Tham quan Thiền viện Thiên Hưng ngày mùng 5 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùng 5 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hàng ngàn du khách thập phương đổ về Thiền viện Thiên Hưng (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) để tham quan và cầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc.
Rất đông du khách đổ về tham quan Thiền viện Thiên Hưng. Ảnh: Hà Phương
Rất đông du khách đổ về tham quan Thiền viện Thiên Hưng. Ảnh: Hà Phương
Thiền viện Thiên Hưng tọa lạc tại thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có địa thế rất đẹp và độc đáo, tựa sơn vọng hải, lại đón gió biển thổi vào. Quần thể du lịch sinh thái và tâm linh rộng 64 ha, nằm bên sườn phía Nam của núi Bà; phía Đông Nam giáp tỉnh lộ 639; phía Tây Nam giáp khu vực chùa Linh Phong và suối; phía Tây Bắc giáp đỉnh 148 núi Bà; phía Đông Bắc giáp khu di tích cách mạng núi Bà.
Đại đức Thích Đồng Ngộ-Trụ trì chùa Thiên Hưng, người sáng lập Thiền viện Thiên Hưng, cho biết: “Với tổng giá trị đầu tư 500 tỷ đồng, quy mô của dự án bao gồm các khu chức năng chính như: khu tượng Phật; khu công viên trên núi; khu công viên Thạch Lâm; khu nghỉ dưỡng kết nối, phát huy giá trị khu di tích chùa Linh Phong hiện hữu. Công trình điểm nhấn của dự án là khu tượng Phật trên diện tích hơn 5 ha, tượng Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật cao 54 mét được thiết kế 2 tầng, đế cao 15 mét bê tông cốt thép, phần bề mặt mô phỏng vân đá xanh. Đặc biệt, phần mỹ thuật của Đại tượng Phật được tạo trên cơ sở kết hợp tinh tế giữa nguyên mẫu Phật Thích Ca Mâu Ni tôn kính và những nét sắc thái của văn hóa dân tộc Việt Nam, tạo nên vẻ uy nghi nhưng vô cùng gần gũi. Đây sẽ là pho tượng Phật cao nhất ở Việt Nam hiện nay. Tượng Đức Phật ngự ở lưng chừng núi, trên độ cao hơn 120 mét so với mực nước biển, trong tư thế mắt nhìn ra biển, lưng tựa vào núi”.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống Thiền viện Thiên Hưng. Ảnh: Hà Phương
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống Thiền viện Thiên Hưng. Ảnh: Hà Phương
Ngày từ sáng sớm, từng dòng người liên tiếp đổ về thiền viện để tham quan và cầu nguyện. Không chỉ du khách địa phương mà còn nhiều du khách ở các nơi  cũng đến nơi đây để tham quan tìm hiểu. 
Gia đình anh Lê Nhật Khoa đến từ quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng vừa lên đến đỉnh để chiêm ngưỡng tượng Phật, chia sẻ: “Hàng năm gia đình tôi thường tổ chức đi tham quan ở các tỉnh phía Bắc, nhưng năm nay, vợ tôi được người bạn ở Bình Định giới thiệu về nơi này nên cả gia đình quyết định vào đây du lịch 3 ngày. Hôm qua cả nhà đã đi tham quan rất nhiều nơi ở Quy Nhơn và hôm nay đến đây”. Ở Đà Nẵng cũng có nhiều nơi tham quan về tâm linh, nhưng đến đây tôi thấy ấn tượng hơn ở các nơi khác là tượng Phật rất to và đứng ở vị trí rất cao. Tuy chùa đang được xây dựng, một số hạng mục chưa hoàn thành nhưng vẫn rất đẹp và ấn tượng”-anh Khoa chia sẻ thêm.
Du khách chụp ảnh kỷ niệm trước cổng thiền viện. Ảnh: Hà Phương
Du khách chụp ảnh kỷ niệm trước cổng thiền viện. Ảnh: Hà Phương
Còn với chị Nguyễn Thị Loan (ở phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum) cho biết năm nào cả gia đình cũng về Bình Định tham quan du Xuân vì nơi đây không chỉ có cảnh quan hùng vĩ mà đi chùa đầu năm mới mong gia đình bình an, may mắn.
Lần đầu tiên đến Bình Định và được người thân dẫn đến tham quan Thiền viện Thiên Hưng, nhóm của chị Phan Thu Thảo đến từ Hà Nội, bộc bạch: “Lần đầu tiên chúng tôi đến đây, vừa tham quan tượng Phật, ngắm cảnh từ trên cao, đi dọc bờ biển để hít thở không khí trong lành vừa thưởng thức những món ăn đặc sản rất ngon”. 
Cảnh quang nơi đây rất hấp dẫn. Ảnh: Hà Phương
Cảnh quang nơi đây rất hấp dẫn. Ảnh: Hà Phương
Dưới chân tượng Phật là Trung tâm thuyết pháp Phật giáo và hành lang La Hán- nơi phật tử và du khách đến hành lễ, chiêm ngưỡng. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ: đường lên; cổng tam quan; hồ nước nhân tạo; quảng trường Pháp luân tứ trụ và đường hành lễ; khu tượng đài; khu cây xanh cảnh quan dọc trục đường hành lễ. Khu vực Quảng trường Pháp luân gồm các hạng mục: cổng tam quan, cổng phụ, quảng trường, khu hành chính, khu dịch vụ bưu điện thiết kế phỏng theo triết lý Phật pháp tạo cho du khách, phật tử cảm giác bình an, thanh thản và tôn kính.
Đường hành lễ bắt đầu từ Tứ trụ diệu đế tạc bằng đá khối. Với chiều dài hơn 300 mét, đường hành lễ thiết kế là các bậc thang bằng đá phiến, hai bên trồng cây xanh, nối Quảng trường Pháp luân lên đến hành lang La hán dưới chân đại tượng Phật. “Đây là con đường để phật tử, du khách tản bộ lên chiêm bái tượng Phật, nghe thuyết pháp Phật pháp”- Đại đức Thích Đồng Ngộ cho biết thêm.
Du khách tham quan xung quanh Điện Vạn Phật. Ảnh: Hà Phương Dòng người tấp nập lên chiêm ngưỡng tượng phật. Ảnh: Hà Phương
Du khách tham quan xung quanh Điện Vạn Phật. Ảnh: Hà Phương Dòng người tấp nập lên chiêm ngưỡng tượng phật. Ảnh: Hà Phương
Quy mô rộng lớn, uy nghi và thoáng đãng, cộng với lối kiến trúc tạo hình Phật giáo trang nghiêm, hiền hòa, tĩnh tại mang đậm tinh thần và hồn dân tộc Việt Nam, Thiền viện Thiên Hưng là một điểm đến về văn hóa, lịch sử và tâm linh, thu hút nhiều du khách đến tham quan, đặc biệt là trong những ngày Tết. 
Hà Phương

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.