An Giang bứt phá phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bên cạnh việc khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có, An Giang đã bứt phá trong công tác đầu tư, quảng bá… đưa du lịch không ngừng phát triển, từng bước xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước LÂM MINH NHỰT
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước LÂM MINH NHỰT
Với đặc thù địa lý bao gồm đồng bằng, đồi núi, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng sự đa dạng các công trình tín ngưỡng đặc sắc và văn hóa của nhiều dân tộc… An Giang trở hành điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Tháng 9, mùa nước nổi về, du khách đến An Giang bị cuốn hút với bao sản vật mang đậm nét riêng của vùng đầu nguồn vùng lũ. Lẩu cá linh - bông điên điển hòa quyện vị chua nhẹ và hương thơm dễ chịu của trái chúc (loại trái cùng họ với chanh chỉ có ở An Giang) khiến ai một lần thưởng thức đều nhớ mãi. Đến An Giang, du khách có thể xuyên rừng tràm Trà Sư hoặc cùng người dân Búng Bình Thiên “săn” sản vật tôm cá tự nhiên. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng thì về Long Xuyên vượt thuyền qua sông Hậu đến cù lao Mỹ Hòa Hưng - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với những vườn cây trái bạt ngàn; hay đến những làng bè lênh đênh trên sông nước ở TX.Tân Châu và TP.Châu Đốc.
Sản phẩm du lịch An Giang có rất nhiều sự đa dạng. Đó là vùng “Thất Sơn - Bảy Núi” cảnh đẹp tuyệt vời, ẩn chứa nhiều huyền thoại bí ẩn. Trong đó có Núi Cấm với độ cao hơn 700 m so với mực nước biển, được ví là “nóc nhà” của ĐBSCL và là “Đà Lạt” ở miền Tây bởi khí hậu mát mẻ quanh năm. Đến vùng Bảy Núi, du khách không thể bỏ qua các khu du lịch như Đồi Tức Dụp, Núi Sam, Óc Eo, Ba Chúc... Đặc biệt là Miếu Bà Chúa Xứ, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của cả nước.

Lễ hội đua bò Bảy Núi là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh An Giang  LÂM MINH NHỰT
Lễ hội đua bò Bảy Núi là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh An Giang LÂM MINH NHỰT
Sự đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh An Giang còn là những lễ hội và làng nghề đặc sắc. Trong mỗi lễ hội, mỗi làng nghề đều có nét văn hóa và sự độc đáo riêng làm du khách say mê. Có thể kể đến như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi, lễ hội văn hóa Búng Bình Thiên... Làng Chăm Châu Giang, xứ lụa Tân Châu, làng Chăm Đa Phước… Ngoài ra, văn hóa ẩm thực của An Giang cũng vô cùng phong phú, mang đến nhiều thú vị cho du khách: gà đốt ô Thum, bún cá Châu Đốc, bún cá Long Xuyên, cháo bò Tri Tôn, bánh bò Tân Châu…
Mở “nút thắt” giao thông để phát triển du lịch
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết giai đoạn 2015-2020, thế mạnh du lịch của tỉnh đã được phát huy. Trong đó, đầu năm 2017, để tháo gỡ khó khăn về giao thông, UBND tỉnh An Giang đề ra chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 để mở “nút thắt” về giao thông cho các điểm du lịch. Qua đó, giai đoạn 2017-2020, An Giang đã bố trí nguồn vốn hơn 3.108 tỉ đồng đầu tư 11 tuyến đường của tỉnh kết nối vào các khu, cụm du lịch ở TP.Châu Đốc, Tri Tôn - Tịnh Biên, Óc Eo - Núi Sập (H.Thoại Sơn) phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cân đối tổng các nguồn vốn 257 tỉ đồng đầu tư xây dựng các điểm du lịch văn hóa, du lịch gắn với tâm linh, tham quan tìm hiểu lịch sử ở nhiều khu du lịch nhằm đưa du lịch An Giang thêm khởi sắc.

Một góc Núi Cấm, nơi được mệnh danh “Đà Lạt” của miền Tây  LÂM MINH NHỰT
Một góc Núi Cấm, nơi được mệnh danh “Đà Lạt” của miền Tây LÂM MINH NHỰT
Thông qua các chương trình phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh An Giang đã mời gọi được 22 dự án đầu tư vào du lịch với tổng vốn đăng ký hơn 6.400 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều dự án tập trung vào các khu vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng như: công viên trò chơi Núi Cấm, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, khu vui chơi giải trí Hải Đến, khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc, khu du lịch văn hóa tâm linh cáp treo Bà Chứa Xứ…
Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Lãnh đạo tỉnh An Giang thông tin cùng với phát triển nông nghiệp thì phát triển du lịch là định hướng đúng đắn của tỉnh. Thông qua nhiều chủ trương và giải pháp được thực hiện đã giúp du lịch ngày càng phát huy hiệu quả. Các nhà đầu tư đến An Giang thực hiện các dự án về nông nghiệp và du lịch lớn là tiền đề quan trọng tạo ra những động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn tới. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, du lịch An Giang đề ra chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 5%/năm về số lượng du khách, đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu trên, An Giang sẽ phát huy thế mạnh đặc thù của du lịch địa phương. Phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Khai thác đặc trưng riêng từng địa phương để phát triển du lịch, hình thành “mỗi địa phương là một điểm đến”. Làm tốt công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du dịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, giải trí về đêm… nhằm phục vụ và giữ chân du khách.

Thiên nhiên tuyệt đẹp giúp An Giang thuận lợi phát triển du lịch  CTV
Thiên nhiên tuyệt đẹp giúp An Giang thuận lợi phát triển du lịch CTV
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “An Giang sẽ phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, chủ động liên kết vùng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tăng lượng du khách. Quan tâm công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn chung của cả nước và từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế. Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành và các khu - điểm du lịch, giải quyết triệt để nạn ăn xin, chèo kéo, đeo bám du khách nhằm đảm bảo an toàn cho du khách… Qua đó đưa An Giang trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng ĐBSCL cũng như cả nước”.
Theo thống kê của UBND tỉnh An Giang, năm 2015, tỉnh thu hút 6,25 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 1.520 tỉ đồng. Năm 2019, du khách đến An Giang đạt 9,2 triệu lượt, doanh thu 5.500 tỉ đồng. Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần giúp An Giang đạt tốc độ tăng trưởng GRDP, giai đoạn 2015-2020 đạt 5,25% và GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 46,8 triệu đồng.
Theo Trần Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.