Một ngày trên phá Tam Giang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến với phá Tam Giang vào bình minh, khi nắng vừa lên hay lúc chiều tà, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng kỳ ảo được tạo nên giữa trời, nước và ánh sáng.
Chúng tôi đến với Huế vào một chiều thu tháng 10. Nhớ câu hò cổ rằng "Thương em, anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang" nên muốn tham quan vùng đầm phá này một lần cho biết.
 Bình minh đỏ rực trên phá Tam Giang
Bình minh đỏ rực trên phá Tam Giang
 Bình minh đỏ rực trên phá Tam Giang
Bình minh đỏ rực trên phá Tam Giang
Thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên - Huế, phá Tam Giang cách TP Huế 12 km nên rất thuận lợi để khám phá trong ngày. Có thể đến đây bằng nhiều cách nhưng đi xe máy là lựa chọn tốt nhất vì vừa tiện lợi, rẻ tiền (giá thuê 100.000 - 120.000 đồng/ngày) vừa có thể ngắm nghía cảnh đẹp ven đường.
Nghe nói phá Tam Giang đẹp nhất vào lúc bình minh và hoàng hôn nên chúng tôi thức dậy từ rất sớm và lên đường lúc 4 giờ. Trong cái se lạnh của những ngày thu, dưới ánh đèn cao áp lờ mờ, chúng tôi lao xe vun vút trên con đường vắng tanh. Trong cơn ngái ngủ, tôi tự hỏi không biết phá Tam Giang đẹp đến mức nào, có đáng để mình thức dậy sớm đến vậy không.
 
Sau khoảng nửa giờ chạy xe, chúng tôi đến đầm Chuồn cũng là lúc trời hửng sáng. Khi những tia nắng đầu tiên trong ngày lóa lên hồng rực ở phương Đông cũng là lúc tôi bừng tỉnh khỏi cơn ngái ngủ và choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên.
Mây khi nãy còn đè nặng chân trời giờ bị mặt trời đẩy dần lên cao làm nền cho một bức tranh sống động. Ở đó màu đỏ cam là chủ đạo, nhộm đỏ cả phương Đông, nhuộm luôn mặt nước phẳng lì như gương. Xa xa trên tấm gương khổng lồ là những chiếc thuyền đánh cá mỏng manh soi bóng. Gần hơn nữa là những chiếc thuyền khác đã đầy ắp cá tôm đang nhanh nhanh vào bờ. Bên trên, nhiều người đợi sẵn, cá lên là chia nhau mua bán tấp nập. Và ở đó có cả chúng tôi, với chiếc máy ảnh trên tay say sưa tác nghiệp mà nghe lòng vui lây.
Ở đây người ta bắt đầu làm việc từ đêm hôm trước và đến 5 giờ hôm sau thì đưa thuyền về bến, vì vậy tôm cá lúc nào cũng tươi rói, nhảy tanh tách. Sau khi phân loại, sản vật của phá Tam Giang được bán cho các cô, các chị và từ đó tỏa đi khắp nơi.
 
 
Rời đầm Chuồn, chúng tôi tiếp tục lên đường đến xã Điền Hải của huyện Phong Điền, nơi tồn tại làng chài cuối cùng trên phá Tam Giang. Không nhộn nhịp như ở đầm Chuồn, cuộc sống, sinh hoạt ở đây thật bình yên với những ngôi nhà đơn sơ, những ghe thuyền lặng lẽ và người dân lam lũ mưu sinh. Càng về trưa trời càng nắng to nhưng gió từ đầm thổi lên mát rượi nên không khí khá dễ chịu, chúng tôi tìm nơi núp nắng đợi hoàng hôn.
16 giờ, chúng tôi lại dong xe lên cầu Tam Giang. Nắng còn gắt, chói lòa trên con đường nhựa. Bầu trời xanh ngắt không một gợn mây in bóng trên sóng nước chơi vơi. Hai bên đường có rất nhiều nghĩa trang với những ngôi mộ được xây dựng công phu, quần tụ với nhau trông như một đô thị giàu có nhưng không bóng người khiến cảnh trí vừa bình yên vừa cô quạnh.
 
Từ trên cầu nhìn toàn cảnh phá Tam Giang, tôi thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Trong khung cảnh trời nước giao hòa, gió bắt đầu nổi lên ngày một mạnh kéo theo mây đen từ khắp nơi che kín bầu trời. Hy vọng chứng kiến một buổi hoàng hôn đỏ rực của chúng tôi được thay bằng một trận chuyển mưa vần vũ. Nắng tắt, gió mạnh và mây đen khiến cảnh vật tối dần lại, mặt nước sẫm màu như giận dữ. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành chia tay với phá Tam Giang mà trong lòng đầy nuối tiếc, đành hẹn vùng đất này một lời hứa lần sau.
Ngô Nhung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.