Tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam đạt trên 95%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng quốc gia năm 2018 do Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 15-6.

Tuần lễ tiêm chủng là sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới về bảo vệ cuộc sống bằng vắc xin phòng bệnh thông qua tiêm chủng. Tuần lễ tiêm chủng năm nay có chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.

 

Cán bộ y tế khám sàng lọc, hướng dẫn gia đình chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin.
Cán bộ y tế khám sàng lọc, hướng dẫn gia đình chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định tầm quan trọng của tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng và kêu gọi các bậc cha mẹ vì sức khỏe của con em mình cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985. Với việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên 95%, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Ngoài ra, việc đưa Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào hoạt động đã giúp quản lý đối tượng tốt hơn, theo dõi lịch sử tiêm chủng của trẻ đầy đủ và chính xác hơn, kịp thời nhắc các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

 Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm những “vùng lõm” về tiêm chủng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 95% trên quy mô xã, đặc biệt tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm, đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, công tác phòng chống dịch bệnh có vắc xin như sởi, bạch hầu, dại.

Các điểm tiêm chủng dịch vụ phải đảm bảo chất lượng để người dân có thể tiếp cận tốt với các loại vắc xin; mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng. Các bệnh viện cần tham gia tích cực trong công tác triển khai vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu. Các cơ sở y tế tích cực cập nhật thông tin Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia để quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Thứ trưởng Long cũng thông tin thêm về việc hạ độ tuổi tiêm vắc xin sởi cho trẻ em. "Bộ Y tế đã chỉ đạo nghiên cứu việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ em từ 6 tháng tuổi (thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay). Hiện nghiên cứu đã được giao cho Hội đồng nghiên cứu của Bộ Y tế duyệt để tiến tới triển khai tiêm sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên vào quý IV năm 2018.

Trên thực tế, nhiều trẻ dưới 9 tuổi mắc sởi vì miễn dịch của mẹ thấp (hoặc không có) nên không có khả năng truyền cho con. Việc đẩy sớm tuổi tiêm vắc xin sởi, khuyến khích các bà mẹ trong tuổi sinh nở tiêm vắc xin sởi, và việc triển khai tiêm vét cho các đối tượng có nguy cơ cao sẽ tiến tới loại trừ bệnh sởi sau năm 2020", GS Long nói.

Bên cạnh việc sẽ tiêm vắc xin sởi cho trẻ lúc 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay, năm nay, Bộ Y tế cũng sẽ đưa vắc xin bại liệt dạng tiêm vào tiêm chủng mở rộng để thay thế vắc xin bại liệt dạng uống.

Chí Tâm/congly

Có thể bạn quan tâm

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại thành phố Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời.

Đưa thiết bị thể dục thể thao ngoài trời về làng, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại TP. Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời nhằm tạo cho người dân có thêm không gian để rèn luyện sức khỏe, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường sống chan hòa, lành mạnh.