Nét mới ở Trạm Y tế Ia Phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là xã vùng 3 nên Ia Phí (huyện Chư Pah, Gia Lai) gặp nhiều khó khăn để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đã hoàn thành được 6/19 tiêu chí, trong đó tiêu chí về y tế đạt chuẩn từ tháng 2-2016 nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã.
 Bác sĩ Rơ Châm Ker khám bệnh cho người dân trong xã. Ảnh: Thủy Bình
Bác sĩ Rơ Châm Ker khám bệnh cho người dân trong xã. Ảnh: Thủy Bình
Xã Ia Phí có 13 làng với hơn 6.770 nhân khẩu, hơn 95% dân số là người dân tộc Jrai. Trình độ dân trí thấp, địa bàn dân cư phân bố khá rộng, cuộc sống khó khăn nên nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế. Trước đây, hễ ốm đau, bệnh tật người dân đều tự chạy chữa, phụ nữ sinh đẻ thì đã có bà đỡ ở làng, trẻ em không được tiêm phòng. Đáng lo hơn là các cặp vợ chồng không biết đến các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên sinh nhiều con, có gia đình có tới 5-6 người con, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng chật vật hơn. “Đây là thực trạng chung của tất cả các trạm y tế vùng sâu. Muốn gặp để tuyên truyền rất khó vì bà con đều đi làm rẫy từ sớm. Vận động sinh con ít thì bà con chỉ cười, còn bảo y sĩ là người Jrai mà không hiểu phong tục tập quán, con trời cho, đẻ nhiều để có người làm việc”-y sĩ Rơ Châm Glũch chia sẻ.

Ông Rơ Châm Vích-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phí: “Trạm Y tế xã Ia Phí đã đạt chuẩn từ năm 2016. Từ đó đến nay, trạm luôn nỗ lực để duy trì, giữ chuẩn. Đây là điều rất đáng ghi nhận. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục quan tâm hỗ trợ Trạm Y tế xã, tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con trong việc chăm sóc sức khỏe”.

Hiện nay, người dân Ia Phí đã nhận thức tốt hơn nhiều. Đó là nhờ sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã và các cộng tác viên y tế ở thôn làng. Trạm Y tế xã Ia Phí hiện có 4 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 nữ hộ sinh; ngoài ra còn có 13 cộng tác viên y tế. Để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, cán bộ, nhân viên của trạm thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng xử đúng mực với bệnh nhân. Hàng tháng, trạm tổ chức giao ban một lần, tất cả các cộng tác viên báo cáo công việc cụ thể đã làm được, trình bày những khó khăn trong quá trình vận động, đề xuất kịp thời những biện pháp khắc phục. Cán bộ, nhân viên của trạm tích cực xuống làng, đến từng nhà dân để vận động bà con; lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động trong các cuộc họp làng nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho bà con. 13 cộng tác viên y tế đều được đào tạo và tích cực thực hiện tốt công tác tư vấn cho bà con về việc không tự chữa bệnh tại nhà, đau ốm, sinh đẻ phải ra trạm khám hoặc lên tuyến trên. Anh Rơ Châm Túi-cộng tác viên y tế làng Tum-cho biết: “Làng Tum là 1 trong 3 làng lòng hồ thủy điện Ia Ly, đường sá đi lại còn khó khăn lắm. Dù chế độ phụ cấp cho công việc này khá thấp với hơn 600 ngàn đồng/tháng nhưng mình vẫn gắn bó, tích cực vận động bà con giữ gìn và chăm sóc sức khỏe, có sức khỏe thì mới làm việc hiệu quả được”.
Bên cạnh các đợt tiêm chủng mở rộng, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế còn vận động bà con thay đổi nhận thức từ những điều đơn giản nhất, như: phải rửa tay sạch trước khi ăn, ăn chín uống sôi, ngủ màn... Bằng nhiều việc làm thiết thực, bà con dần tin tưởng các y-bác sĩ, số người đến khám tại Trạm Y tế ngày một tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, trạm đã khám-chữa bệnh cho hơn 1.187 lượt người, số bệnh nhân khám bằng bảo hiểm y tế là 742 lượt. Hơn 135 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng, uống vitamin; 137 phụ nữ mang thai được tiêm phòng. Đối với những ca bệnh khó, ngoài khả năng chuyên môn, trạm đều kịp thời chuyển lên tuyến trên. Công tác tuyên truyền dân số trên địa bàn xã cũng được triển khai thường xuyên. 6 tháng đầu năm, có gần 700 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai. Nhờ tập trung tuyên truyền, những năm gần đây không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn xã. Chị Rơ Châm Hưnh (làng Yăng 2) chia sẻ: “Trước đây, ốm nhẹ thì mình để tự khỏi hoặc nhờ người đi mua thuốc, bệnh nặng hơn mới đến bệnh viện. Giờ nghe theo lời bác sĩ, đau nhẹ mình cũng ra trạm để thăm khám, không tự chữa bệnh ở nhà, vì như thế là nguy hiểm”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trạm cũng đang gặp một số khó khăn vì cơ sở vật chất còn hạn chế, trang-thiết bị phục vụ khám-chữa bệnh còn thiếu thốn khiến công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân còn hạn chế. Anh Rơ Châm Ker-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Phí-cho biết: “Khó khăn thì nhiều lắm nhưng anh em trong trạm luôn đoàn kết, động viên lẫn nhau vượt khó, đặt mục tiêu phục vụ sức khỏe bà con lên hàng đầu. Cán bộ, nhân viên của trạm luân phiên túc trực 24/24 giờ để kịp thời giúp đỡ bà con, đồng thời, cung cấp số điện thoại cho bà con phòng khi có việc cần gọi”.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ vi phạm trong lĩnh vực y tế

Gia Lai: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ vi phạm trong lĩnh vực y tế

(GLO)- Tin từ Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa xử phạt hành chính bác sĩ CKI Lê Văn Phán, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của Phòng khám chuyên khoa Ngoại tại Phòng khám Đa khoa Tây Nguyên (111 đường Trần Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 705 bệnh nhân lao. Theo đánh giá, số bệnh nhân tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng bệnh nhân kháng thuốc gây khó khăn trong công tác phòng-chống lao.
Công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai

Công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai

(GLO)- Sáng 23-3, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai và ký kết hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với Bệnh viện tuyến Trung ương. Dự lễ công bố quyết định có ông Đỗ Xuân Tuyên-Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế.