Giấc mộng Nam Kar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cái tựa đề trên sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến giấc mộng Nam Kha mà hiểu lầm là bài viết sai lỗi chính tả. Bởi giấc mộng Nam Kha vốn là một điển tích được nhiều người biết đến, nói về mộng công danh dưới bóng hòe của Thuần Vu Phần. Từ đó, mộng Nam Kha hay còn gọi là giấc hòe thường được dùng với ý nghĩa cuộc đời chỉ là phù du mộng ảo, công danh phú quý như giấc chiêm bao.
Còn Nam Kar mà chúng tôi muốn nhắc đến là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 6 xã thuộc 2 huyện Lak và Krông Ana (tỉnh Đak Lak), được thành lập năm 1986, trong đó hồ thủy điện Nam Kar là một điểm nhấn mà nhiều du khách yêu thích khám phá thiên nhiên hoang dã đang nhắm tới. Khu bảo tồn nằm cách TP. Buôn Ma Thuột 85 km, chếch về hướng Tây Nam. Đặt chân đến nơi này, du khách sẽ không khỏi mê đắm không khí trong sạch, thoáng đãng kỳ lạ. Vào một sớm sương giăng, cảnh quan mờ ảo nơi đây sẽ khiến du khách ngỡ như lạc vào một giấc mộng đích thực, giữa cảnh bồng lai khoáng đạt đến không ngờ. Trên mặt hồ mênh mông sương phủ, những thân cây khô như đang vươn mình, đâm toạc màn sương bạc lạnh giá. Chúng là một phần của khu rừng đã bị ngập do quá trình tích nước vào hồ thủy điện. Những cành khô trơ trọi khiến mặt hồ thêm phần hiu quạnh, nhưng lại là nét chấm phá mạnh mẽ trong không gian tĩnh mịch. Và rồi, mặt hồ lăn tăn gợn sóng, thấp thoáng bóng thuyền chài lẻ loi xuất hiện, ngư phủ khua nhẹ mái chèo quẫy sóng để đi thu lưới hoặc buông chài.
  Hồ Nam Kar.   Ảnh: NGÔ TRUNG DŨNG
Hồ Nam Kar. Ảnh: Ngô Trung Dũng
Khi màn sương mỏng dần tan, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Kar dần hiện ra với khung cảnh nên thơ. Còn gì tuyệt hơn lúc này khi được ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ để bồng bềnh trôi ra giữa hồ mà ngắm cảnh, để thả hồn theo từng con sóng. Những làn gió mát rượi của khu bảo tồn phả lại mùi hương của rừng cây xào xạc, đem đến cảm giác vừa cô liêu, vừa u tịch, dường như mọi buồn phiền bận rộn đã trôi theo mái chèo đang xuôi theo dòng nước kia rồi.
Thấp thoáng trong sương, một làng chài nho nhỏ dần hiện ra. Người dân nơi đây sinh sống ngay trên những chiếc bè cá; việc đi lại, trao đổi, di chuyển trên hồ đều bằng những chiếc thuyền cá hoặc xuồng gắn máy nhỏ. Khí hậu mát mẻ, nước trong lòng hồ rất sạch nên các loại cá được nuôi chủ yếu là cá lăng và cá tầm. Ghé thăm những ngôi nhà nổi này, bạn sẽ ấn tượng về sự gọn gàng, tinh giản của chủ nhà. Càng thú vị khi được ngồi trên nhà bè và cùng gia chủ thưởng trà ngắm cảnh. Hầu như ngôi nhà bè nào cũng được chủ nhân chú trọng đặt một bộ bàn ghế uống trà ở phần hiên nhỏ, để trời nước bao la có thể hòa quyện vào câu chuyện với khách. Mọi sinh hoạt ở đây dường như chậm lại một vài nhịp cho phù hợp với khung cảnh. Đã vậy, những đám cỏ còn tự kết bè lại theo các cành cây trôi nổi xung quanh nhà bè, như một mảnh sân xanh mướt khiến cảnh quan trở nên trữ tình như một bức họa. Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên nên cảnh sắc của hồ khá nguyên sơ và hoang dại, xung quanh hồ lại được bao bọc bởi các đồi núi thấp và rừng cây xanh mát, phù hợp với những du khách yêu thích thiên nhiên, thích hòa mình vào nguyên sơ thay vì những khu du lịch đông đúc, ồn ào.
Để rồi khi chiều buông, trong lòng một con thuyền nhỏ, ta lại được ngắm hoàng hôn loang sóng trên hồ. Cứ để mặc sóng đẩy thuyền trôi đi chầm chậm trên mặt nước đang dần chuyển màu đỏ ối. Nếu có thể ở lại qua đêm trên nhà bè, thưởng thức các món ăn dân dã từ lòng hồ mang lại thì mới hiểu được hết sức sống Nam Kar. Đêm xuống, chỉ cần chắp tay gối sau đầu, nhắm mắt tĩnh tại, ta sẽ cảm nhận được rằng giấc mộng Nam Kar là có thật. Mọi ham muốn công danh phú quý, mọi ồn ào chen lấn của phố xá đông đúc dường như đã lùi về xa, rất xa…
KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.