Về Quảng Ngãi ăn don

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần đầu tiên nghe nói về món don ở Quảng Ngãi, tôi thấy rất lạ. Tôi suy luận theo cách gọi chệch âm của người Quảng Ngãi, ví dụ một người tên Giang sẽ bị gọi chệch đi thành Gion (âm ang thành âm on) nên món don được tôi suy đổi thành món dang. Cũng từ lúc đó tôi gọi là dang theo cách của tôi cho đến khi đặt chân đến Quảng Ngãi...
Ấn tượng đầu tiên về TP. Quảng Ngãi là những làng cà phê mênh mông, những đường karaoke hun hút và dày đặc những quán don. Nhìn tận mặt dòng chữ ghi tạm bợ trên những tấm bìa hoặc ghi trên tường nhà làm bảng hiệu của những quán don tôi mới nhận ra mình đã suy đổi sai. Chính xác là don chứ không phải dang.
Tìm hiểu thì được biết, don là loại hải sản dòng hến, nhuyễn thể sống ở vùng nước lợ, thường xuất hiện nhiều ở sông Trà Khúc và sông Vệ (2 dòng sông chảy ngang qua tỉnh Quảng Ngãi). Đây là đặc sản thiên nhiên ưu đãi, để cho mỗi lần qua đây, món don cứ níu chân du khách.
  Cào don trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Ảnh: MINH THU
Cào don trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Thu
Anh bạn tôi rất háo hức khi lần đầu tiên được bước vào quán don nên liền gọi 2 suất. Chị chủ quán vui vẻ đem ra 2 cái bánh tráng nướng còn nóng, dày và thơm phức. Quán đông khách nên trong khi chờ chị chủ quán bưng 2 tô don đến thì 2 cái bánh tráng đã được chúng tôi sử dụng như một món khai vị. Nhìn trên bàn thấy không còn bánh tráng, chị chủ quán hơi ngơ ngác; nhìn 2 tô don chỉ là 2 tô nước nóng hổi, chúng tôi cũng ngơ ngác. Món này là don ư? Ăn như thế nào? Chẳng lẽ bưng lên húp như húp canh? Ngay lúc ấy mới hối hận về sự háo hức khám phá. Nếu nhờ người bạn tốt bụng dân chính gốc đưa đi ăn thì đâu “Hai Lúa” như thế này.
“Hai chú em ăn món này lần đầu phải không?”-chị chủ quán hỏi. Tôi lúng túng gật đầu. Nhận ra sự lúng túng ấy, chị chủ lấy cho chúng tôi thêm 2 cái bánh tráng nướng khác rồi nhiệt tình hướng dẫn. Bánh tráng nướng là để người ăn tự bẻ nhỏ rồi cho vào tô ăn với nước don, làm cho tô nước đặc lại, mùi bánh tráng dậy lên cùng với mùi của nước don làm hương vị thơm ngon hơn. Còn một món nữa có thể ăn chung với don là trứng vịt lộn. Trứng luộc chín, chỉ cần lột vỏ bỏ vào tô ăn chung với don thì rất mát... “Thế còn chè?”. Chị cười rất tươi: “Chè là để ăn don xong mới ăn chè, giống như món tráng miệng vậy”.
Lúc chưa đến Quảng Ngãi, tôi hình dung don là một món đặc sản gì đó cầu kỳ và độc đáo. Bây giờ, trước mắt là một tô chỉ thấy nước, dưới đáy tô có một lớp don nhỏ và mỏng. Mới nhìn thấy hụt hẫng vì sự đơn giản ấy, chẳng lẽ một món đặc sản nổi tiếng mà chỉ như thế này sao? Theo lời chị, chúng tôi bẻ bánh tráng cho vào tô. Chỉ có nước và một ít don, chủ yếu là bánh tráng nướng nở ra làm cho tô don đầy hơn. Hơi nóng cùng mùi thơm của bánh nồng nàn xông lên mũi kích thích chúng tôi múc một muỗng. Kỳ lạ, nước don ngọt lạ lùng, cảm nhận như vị ngọt thấm vào tận ruột. Một tô hết trong tích tắc mà vẫn còn thèm. Gọi thêm 2 tô nữa, chị chủ quán lại cười: “Lần này bỏ thêm trứng vịt lộn nghen”. Hai tô có thêm trứng vịt lộn nên đậm vị hơn. Và, giọng Quảng ngọt ngào của chị chủ quán như càng làm cho tô don thêm hấp dẫn.
Cái độc đáo của don là dư vị của nó. Nhẹ nhàng, ngọt và mát. Don phù hợp với các bữa ăn tối và ăn khuya. Ban đêm húp một tô don với quả trứng vịt lộn thì giấc ngủ sẽ ngon hơn nhờ tính hàn của nó. Bạn bè gặp nhau lâu ngày chén chị chén anh say túy lúy, chỉ cần ghé ăn nhẹ một tô don với trứng vịt lộn là tỉnh táo lại ngay. Sau này, mỗi lần đi làm về mệt hay lỡ uống rượu say, tôi lại thèm một tô don. Rồi lại ước, nếu mình ở Quảng Ngãi bây giờ, thế nào cũng tìm đến quán don thưởng thức, để cái dư vị của don thanh lọc những nhọc nhằn...
 TRƯỜNG ĐĂNG

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.