Krông Pa: Chủ động phòng-chống bệnh thủy đậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO) Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, Gia lai trong hai tháng đầu năm, bệnh thủy đậu đã tăng nhanh trên địa bàn huyện, tuy nhiên, do kịp thời khoanh vùng và xử lý, đến nay bệnh đã được kiểm soát, số ca nhập viện điều trị giảm dần, không có trường hợp biến chứng nặng.

Lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: N.S
Lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: N.S

Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, cho biết: “Trong 2 tháng đầu năm, Trung tâm tiếp nhận và điều trị nhiều ca thủy đậu. Trước tình số ca nhập viện gia tăng, Ban Giám đốc trung tâm đã chủ động giám sát, nắm bắt tình hình, diễn biến của bệnh và chỉ đạo về chuyên môn để khống chế không để bùng phát. Trung tâm đã tư vấn cho Ban Giám hiệu các đơn vị trường học có các ca mắc bệnh thủy đậu, cho số trẻ bị mắc được nghỉ học và cách ly tại nhà ít nhất 7 ngày để tránh lây lan ra cộng đồng và học sinh khác trong lớp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức cho các cháu vui chơi tại lớp phòng trường hợp có cháu đang ủ bệnh lây sang các bạn lớp khác trong trường. Cử bác sĩ xuống phối hợp với cán bộ y tế học đường phun hóa chất khử khuẩn Cloramin B, vệ sinh trường lớp. Đồng thời, tuyên truyền đến các giáo viên trong nhà trường, cùng các bậc phụ huynh và các em học sinh vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ để giảm thiểu mắc các bệnh dịch khi chuyển mùa… Đến nay, cơ bản bệnh đã được kiểm soát, hạn chế phát sinh ca nhiễm mới”.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, đến nay toàn huyện đã ghi nhận 146 ca mắc bệnh thủy đậu, tập trung chủ yếu tại các trường học và nơi đông người. Trong đó, Trường Mầm non bán trú của thị trấn Phú Túc có số ca mắc bệnh nhiều nhất. Các ca còn lại rải rác tại cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đa số các ca mắc bệnh đã xuất viện gần hết, không có ca bệnh nặng, biến chứng, không có trường hợp nào bệnh nhân tử vong. Để đạt được kết quả đó, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống các loại bệnh giao mùa bằng việc tuyên truyền toàn dân những nội dung về bệnh dịch thủy đậu. Vì vậy, khi xảy ra bệnh thủy đậu, Trung tâm đã chủ động trong việc khống chế bệnh.

Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, tình hình thời tiết thay đổi thất thường, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, đặc biệt là trẻ em khiến cho bệnh thủy đậu dễ lây lan. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, cho biết: “Thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái số lượng người mắc thủy đậu trên địa bàn huyện gia tăng. Trong 2 tháng của năm 2017, chỉ ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh. Đối tượng thường gặp là trẻ em và người trẻ tuổi (dưới 30 tuổi), tuy nhiên, khi mắc bệnh, người trẻ tuổi thường sẽ có những triệu chứng nặng hơn và có thể xảy ra biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách; còn đối tượng trẻ em nếu mắc bệnh sẽ có diễn biến bệnh nhẹ hơn vì đã được tiêm phòng thủy đậu theo chương trình tiêm chủng quốc gia”.

Ảnh: N.S
Ảnh: N.S

Bác sĩ Bửu cho biết thêm: Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra và thường bùng phát vào mùa Xuân. Bệnh thủy đậu xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vây, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo. Khi đã mắc thủy đậu, bệnh nhân cần cách ly ít nhất 5-7 ngày bởi bệnh thường xảy ra trong nhóm người thân cận gia đình, trường học. Đây là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh thủy đậu có thể gây những biến chứng nghiệm trọng đe dọa tính mạng người bệnh như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm màng não... Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có thề khiến thai nhi bị dị tật hoặc gây bệnh thủy đậu bẩm sinh cho trẻ. Bệnh truyền từ người bệnh qua người lành chủ yếu bằng đường hô hấp.

Hiện nay, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh thủy đậu là sử dụng vắc xin phòng ngừa. Vì thế, ngoài các biện pháp ăn uống tăng cường sức đề kháng cho sức khỏe, mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vắc xin thủy đậu, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi, vắc xin có thể tiêm cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn (chưa mắc bệnh thủy đậu) để bệnh không có cơ hội bùng phát.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.