Hoang sơ đầm Trà Ổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vùng ven biển Bình Định có 3 đầm lớn nằm trên một trục liên tiếp từ Bắc đến Nam: đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ), đầm Đạm Thủy (huyện Phù Cát) và đầm Thị Nại (TP. Quy Nhơn). Riêng đầm Trà Ổ ít bị sự xâm lấn của con người nên còn giữ được nét hoang sơ, mộc mạc.
Nhìn từ trên cao, đầm Trà Ổ, núi ôm ấp ba bề, chỉ còn một mặt nhìn ra bể khơi. Bên cạnh đầm Trà Ổ lớn nhất ở giữa thì hai bên có đầm nhỏ: Bình Hồ và Thúy Ky. Xung quanh là làng mạc cư dân nông nghiệp của 4 xã: Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Châu; người dân đều sống bằng nghề làm ruộng và đánh bắt cá trên đầm.
Ông Mừng-một người dân xã Mỹ Thắng-cho biết: Ngày xưa, đầm Trà Ổ thông ra biển qua cửa Hà Ra (cách 3 km) thì đầm có nước mặn (dân gian gọi là nước xà hai); cá, tôm rất nhiều. Từ ngày con lạch nối đầm với biển bị lấp và dần dần “đoạn tuyệt” với nhịp thở của bể khơi thì nước trong đầm không còn vị mặn của biển, môi trường cũng dần thay đổi, những loài cá nước ngọt sinh sôi nhiều hơn; người dân ven đầm trồng được lúa nước 2 vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển.
Nếu như đầm Đạm Thủy nối với biển qua cửa Đề Gi có loài cá mai với nghề làm gỏi cá mai nức tiếng trong vùng thì đầm Trà Ổ có các loài đặc sản ít nơi nào sánh bằng, như cá chình mun, chình hoa và tôm nhảy… Do đánh bắt nhiều, các loại cá chình, nhất là loài chình mun quý hiếm dần dần cạn kiệt vì sự biến đổi tự nhiên của đầm không còn thông với biển cả nên ảnh hưởng đến việc sinh sản của loài cá chình khó tính này. Du khách về vùng đầm Trà Ổ thường thích 2 món ẩm thực địa phương là chình mun um chuối chát và bún tôm nhảy. Đa số thực khách khi thưởng thức các món đặc sản này đều tấm tắc bởi vị thơm ngon, mặn mà. Người địa phương cũng công nhận cá tôm ở đầm Trà Ổ có vị ngon đặc biệt hơn những nơi khác. Theo bà con ở đây, có thể do con nước và môi trường nó sinh sống ít bị ô nhiễm.
 Đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ảnh: INTERNET
Đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ảnh: INTERNET
Hàng trăm hộ dân ở các làng ven đầm nhiều đời nay gắn bó với con nước tự nhiên. Bên cạnh làm ruộng, bà con còn sắm thuyền nhỏ và ngư cụ để đánh bắt thủy sản trên đầm. Chính nghề phụ đã nuôi sống cư dân ven đầm này bao thế hệ qua. Mỗi ngày chèo thuyền ra đầm vào mùa nước thuận lợi, họ có thể kiếm được vài ba trăm ngàn đồng từ tôm cá. Nhờ vậy mà vùng nông thôn này rất hiếm hộ nghèo. Câu ca dân gian nơi đây còn truyền tụng: “Rủ nhau mua tép Trà Ổ/Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về” hay: “Con chình đen thủi đen thui/Nhâm nhi một miếng nhớ mùi Trà Ô”. Trước đây, tỉnh Bình Định có dự án làm điện năng lượng mặt trời ở đầm Trà Ổ. Tuy nhiên, người dân trong vùng không đồng tình vì cho cho rằng dự án này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, mất đi nguồn sinh sống chính của cư dân. Cuộc thương lượng giữa nhà đầu tư, chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Như một tấm gương trời soi bóng, mặt hướng về vùng bãi cát bên thềm biển trắng phau, xung quanh là viền xanh của cánh đồng lúa bát ngát, thi thoảng điểm xuyết bởi những cái bàu thả sen trắng, sen hồng, xa hơn là những dãy núi nhấp nhô, đầm Trà Ổ đẹp như bức tranh thủy mặc. Dường như trên suốt không gian trải rộng của đầm chưa có công trình bê tông nào phá vỡ cảnh quan “nhà quê” ấy, chỉ duy nhất có một cây cầu tre lắt lẻo dài khoảng 400 m do người dân bắc tạm để đi lại (chủ yếu là đi bộ). Tứ bề các góc đầm, đây đó nổi lên những cái đăng tôm cá bằng tre với dăm ba chiếc thuyền câu bé xíu và cây sào gác chỏng chơ đã tô điểm cho vẻ đẹp nên thơ. Nếu trong những chuyến lữ hành qua miền Trung hay về Bình Định mà quên địa chỉ đầm Trà Ổ thì quả là đáng tiếc. Khi về Trà Ổ, du khách sẽ được hưởng không khí trong lành với miền quê kỳ thú, thanh bình và được thưởng thức món đặc sản nhớ đời được vớt lên từ con nước lơ lớ của đầm mà không phải nơi nào cũng có.
Bạn tôi, quê Phù Mỹ có câu hát bài chòi như một lời mời khách: “Ai về Trà Ổ rong chơi/Bắt con tôm nhảy nấu bún tươi… ăn đã thèm”.
HOÀNG LINH VIỆT

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.