Nơi bạn tôi nằm...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cái nóng hầm hập của vùng biên đột nhiên như loãng ra khi chúng tôi bước vào khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Cây nối cây tạo nên một thảm xanh dịu mát. Sắc hoa ngập tràn mọi lối đi, nhưng trên hết là những gốc sứ trổ hoa trắng muốt, thơm ngát cả một vùng.

Vài em nhỏ tung tăng dạo chơi, đuổi hoa bắt bướm giữa những luống hoa bên các phần mộ liệt sĩ. Các em đều là học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng gần đó. “Chúng em thường rủ nhau vào đây chơi vì trong này rất mát mẻ”-em Võ Thị Yến Nhi, học sinh lớp 4 cho biết. Ông Nguyễn Văn Muộn-người quản trang cho biết, để chăm sóc tốt hàng ngàn cây xanh và các loại hoa để chúng khoe sắc quanh năm, ông và một người quản trang nữa là ông Lương Tấn Tài làm việc không có ngày nghỉ. Sự chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận của những người quản trang đã tạo nên tổng thể xanh tươi cho toàn bộ khuôn viên, từ 2 hàng cau vua thẳng tắp ngay lối vào nghĩa trang, đến các lớp cây nối cây vào sâu bên trong như tre ngà, bồ đề, sứ trắng, tùng, bách cho đến những gốc si già.

 

Khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ tràn ngập cây xanh.   Ảnh: N.B
Khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ tràn ngập cây xanh. Ảnh: N.B

Nằm ở khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, đây là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến và Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp quân và dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Theo ông Nguyễn Văn Muộn, tính đến hết tháng 5-2017, Nghĩa trang có gần 1.600 phần mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, mới chỉ có trên dưới 100 mộ xác định được tên tuổi, địa chỉ. Sau khi được mở rộng, đầu tư tôn tạo, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ hiện có tổng diện tích 4,4 ha, trở thành công trình kiến trúc văn hóa mang tầm quốc gia, là điểm dừng chân cho hàng ngàn lượt du khách hàng năm. “Không chỉ có các cựu binh, thế hệ con cháu của họ, mà khách du lịch cũng thường xuyên ghé thăm”-ông Muộn cho biết. Trong cuốn sổ lưu niệm, nhiều người bày tỏ niềm xúc động khi chứng kiến nơi các anh linh nằm lại được chăm sóc cẩn thận, tràn ngập màu xanh.

Những người quản trang ở đây hàng ngày chứng kiến những câu chuyện thấm đẫm nước mắt về tình đồng đội, về sự tri ân của các thế hệ dành cho những người nằm xuống. Ông Lương Tấn Tài gắn bó với công việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại đây đã 15 năm, xúc động kể: “Năm ngoái, có một cựu binh ở Hà Nội vào đây tìm đồng đội. Ông là Đại tá về hưu. Thoạt nhìn, tôi không thể tưởng tượng ông có thể vào tận biên giới xa xôi này, chưa nói còn qua tới Campuchia để đi tìm cho được hài cốt người đồng đội chính tay ông chôn cất năm xưa. Ông mất hai chân và một bên tai, gương mặt cũng bị vạt mất 1/3, tất cả là những thương tích chí tử trong khi làm nhiệm vụ cao cả ở nước bạn Campuchia. Sức lực tuy không còn, nhưng có lẽ sức mạnh của tình đồng đội đã cho ông khả năng phi thường ở tuổi gần đất xa trời. Tiếc là, trong chuyến đi đó, ông không tìm được hài cốt đồng đội của mình dù tìm đến tận địa điểm đã từng chiến đấu. Ông về lại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, ngồi lại rất lâu trước những mộ phần chưa tìm được tên tuổi, địa chỉ. Ông kể cho đồng đội đang nằm lại ở đây nghe rất nhiều câu chuyện. Bản thân chúng tôi khi nghe những chuyện như vậy thì xúc động vô cùng”.

Những bụi quỳnh anh nở hoa vàng rực như thắp sáng 4 góc nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bất giác gợi lên những cảm xúc về nơi các anh linh nằm lại để cả dân tộc được đứng lên. Nghĩa trang Liệt sĩ nơi biên giới này sẽ là điểm dừng chân bạn không nên bỏ lỡ nếu ghé thăm vùng đất phía Tây Nam này, để rồi tiếp tục hành trình về phía Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cách đó không xa.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.