8/10 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 13 bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã; được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị..., các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn đã thu hút người dân đến khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày càng đông. Nếu năm 2017 chỉ có 20.244 lượt người dân đến khám-chữa bệnh tuyến xã thì năm 2018 con số này đã tăng lên thành 24.125 lượt.
Nhờ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, Trạm Y tế xã Ia Krêl đã giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, tạo sự hài lòng và được người dân đánh giá cao. “Có thẻ BHYT nên mỗi khi đau ốm, mình thường đến Trạm Y tế xã. Đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế rất nhiệt tình, chu đáo”-bà Siu Hlil (làng Khóp, xã Ia Krêl) chia sẻ. Bác sĩ Trần Thị Minh Hằng-Trưởng trạm Y tế xã Ia Krêl-đánh giá: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp quản lý đồng bộ, chính xác, nhanh chóng, không phải thao tác thủ công như trước, không chỉ giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh mà còn giúp nhân viên y tế đỡ vất vả hơn. Chỉ cần vài bước thao tác trên máy thì tất cả thông tin của người bệnh đều có đầy đủ nên rất thuận lợi trong quá trình khám-chữa bệnh”.
Với công tác y tế dự phòng và môi trường, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng hỗ trợ tối đa việc thu thập dữ liệu về bệnh, thống kê được số người mắc bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các phần mềm chuyên môn về kiểm soát dịch bệnh giúp quản lý tốt hóa chất, kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Bà Lê Thị Thanh Nga-nhân viên Trạm Y tế thị trấn Chư Ty-dẫn chứng: “Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mình có thể kiểm tra, theo dõi được số trẻ tiêm vắc xin; tra cứu được tình hình tiêm của trẻ và kịp thời thông báo cho gia đình để thực hiện đầy đủ các mũi tiêm giúp trẻ phòng bệnh”.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại thành phố Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời.

Đưa thiết bị thể dục thể thao ngoài trời về làng, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại TP. Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời nhằm tạo cho người dân có thêm không gian để rèn luyện sức khỏe, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường sống chan hòa, lành mạnh.
Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.