Bắc Sơn: Sắc chàm pha màu gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên đường về lại Bắc Sơn qua ngả Thái Nguyên - Đình Cả, nghe âm vang đâu đây giai điệu trầm hùng, tha thiết: "Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió ..." trong bài hát đã đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Văn Cao. Phong cảnh thật đẹp.
 

Toàn cảnh Bắc Sơn với thị trấn, làng bản, đồng ruộng như một bức tranh thổ cẩm nhiều màu sắc.
Toàn cảnh Bắc Sơn với thị trấn, làng bản, đồng ruộng như một bức tranh thổ cẩm nhiều màu sắc.

Nắng sớm. Mây giăng mắc lưng chừng các rặng núi gần xa. Làng bản xen giữa đồng xanh bát ngát trên một vùng đất mà mỗi địa danh đều mang thông điệp và bản sắc riêng.
 

Từ lâu, Bắc Sơn đã là tên gọi cho cả một nền văn hoá. Những đấu tích tìm thấy tại nơi đây và nhiều vùng lân cận khác cho thấy sự xuất hiện cách đây cả vạn năm của con người ở thời đồ đá mới. Trong những hang động ở đây còn dấu tích cuộc sống của người nguyên thủy của thời kỳ ấy. Bắc Sơn cũng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với cuộc khởi nghĩa đã đi vào sử sách, nơi ra đời của Cứu quốc quân với những trận đánh đầu tiên. Các địa chỉ như rừng Khuổi Nọi, đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài... đều in đậm dấu ấn của những năm tháng hào hùng xưa.
 

Tôi đã đến Bắc Sơn cùng nhà nhiếp ảnh Văn Chức gần 30 năm trước. Vào thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới ấy, như nhiều nơi khác, Bắc Sơn khó khăn lắm. Những làng bản nghèo. Đời sống người dân thiếu thốn. Hạ tầng đường sá chậm phát triển. Tôi nhớ mãi cảnh thị trấn Bắc Sơn năm ấy. Phố huyện lèo tèo. Đêm xuống phố xá tối om, đi ra đường chẳng có mấy ánh đèn, chỉ có tiếng loa truyền thanh làm cho thị trấn đỡ buồn tẻ. Mùa quýt năm ấy, Bắc Sơn được mùa, giá rẻ gần như cho vì đường quá xấu, không có phương tiện chuyên chở và thị trường chia cắt. Người Bắc Sơn khi ấy chỉ mong có đường để chở quýt đi bán cho các vùng khác.
 

Năm ấy, sau chuyến đi Bắc Sơn, kết hợp với ấn tượng sau những chuyến đi lên Tân Trào, U Minh, Tây Nguyên..., tôi đã viết bài: "Xin đừng quên những chiến khu xưa!" với mong mỏi rằng trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước, những vùng đất từng là những cái nôi cho cách mạng cần nhận được sự quan tâm xứng đáng.

Bắc Sơn nay khác rồi.

 

Tôi ngỡ ngàng trước thị trấn với nhiều nhà cao tầng chen nhau trên trục phố chính, nhiều nhà vườn, khách sạn trên những con đường xung quanh. Các cửa hiệu đông khách. Chợ chính đông người. Nhiều đoàn khách du lịch qua lại trên đường lớn chạy ngang thị trấn. Trong trí nhớ của tôi, có lẽ chỉ còn nhà bảo tàng Bắc Sơn và cột viba trên đỉnh núi Nà Lay là còn dấu tích của Bắc Sơn ngày trước.
 

Những ngày ở Bắc Sơn, chúng tôi có dịp đến nhiều nơi trong huyện, cảm nhận rõ nét những đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây. Hệ thống đường bộ được đầu tư khá tốt. Xe ô tô đến các bản dễ dàng. Hệ thống điện cũng vậy. Đây là những yếu tố góp phần rất quyết định cho Bắc Sơn phát triển cả về kinh tế, văn hoá, xã hội. Nông nghiệp của huyện đồng đều cả trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng. Du lịch, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có nhiều chuyển biến. Văn hoá, giáo dục, y tế cũng có những thành tựu mới. Mấy năm gần đây, Bắc Sơn có tốc độ tăng trưởng khoảng 9-9,5%. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đã ở mức 23 triệu đồng.
 

Chúng tôi đã đến thăm làng văn hoá Quỳnh Sơn, một điểm du lịch văn hoá của Bắc Sơn những ngày này. Hàng trăm ngôi nhà của đồng bào Tày ở đây cùng theo một lối kiến trúc cổ, nhà sàn, mái ngói âm dương, cùng quay về một hướng tạo nên không gian văn hoá thuần nhất, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tiếng đàn tính rộn ràng, những làn điệu dân ca mềm mại, tục mời rượu theo lối cổ trong những gian nhà đặc trưng của người Tày rất có sức cuốn hút. Cũng ở Quỳnh Sơn, chúng tôi còn có điều kiện thăm cơ sở làm ngói âm dương duy nhất còn lại trong cả vùng, chứng kiến bàn tay lao động cần cù, tài hoa của người thợ ngói Quỳnh Sơn cho ra đời những sản phẩm truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá cho các công trình kiến trúc và nhà ở cho các làng bản gần xa.
 

Chúng tôi cũng đã đến thăm hang Thẩm Khuyên, nơi lưu lại dấu tích người nguyên thuỷ thời đồ đá; thăm khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn; thăm đình Nông Lục, nơi diễn ra cuộc họp quyết định khởi nghĩa 77 năm trước; ngắm cảnh đẹp trên đèo Tam Quan, nơi bóng núi hoà trong bóng nước sắc chàm xanh thân thuộc. Lên núi Nà Lay, anh em trong đoàn có dịp thu vào ống kính toàn cảnh Bắc Sơn với thị trấn, làng bản, đồng ruộng như một bức tranh thổ cẩm nhiều màu sắc.
 

Bảo tàng Bắc Sơn có số hiện vật phong phú hơn, không gian trưng bày cũng rộng hơn trước. Thăm lại đây, thêm một lần hình dung lại lịch sử phát triển dài lâu, truyền thống và những đặc trưng văn hoá của cuộc sống con người Bắc Sơn trong tiến trình lịch sử. Ngoài khu nhà chính, một nhà sàn mới với đầy đủ dụng cụ sản xuất, đồ dùng gia đình được xây dựng, cho người xem một hình dung cụ thể về không gian sống của người dân ở đây.
 

Trong số các hiện vật, chúng tôi chú ý đến bức ảnh chân dung quen thuộc của nhạc sĩ Văn Cao và bản nhạc Bắc Sơn có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhạc sĩ Văn Cao viết nhạc phẩm Bắc Sơn cho vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ năm 1945, khi ông còn chưa đặt chân lên Bắc Sơn. Mặc dù vậy, tình yêu mến mảnh đất và con người Bắc Sơn và tài năng tuyệt vời của ông đã để lại cho vùng đất này và nền âm nhạc cách mạng một bài hát mãi đi cùng năm tháng. Bắc Sơn, sắc chàm thân thiết của một vùng chiến khu xưa thắm mãi với thời gian. Và "máu thắm cây rừng" trên "châu xưa" ngày một nở hoa kết trái trong cuộc sống đổi thay trên đất Bắc Sơn hôm nay.

Trần Mai Hưởng - Phạm Lộc/baotintuc

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.