Vẻ đẹp hùng vĩ và kỳ thú của non nước miền biên ải Cao Bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với 3 tuyến du lịch chính, du khách đến với Cao Bằng sẽ được khám phá toàn cảnh những đặc trưng cơ bản về địa chất và trải nghiệm văn hóa bản địa ở Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất độc đáo, Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đang đem đến sức sống mới giúp tỉnh miền biên viễn phát triển du lịch cũng như quảng bá văn hóa.
Di sản địa chất độc đáo
Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An.
Nơi này có 130 điểm di sản địa chất độc đáo mang giá trị quốc tế, trong đó có 1 khu bảo tồn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 5 khu bảo vệ cảnh quan và 2 hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là miền đất mà du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây.
 
Động Ngườm Ngao có nhiều nhũ đá và măng đá với các hình dạng phong phú đa dạng, là một trong những hang động đẹp nổi tiếng tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Động Ngườm Ngao có nhiều nhũ đá và măng đá với các hình dạng phong phú đa dạng, là một trong những hang động đẹp nổi tiếng tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt thác Bản Giốc, từng được bình chọn là một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.
Nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt-Trung, rộng khoảng 50m, cao khoảng 35m và gồm ba tầng. Quanh thác có rừng dày, cùng với dòng nước tung bọt trắng xóa xuống sông Quây Sơn quanh năm và các hoạt động sống của con người, sẽ cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên.
Đến thác Bản Giốc du khách ghé thăm Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc được xây dựng nguy nga và khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Từ trên chùa có thể nhìn bao quát được một vùng không gian rộng lớn biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Ngoài ra, tuyến du lịch Đèo Mã Phục và "Mắt Thần núi" ở xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh) là một trong những con đèo đẹp nhất ở Cao Bằng. Đi bộ trên con đường mòn khúc khuỷu quanh "Mắt Thần núi" du khách sẽ được khám phá hồ Nặm Trá rộng khoảng 15ha cùng thác nước Nặm Trá đẹp duyên dáng.
Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén thuộc Công viên địa chất Nước Non Cao Bằng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, mang đậm nét hoang sơ. Nơi đây lưu giữ 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý, hiếm, có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gene và giáo dục môi trường.
Khu rừng ở nóc nhà phía Tây của tỉnh Cao Bằng còn được coi như "lá phổi xanh," có tác dụng lớn trong việc điều hòa khí hậu góp phần bảo tồn và phát triển bền vững trong khu vực. Vào mùa Đông lạnh giá, du khách còn có thể được chiêm ngưỡng băng tuyết phủ trắng Phia Oắc.
Khám phá Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén còn là cơ hội để du khách tìm hiểu lịch sử của Di tích quốc gia đặc biệt khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng lừng danh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, ngày 22-12-1944 đã cùng 34 chiến sỹ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trải nghiệm văn hóa bản địa
Truyền thuyết dân tộc Tày kể rằng, từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vùng Cao Bằng là địa phận Thục Phán đánh bại các đối thủ đã thống nhất hai thành phần cư dân Lạc Việt và Tây Âu lập nên nước Âu Lạc, lên ngôi vua An Dương Vương, chuyển thủ đô về Cổ Loa (Đông Anh-Hà Nội). Nghĩa là từ thời kỳ đầu lập quốc, Cao Bằng đã từng là một trung tâm chính trị, văn hóa.
Chính vì thế, 9 dân tộc Tày, Nùng, Dao... sinh sống tại các huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Trùng Khánh đã tạo nên một bức tranh văn hóa sinh độc và đặc sắc.
Đến với Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống như làng rèn Pác Rằng. Có truyền thuyết rằng thuở xưa có một ông cụ không biết từ đâu đi ngang qua, thấy người Nùng An chỉ biết săn bắt, hái lượm nên cuộc sống rất nghèo đói. Vì thế ông cụ quyết định dạy cho người Nùng An nghề rèn. Ngày nay, người Nùng An ở Phúc Sen vẫn lập một ngôi đền nhỏ để tưởng nhớ ông tổ nghề và mỗi gia đình đều có riêng một bát hương tỏ lòng biết ơn đối với ông. Có nguồn tin còn cho rằng làng rèn này đã từng đúc cả thần công trước kia và đại bác trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ở đây còn có nghề làm hương của người Nùng An ở làng Phia Thắp. Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cả làng ai cũng biết làm hương. Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi: cây mai để làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau.
Du khách còn được chiêm ngưỡng hàng chục lễ hội dân gian như pháo hoa Quảng Uyên, Nàng Hai Phục Hòa, lồng tồng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... và thưởng thưc các món ẩm thực như thịt lợn ướp bột gạo chua, lạp xường hun khói, thịt nướng, chả cuốn, vịt quay, lợn sữa quay nhồi lá mác mật vàng rộm. Hoặc các món ăn được khéo léo kết hợp nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng đặc sắc như ong đất xào măng, lẩu cá chua, xôi trám đen, rêu đá Tầu Quầy xào.
Những tuyến du lịch chủ đạo
Để phát triển du lịch dựa trên những giá trị cốt lõi của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng được UNESCO ghi nhận, tỉnh Cao Bằng đã và đang ưu tiên khai thác 3 tuyến du lịch chủ đạo gồm Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội;” Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” và Tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên.”
Theo chủ đề “Hành trình về nguồn cội”, tuyến du lịch cụm phía Bắc tập trung ở huyện Hòa An và Hà Quảng đưa du khách tìm hiểu về miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc như đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng, khu di tích lịch sử Kim Đồng, khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hành trình về nguồn cội cũng đưa du khách khám phá tiến trình lịch sử phát triển địa chất trên 500 triệu năm của trái đất qua các giá trị di sản địa chất mang giá trị quốc tế tại Cao Bằng.
Tại huyện Hà Quảng, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch cúc đá (nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm), có giá trị định tuổi các tầng lớp đá chứa chúng và xác định đứt gãy địa tầng.
 
Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đến trải nghiệm điểm di sản mới Hòn đá mồ côi tại thung lũng Bản Hau, xã Cao Thăng (Trùng Khánh). Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN
Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đến trải nghiệm điểm di sản mới Hòn đá mồ côi tại thung lũng Bản Hau, xã Cao Thăng (Trùng Khánh). Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN
Điểm đặc biệt, hóa thạch cúc đá được chọn vào logo của Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, làm biểu tượng đại diện cho khoa học về hai cấu trúc diện mạo địa chất điển hình karst trẻ, karst già và cũng là biểu trưng giá trị văn hóa đặc sắc của Cao Bằng.
“Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” là chủ đề của tuyến du lịch cụm phía Tây, tập trung ở huyện Nguyên Bình với 16 điểm tham quan. Điểm nhấn của tuyến này là Khu du lịch sinh thái Phia Oắc- Phia Đén, trong đó đỉnh Phia Oắc cao 1.931m được coi là nóc nhà của Cao Bằng.
Về địa chất, nơi đây có sự đan xen giữa các loại đá lục nguyên, đá vôi và đá xâm nhập granit, tạo nên các dãy núi đất xen với núi đá. Xưa kia người Pháp đã chọn Phia Oắc - Phia Đén làm nơi nghỉ mát, hiện vẫn còn các dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ của các công chức thời Pháp.
Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu, có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như nghiến, bách vàng, hoàng liên chân gà, bảy lá một hoa, vượn cao vít, khỉ mặt đỏ, rắn hổ chúa... Rừng ở đây còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, trong đó đặc trưng là các khu rừng lùn.
Tham quan tuyến này, du khách còn có thể ghé điểm di sản hóa thạch tại xã Lang Môn, di tích đồn Phai Khắt, làng dệt thổ cẩm in sáp ong của dân tộc Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, đồi chè Kolia, trang trại cá hồi...
Tuyến du lịch phía Đông tập trung vào 4 huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh và Hạ Lang, mang đến những trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chay... qua các làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian; cũng như những món ăn đậm đà hương vị núi rừng Việt Bắc như xôi trám, thịt nướng 7 vị, phở chua, hạt dẻ Trùng Khánh, bánh cuốn Cao Bằng..
Công viên địa chất non nước Cao Bằng là xứ sở của hang động, có tới 200 hang động, trong đó 50 hang động có thể khai thác du lịch. Đến với “xứ sở thần tiên” này là đến với những hang động lớn có thạch nhũ đá đẹp thuộc loại nhất nhì Việt Nam như động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang)... hay quần thể hồ-sông hang ngầm Thang Hen (Trà Lĩnh).
Đặc biệt, hành trình này đưa du khách khám phá thác Bản Giốc (Trùng Khánh), được mệnh danh là thác nước lớn và đẹp thứ tư trên thế giới (trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia), và là trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng còn giữ được cảnh đẹp nguyên sơ và những giá trị địa chất, văn hóa bản địa cốt lõi.
Trên tuyến này, du khách cũng sẽ được ngắm các cảnh quan đặc trưng của công viên địa chất toàn cầu như núi Mắt Thần, thác Nặm Trá (Trà Lĩnh)...
Với 3 tuyến du lịch chính này, du khách đến với Cao Bằng sẽ được khám phá toàn cảnh những đặc trưng cơ bản về công viên địa chất và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Cuộc sống dân dã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây sẽ khiến cho du khách muốn trùng lòng, sống chậm lại để được tận hưởng những giây phút quý giá nơi đây.
(Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.