Đi tìm bản sắc đô thị Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xoay quanh câu chuyện tìm kiếm sản phẩm du lịch đặc trưng cho Gia Lai, nhiều người có chung ý tưởng về xây dựng đô thị Pleiku thành một thương hiệu, tương tự như khi nói đến du lịch Quảng Nam phải nhắc đến đô thị cổ Hội An hay gần hơn trong khu vực là đô thị Đà Lạt. Đây là ý tưởng không mới nhưng cần thiết trong bối cảnh các thành phố cao nguyên đang cố gắng đi tìm bản sắc riêng hướng đến phát triển kinh tế du lịch.
Đô thị Pleiku mới chỉ được hình thành cách đây 90 năm. Nhưng trước khi được định danh, đô thị này đã là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc bản địa với người Kinh đến từ các vùng miền khác nhau hay một số dân tộc miền núi phía Bắc khiến cho vùng đất này càng đậm dấu ấn riêng: làng mạc trong phố thị, đời sống thị dân đa sắc thái văn hóa của các dân tộc. Trong tâm thức thị dân, Pleiku xưa là đô thị quyến rũ với những đặc trưng riêng: địa hình đồi núi, những con dốc dài, thời tiết bốn mùa trong ngày, kiến trúc hài hòa với cảnh quan, khác biệt về thị giác. Dù đi đâu, người ta vẫn thương về Pleiku bởi một chỉ dấu đặc thù như vậy.
Ông Nguyễn Hữu Thọ-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi nói đến các giải pháp đột phá phát triển du lịch Gia Lai đã nhấn mạnh: “Phải lấy Pleiku làm trung tâm cho mọi hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch. Phố núi Pleiku phải là điểm nhấn để lan tỏa, kết nối với tuyến, điểm “vệ tinh” xung quanh. Nhưng trước tiên, Pleiku phải xây dựng cho được bản sắc đô thị”. Một thành phố có bản sắc là nơi kết tinh được những giá trị văn hóa-lịch sử, địa lý trong quá trình đô thị hóa. Vậy Pleiku đã định vị được tiêu chí nào trong quá trình phát triển?
Bản sắc văn hóa đô thị
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh sau nhiều chục năm nghiên cứu đã đúc kết: Mỗi địa danh là một yếu tố văn hóa-lịch sử thú vị. Tên gọi Pleiku cũng gợi rất nhiều tò mò, suy tưởng cho khách du lịch. Nguồn gốc địa danh còn gắn với những truyền thuyết, trong đó có cách lý giải tên gọi này như một vị trí “trên cao” là đặc trưng rất riêng của vùng đất này. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho rằng: “Khi nhắc đến tên một đô thị nào đó của cao nguyên, người ta liên tưởng ngay đến các yếu tố đặc thù. Chẳng hạn, các đô thị ở Tây Nguyên đều được gọi là phố núi, nhưng khi nói đến phố núi nhiều người lại liên tưởng ngay đến Pleiku chứ không phải đô thị nào khác. Bên cạnh đó, nằm ở vị trí không quá cao như Đà Lạt, không thấp như Kon Tum hay Buôn Ma Thuột, không khí Pleiku cũng không giống với các vùng khác của Tây Nguyên. Vì lẽ đó, Phố núi Pleiku còn được mệnh danh là thành phố của những giấc ngủ ngon”.
  Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, những năm gần đây, công tác quảng bá, tiếp thị du lịch của Gia Lai đã thành công ở chỗ, nhắc tới Pleiku, du khách nghĩ tới không gian rộng lớn chứ không phải bó hẹp trong lòng thành phố. Đó là những “vệ tinh” xung quanh Pleiku như núi lửa Chư Đang Ya, Biển Hồ, đồi cỏ hồng Glar, rừng hoa muồng vàng Bàu Cạn… làm cho phố núi dần trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Các điểm đến này chỉ cách Pleiku 15-25 km. Mặc dù là những địa danh ở vùng ven nhưng khi nhắc tới du lịch Pleiku, du khách liên tưởng ngay tới một Phố núi thơ mộng, gắn với cây xanh, hoa cỏ, đôi ba đồn điền trà… rất gần gũi tự nhiên. Thiên nhiên Pleiku mang nét hoang dại của đại ngàn, đồng điệu giữa các yếu tố tự nhiên, vừa tạo ra không gian bình yên vừa mở ra tầm nhìn về một vùng cao nguyên rất riêng.
Đặc trưng riêng là một tài sản
Dưới góc độ của một người làm du lịch có sự nắm bắt nhanh nhạy, kịp thời xu hướng của du khách, ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt-nhìn nhận: “Xây dựng Pleiku thành đô thị có bản sắc theo hướng khai thác kinh tế du lịch đã được tôi đề cập tại các diễn đàn. Mặc dù bây giờ chúng ta mới nghĩ đến điều này là hơi muộn, nhưng lại có lợi thế là nhìn từ các đô thị khác để biết mình cần và tránh những gì. Theo tôi, đô thị Pleiku cần xây dựng theo hướng vừa phát triển du lịch vừa giữ lại đặc trưng văn hóa, kiến trúc nhưng đồng thời cũng phải hiện đại. Yếu tố hiện đại là sáng tạo trong quy hoạch, kiến trúc đô thị để tạo nên sự khác biệt về thị giác. Pleiku có tài nguyên vô cùng to lớn là nằm trên nhiều đỉnh đồi, nhiều con dốc, tạo nên dáng hình đô thị rất đẹp, rất lãng mạn. Khi quy hoạch, cần tôn vinh thiên nhiên, tôn vinh sự khác biệt mà địa lý đã ban tặng cho vùng cao nguyên này. Một đô thị có bản sắc hay phi danh tính đều nằm ở chỗ có làm nổi bật cảnh quan điển hình nhất hay nhấn chìm nó theo kiểu san phẳng, làm mới”. Theo ông Hải, đó là vấn đề của lãnh đạo thành phố trong việc tìm ra “kiến trúc sư trưởng” có tài, có tâm và dĩ nhiên phải yêu Pleiku. Nhiều thành phố phải trả giá khi phát triển đô thị theo kiểu phá hủy cái lõi nguyên thủy của cảnh quan, làm mất đi bản sắc. Chúng ta đi sau cần phải rút kinh nghiệm điều này.
Quy hoạch Pleiku bên cạnh khai thác lợi thế địa lý làm nên dấu ấn kiến trúc riêng, cần chú ý đến các yếu tố tạo nên đặc thù. Ông Hải ví dụ: “Mỗi cây xanh trồng xuống cũng phải có tính đặc trưng để tạo ra bản sắc. Chợ đêm Pleiku cũng là một dấu ấn mang bản sắc đô thị rất rõ. Như chợ đêm Đài Loan trở thành nét văn hóa đặc thù vì kích cầu mua sắm, hình thành lối sống thị dân. Chợ đêm trở thành nét văn hóa độc đáo ở đảo quốc này do mang đậm vẻ đẹp của văn hóa Á Đông. Chúng ta phải dùng văn hóa vùng đất để thu hút khách du lịch. Chợ đêm Pleiku cũng cần được xem xét như một yếu tố làm nên bản sắc cho đô thị Pleiku như vậy…”.
Con người luôn lưu giữ ký ức về đô thị mình đang sống, còn đô thị là nơi điêu khắc và trưng bày tất cả nhưng dấu tích mà con người tạo. Vì sao ngày càng có nhiều người nhắc tới “Pleiku xưa”?  Hẳn Phố núi trong những ngày ấy có những thứ đẹp đẽ đủ khiến người ta lưu giữ sâu trong ký ức như vậy. Cho nên phải làm sao để đô thị Pleiku 90 năm, 100 năm hay nhiều thế kỷ tới trở thành di sản không chỉ trong ký ức, mà cả trong dòng chảy của thời gian, thời đại. Đó chính là bài toán đặt ra cho kiến trúc, quy hoạch đô thị thành phố, để “kiến trúc luôn liên kết với những vấn đề bản sắc thị giác và bản sắc văn hóa” (Giáo sư kiến trúc William Lim).
Chúng ta không thể so sánh với đô thị cổ Hội An hay đô thị Đà Lạt được mệnh danh là một “tiểu Paris” của Đông Dương những năm 30 của thế kỷ XX, một “thành phố trong cây cỏ và cây cỏ trong thành phố”. Nhưng chúng ta cần có ý thức tạo ra đô thị tương tự cho tương lai với những đặc trưng riêng mà 90 năm hình thành của đô thị Pleiku đã là những viên gạch nền móng đầu tiên.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.