Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo đánh giá của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, trình độ nhận thức về an toàn thực phẩm (ATTP) của người dân vùng sâu, vùng xa còn thấp; chính quyền địa phương, nhất là cấp xã vẫn chưa vào cuộc một cách quyết liệt... là những nguyên nhân khiến công tác quản lý, đảm bảo ATTP tuyến huyện còn nhiều hạn chế, bất cập.

Liên tiếp ngộ độc tập thể

Ăn thịt bò bệnh, ăn thịt gà chết, thực phẩm chế biến không đảm bảo an toàn… dẫn đến ngộ độc tập thể là tình trạng khá phổ biến hiện nay ở các xã vùng sâu, nhất là các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở chế biến thực phẩm. Ảnh: L.L
Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở chế biến thực phẩm. Ảnh: L.L

Theo thống kê của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Chư Sê đã xảy ra 3 vụ ngộ độc tập thể. Điển hình là vụ ngộ độc tập thể với 114 người mắc vào ngày 14-9-2013 tại làng Hố Lang (xã Chư Pơng) do ăn thịt bò bệnh. Tiếp đó, ngày 24-9-2015, cũng do ăn thịt bò bệnh chết, 62 người ở làng Bă Bong (xã Al Bá) đã phải nhập viện. Và mới đây nhất, ngày 28-2-2018 xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 25 người tại xã Ia Ko phải đi cấp cứu do ăn thịt gà chết có tồn dư thuốc diệt chuột Fokeba 20CP.

Dù đã có nhiều cảnh báo, song tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế và an ninh trật tự. Theo ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, nguy cơ ngộ độc do sử dụng thịt gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết là rất cao. Điều này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của người dân trong kiểm soát khâu chọn lựa nguyên liệu, sơ chế và chế biến thực phẩm…

“Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Chi cục đã có công văn yêu cầu Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trạm y tế xã, cộng tác viên y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh trong chế biến và bảo quản thức ăn; không sử dụng thức ăn tái, sống, nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để chế biến thức ăn”-ông Đang nhấn mạnh.

Tiềm ẩn nguy cơ từ dịch vụ ăn uống lưu động

Với đặc tính tiện lợi, ít tốn thời gian và giá rẻ hơn nhiều so với dịch vụ ở nhà hàng nên dịch vụ ăn uống lưu động đang phát triển rất nhanh, vươn rộng khắp các địa bàn, nhất là tuyến huyện trong các dịp cưới, hỏi, tân gia, thôi nôi, sinh nhật... Song, cũng vì lưu động nên dịch vụ này rất dễ phát sinh những vấn đề liên quan đến ATTP, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc tập thể. Vì không có địa điểm cố định nên khu vực chế biến thường tạm bợ, không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, các cơ sở này thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức tiệc, trong quá trình vận chuyển thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn vì để lẫn lộn giữa thực phẩm chín và sống; đa số thực phẩm không được che đậy kín hoặc dụng cụ bảo quản không đảm bảo vệ sinh.

 

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức 202 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tại các huyện, xã. Qua kiểm tra 2.423 cơ sở, ngành chức năng đã phát hiện 449 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 96 cơ sở với tổng số tiền 92 triệu đồng; nhắc nhở 353 cơ sở.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với loại hình dịch vụ ăn uống lưu động, huyện Đức Cơ vừa triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền về ATTP. Ông Rơ Lan Thứ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ, cho biết: Chương trình do  Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với UBND huyện, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh ký kết thực hiện. Việc phối hợp vận động, giám sát bảo đảm ATTP đối với loại hình kinh doanh, dịch vụ ăn uống lưu động trên địa bàn huyện sẽ góp phần giúp các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống lưu động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm khi tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện tổ chức giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống lưu động, yêu cầu phải đảm bảo các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống như: giấy đăng ký kinh doanh, bản cam kết bảo đảm ATTP, giấy chứng nhận đủ sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP… Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những dịch vụ nấu ăn lưu động có uy tín, chất lượng; khi hợp đồng dịch vụ nấu ăn lưu động phải thông báo với chính quyền địa phương về thời gian, địa điểm để thực hiện công tác giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn…

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại thành phố Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời.

Đưa thiết bị thể dục thể thao ngoài trời về làng, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại TP. Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời nhằm tạo cho người dân có thêm không gian để rèn luyện sức khỏe, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường sống chan hòa, lành mạnh.