Khởi nghiệp không bao giờ là quá sớm hay quá muộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Ai trong số chúng ta, ở mọi lứa tuổi đều có thể bắt đầu khởi nghiệp và đương nhiên cơ hội thành công chia đều cho tất cả. Không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để bắt đầu một công việc mà mình tâm huyết”-một doanh nhân thành đạt đã từng khẳng định với tôi như thế khi trả lời phỏng vấn. Quả thật, những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp ở nước ta phát triển khá mạnh mẽ, trở thành làn sóng lan tỏa sâu rộng. Không chỉ riêng giới trẻ, nhiều người bắt đầu start-up khi đã bước vào tuổi trung niên hay chỉ mới ở độ tuổi nhi đồng. 
Nếu theo dõi chương trình “Shark Tank Việt Nam-Thương vụ bạc tỷ” (chương trình truyền hình dành riêng cho các start-up Việt Nam) xuyên suốt các mùa, nhiều người sẽ không quá xa lạ với bé Bống (Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc) ở Tuyên Quang. Năm 2018, cô bé đã gọi vốn thành công cho món chè bưởi của mình với số tiền lên đến 800 triệu đồng (mục tiêu ban đầu chỉ là 200 triệu đồng) khi mới tròn 10 tuổi. Với số tiền khởi nghiệp này, Bống ngày càng mở rộng mô hình kinh doanh, hoàn thiện hơn về công thức và hình thức sản phẩm. Món chè bưởi của em cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận là thương hiệu độc quyền.
Một tấm gương khởi nghiệp điển hình khác đã chứng minh được rằng khởi nghiệp không bao giờ là quá muộn chính là doanh nhân Võ Thị Lấn-Giám đốc Công ty Trà Tâm Lan (tỉnh Tây Ninh). Sau khi tảo tần chăm sóc, nuôi nấng 10 người con khôn lớn, thành đạt cũng là lúc bà ốm yếu, bệnh tật triền miên. Nhớ đến nghề thuốc Nam của cha, bà tự tìm các loại thảo dược rồi điều chế thành thuốc để uống. Sức khỏe dần cải thiện, bà bắt đầu nảy ra ý tưởng thương mại hóa sản phẩm. Năm 2008, bà chính thức khởi nghiệp ở tuổi 60-độ tuổi với nhiều người là thời điểm để nghỉ ngơi. Ngoài công việc kinh doanh, bà Lấn còn dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội, từ thiện, như ủng hộ quỹ khuyến học vùng sâu, vùng xa, đồng bào bị thiên tai. Mới đây, bà cũng là một trong những nhà tài trợ đồng hành cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính đến Gia Lai trao tặng nhiều suất quà, học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số nghèo của huyện Chư Păh, giúp các em thêm vững bước đến trường.
Ảnh minh họa (nguồn internet).
Ảnh minh họa (nguồn internet).
Vài năm trở lại đây, Gia Lai cũng xuất hiện không ít tấm gương khởi nghiệp ở đủ các độ tuổi, thành phần. Họ đều là những con người dám nghĩ, dám làm, dám vượt khó để vươn tới ước mơ. Một trong số đó là anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1990, xã Đak Hlơ, huyện Kbang). Cũng từng có công việc ổn định tại một ngân hàng ở tỉnh Đồng Nai, song anh Hòa lại quyết tâm về quê để khởi nghiệp. Trong 2 năm 2015-2016, anh liên tục thất bại từ trồng dưa hấu, nuôi chim bồ câu Pháp đến nuôi rắn mối. Số tiền tích lũy hơn 200 triệu đồng “đội nón ra đi”. Sau đó, tình cờ tìm hiểu mô hình khép kín V.A.C, trong đó sử dụng nuôi trùn quế và sâu canxi làm chủ lực, anh đã mạnh dạn vay vốn để khởi nghiệp lại từ đầu. Sau nhiều nỗ lực, anh Hòa đã thành công với trang trại trùn quế rộng hơn 15.000 m2 và tạo nên một “mạng lưới khách hàng” khá bền vững ở khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, anh còn đầu tư mở rộng hợp tác nuôi heo sạch, nuôi cá chình, trồng cây ăn quả. Hàng năm, doanh thu từ chuỗi cụm trại liên kết và các nông sản hữu cơ trên 3 tỷ đồng.
Khởi nghiệp vẫn đang là chủ đề “hot” hiện nay. Tôi cho rằng, dù đang ở độ tuổi 10, 20, 40 hay lớn hơn nữa thì cũng không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để chúng ta bắt đầu một hành trình mới cho cuộc đời mình. Bởi lẽ, thử thách bản thân cũng là cách để sống trọn vẹn một cuộc đời ý nghĩa, có ích. Bản thân chúng ta chỉ thất bại và tụt hậu khi chấp nhận giậm chân tại chỗ trong một xã hội ngày càng phát triển và chắc chắn, cơ hội sẽ không dành cho những người chọn cách quá an toàn và thiếu bản lĩnh. 
MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.