Tới Quảng Ngãi 'du lịch tình thân' hậu Covid- 19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mấy năm nay, du lịch Quảng Ngãi đã phát triển, tuy còn khá chậm. Nguyên nhân này không hẳn do thiếu đầu tư.
 
Không gian phía trước Chùa Hang. Kiến tạo từ núi lửa đã tạo ra cảnh quang hùng vĩ. Bên trong dãy vách đá này là chùa Hang, khách tham quan đến đảo Lý Sơn, thường đến đây bái vọng ngôi chùa trong hang động này. Ảnh: Tấn Phát
Không gian phía trước Chùa Hang. Kiến tạo từ núi lửa đã tạo ra cảnh quang hùng vĩ. Bên trong dãy vách đá này là chùa Hang, khách tham quan đến đảo Lý Sơn, thường đến đây bái vọng ngôi chùa trong hang động này. Ảnh: Tấn Phát
Còn nhớ, khi anh Võ Văn Thưởng về làm Bí thư Quảng Ngãi, có lần tôi đã nói với anh: “Nên có một slogan cho Du lịch Lý Sơn, là Du lịch vì lòng yêu nước. Như thế, sẽ thu hút được người Việt tới du lịch ở hòn đảo này”.
Đúng là sau đó không lâu, Lý Sơn đã thành điểm đến của lòng yêu nước, nhất là với người trẻ.
Họ không chỉ tới Lý Sơn để thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp, để ăn những món hải sản độc đáo, mà còn tới Lý Sơn để biết Hoàng Sa chính là quần đảo của Việt Nam, để tìm hiểu về “hải đội Hoàng Sa” lừng danh từ mấy trăm năm trước, để biết cha ông mình đã hy sinh như thế nào khi cắm mốc chủ quyền và gìn giữ hòn đảo này cho Tổ quốc Việt Nam.
Lý Sơn thực sự đã trở thành một bảo tàng sống động của tình yêu Tổ quốc, thành một quyển sách mở lớn cho nhiều thế hệ tìm đọc về những hải trình trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân trên hòn đảo đầy dũng khí này.
Những năm gần đây, đảo Bé, hòn đảo vốn khiêm nhường của Lý Sơn bỗng trở thành một điểm du lịch thu hút khách với mô hình homestay phục vụ khách tại nhà, thân tình, chu đáo, có trước có sau, khiến du khách một đi đã nhiều lần trở lại.
“Du lịch thân tình” là một hướng du lịch mà Quảng Ngãi nên nhân rộng, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thì dù phải "sống chung với Covid-19”, khách du lịch vẫn sẽ tìm đến để tận hưởng sự ấm áp, tình thân ái và những chăm sóc như với người nhà của những chủ homestay. Đảo Bé đã đi trước một bước, đã làm gương cho nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi có thể học tập mô hình “Du lịch thân tình” này cho chính địa phương mình.
 
Lý Sơn đã thành điểm đến của lòng yêu nước, nhất là với người trẻ. Ảnh: N.A
Lý Sơn đã thành điểm đến của lòng yêu nước, nhất là với người trẻ. Ảnh: N.A
Quảng Ngãi có bờ biển dài 130 cây số, có những vùng thiên nhiên biển còn hoang sơ và tuyệt đẹp. Đó là cái vốn rất quý cho du lịch hiện đại, khi du khách muốn khám phá những vùng đất còn hoang sơ, được tận hưởng thiên nhiên ở dáng vẻ tự nhiên nhất của nó.
Bây giờ mà chỉ chăm chăm làm du lịch theo kiểu resort bê tông cốt thép, cứ quảng cáo theo hướng sang chảnh 4, 5 sao thì sẽ ế khách. Bởi đã chuyển tới thời kỳ du lịch mới, với những nhu cầu mới của du khách, mà trong đó sự thân thiện, tình yêu thương luôn đi cùng với thiên nhiên được bảo vệ và giữ được dáng vẻ tự nhiên của nó. Không chỉ thu hút khách nước ngoài, phong cách du lịch mới ấy thu hút rất mạnh khách trong nước, đặc biệt là những du khách trẻ. Hồi trước ta hay gọi đó là “du lịch bụi”, bây giờ thì gọi đúng là “du lịch sinh thái”, nơi mà tiền bạc và sự sang chảnh không phải yếu tố đầu bảng, mà thiên nhiên và tình người mới là những yếu tố thu hút hàng đầu.
Quảng Ngãi nên đón trước xu thế này trong du lịch, để không ký giao đất bừa bãi cho một số doanh nghiệp vẫn tư duy du lịch theo kiểu cũ. Vì ở xu thế mới này, người dân địa phương mới là chủ thể sáng tạo nên những hình thức giản dị, thậm chí tối giản phục vụ khách du lịch, với mức giá mà mọi du khách đều có thể hài lòng.
Từ hình thức du lịch homestay gần gũi, ấm áp tới “du lịch thân tình” và “du lịch sinh thái” chỉ là một bước ngắn. Người dân hoàn toàn có thể sáng tạo trong khoảng ngắn này, để du khách luôn có cảm giác mình ăn ở ngay giữa lòng thiên nhiên, đồng hành với cái đẹp, và hài lòng vì cung cách phục vụ.
Mà du lịch Quảng Ngãi, thì đâu chỉ ven biển hay hải đảo mới làm được những hình thái du lịch thân tình và sinh thái, mà miền núi và những vùng bán sơn địa như Nghĩa Hành đều có thể tổ chức tốt những hình thái này, và đều có cơ sở để thu hút du khách.
Lâu nay chúng ta rất hay nói về Ba Tơ là quê hương của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ lừng lẫy, nhưng chưa tổ chức được một hình thái du lịch phù hợp và thu hút người trẻ khám phá vùng rừng núi, khám phá về lịch sử cuộc khởi nghĩa này. Tại sao chúng ta không tổ chức được những tour “Theo dấu chân người khởi nghĩa”, hay “Chinh phục đỉnh Cao Muôn”, những tour du lịch khám phá có hương vị mạo hiểm một chút mà tuổi trẻ rất thích thú. Để thiết kế được những tour ấy không tốn kém nhiều, nhưng khi thành công, thì chúng ta được cả du lịch lẫn giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước một cách thú vị nhất, thu hút nhất. Những đặc sản của rừng núi Ba Tơ, từ sản vật của rừng tới ẩm thực mang màu sắc các dân tộc Ba Tơ cũng sẽ là những “trạm” trên con đường “Theo dấu chân người khởi nghĩa” hay “Chinh phục đỉnh Cao Muôn”. Mật ong thiên nhiên Ba Tơ sẽ là mặt hàng được du khách ưu tiên trong hành trình khám phá của mình, chẳng hạn.
Làm du lịch không phải chuyện ai làm nấy hưởng, mà sự hưởng lợi nhiều khi dành cho cả cộng đồng. Kinh tế vùng sẽ có cơ hội phát triển nhờ những hình thái du lịch cộng đồng như vậy.
Có một vùng thiên nhiên rừng núi đặc biệt hấp dẫn của Quảng Ngãi chưa được khai thác là vùng núi Cà Đam. Đó là một vùng núi cao 1.500 mét có đặc trưng khí hậu thật đặc biệt, sẽ là điểm rất thu hút du khách nếu biết khai thác. Đường từ TP.Quảng Ngãi lên tới núi Cà Đam phải là đường thật tốt, còn từ chân núi lên đỉnh núi thì nên khai thác theo hai con đường: một đường dành cho phương tiện xe, và một con đường nhỏ khá hoang sơ dành cho người đi bộ lên đỉnh núi. Hình thái nghỉ dưỡng trên đỉnh núi vẫn là những homestay, kết hợp với những ngôi nhà nhỏ mà vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng đất, bằng tre, mây, lợp tranh, dành cho những du khách thích tự mình khám phá.
Nếu Nghĩa Hành có thể phát triển thành những quần thể du lịch vườn cây ăn quả, với những ngôi nhà nông thôn giản dị theo lối cổ dành cho khách nghỉ dưỡng, thì đó sẽ là một vùng đất đầy triển vọng cho du lịch “tìm về cuộc sống thôn dã” đang rất được ưa chuộng tại phương Tây, nhất là trong thời dịch bệnh covid-19.
Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.