Thiên đường giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đặt chân đến rừng tràm Trà Sư, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của “đảo xanh ngọc bích” với thảm thực vật xanh thăm thẳm cùng hàng trăm loài động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ Việt Nam...

 Nhà hàng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, hòa hợp thiên nhiên tại khu du lịch Trà Sư
Nhà hàng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, hòa hợp thiên nhiên tại khu du lịch Trà Sư

Du lịch Trà Sư lên ngôi

Rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) rộng gần 800 ha, được xem là lá phổi xanh mới và tươi mát của vùng Bảy Núi. Thoạt nhìn bên ngoài, Trà Sư trông giống nhiều cánh rừng khác, nhưng khi vào sâu bên trong, du khách bị mê hoặc trước lối “kiến trúc” của tạo hóa và sự kỳ công chăm chút của con người để mọi vật trở nên huyền ảo.

Bên cạnh thảm thực vật rừng tràm cổ thụ xanh bạt ngàn, Trà Sư còn có hàng trăm loài động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ Việt Nam cùng hàng trăm loài cá, loài lưỡng cư và côn trùng sinh sống. Xen lẫn giữa rừng tràm là những túp lều (tum) nép mình, tạo nên điểm nhấn cho “khung trời sơn cước” ở miền Tây. Một du khách cùng nhóm bạn từ miền Đông Nam bộ đến Trà Sư hào hứng chia sẻ: “Sau từng cung bậc cảm xúc trong chuyến phượt trên những con đường trải thảm xanh, chúng tôi thấm mệt, nhưng trước cảnh đẹp hữu tình, mọi người cảm thấy thật không uổng công đến đây chút nào”.

Đến Trà Sư, sau khi thỏa thích ghi lại những hình ảnh đẹp cho mình, du khách hãy bước vào khu ẩm thực để thưởng thức các món ăn, thức uống đặc sản như: cá đồng nấu canh chua, cá lóc nướng cuốn lá sen, bông điên điển xào tép lung đìa, lẩu mắm, bánh xèo rau rừng, gà vườn, vịt chạy đồng, nước thốt nốt, bánh bò thốt nốt... Trước khi rời Trà Sư, du khách đừng quên ghé vào dãy quầy hàng mua sắm đặc sản vùng Bảy Núi chọn những món quà cho người thân như: trái thốt nốt tươi, mứt thốt nốt, đồ thủ công mỹ nghệ từ thân và lá cây thốt nốt, mật ong rừng tràm nguyên chất.

Thiên đường nghỉ dưỡng


 

 Chim cò ốc được bảo vệ đặc biệt ở Trà Sư
Chim cò ốc được bảo vệ đặc biệt ở Trà Sư



Khi hoàng hôn buông xuống, biển mây từ từ ôm trọn bầu trời Trà Sư, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh huyền ảo hơn bao giờ hết. Bức tranh thiên nhiên với ánh đèn đom đóm lấp lánh, ẩn hiện trong màn sương khiến ai cũng ngơ ngẩn, ngỡ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian.

Sự độc đáo đó của Trà Sư đã khơi nguồn cho Tập đoàn Sao Mai ý tưởng sáng tạo thiết kế “Khu resort 5 sao vô đối” là tổ hợp các hòn đảo nhân tạo liền kề nhau. Mỗi hòn đảo là một công viên giải trí, vườn bách thảo, vườn bách thú thu nhỏ, khu nghỉ dưỡng mini kèm các loại hình dịch vụ spa, khu hồ bơi hòa điệu với thiên nhiên. Đặc biệt, nơi đây có khu đồi tĩnh tâm phiên bản cách điệu của mô hình thiền viện nhằm phục vụ nhu cầu chiêm bái của du khách. Quần thể đảo được xây dựng ở những khu rừng thưa, hoang hoải bởi tác động môi trường với mục tiêu tái tạo cảnh quan và nuôi dưỡng rừng tràm Trà Sư phát triển đồng đều, bao phủ sự tươi mới.

Tập đoàn Sao Mai là đơn vị tiên phong “mở mũi” xúc tiến du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư. Nhận thức rõ về hiệu quả kinh tế đầy triển vọng mang lại cho cộng đồng từ mảng này, Sao Mai đang rất quyết tâm thực hiện ý tưởng sáng tạo “Trà Sư - thực tế ảo giữa đời thực lên ngôi du lịch thời 4.0”.

Đại ngàn Trà Sư với những trải nghiệm lý thú xứng đáng để du khách lên lịch cho một chuyến đi chào hè, tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần, đón mừng năm mới ấn tượng. Vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư đang hấp dẫn đến độ khách về miền Tây là phải đến Trà Sư, mà đã một lần đến thì hẳn sẽ muốn quay trở lại thiên đường du lịch rừng. Đó cũng là thông điệp mà Tập đoàn Sao Mai trao gửi đến mọi người.

Nguồn: KDL Trà Sư/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.