Nam sinh ở trọ chăm em trai đi học, 10 năm sau trở thành "hiện tượng" ở Đại học Dược Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bất kể khi nào có hoạt động hay kỳ thi gì, Dương Tiến Anh cũng đều tham gia để kiếm tiền. Không những thế, cậu còn thay bố mẹ chăm cậu em khi cả 2 cùng quyết định xa nhà để theo học trường đỉnh nhất tỉnh.

Ngày 3/11 vừa qua, chàng trai xứ Thanh Dương Tiến Anh đã ghi thêm dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mình khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Dược học tại Trường Đại học Dược Hà Nội. Với các nghiên cứu sinh khác trung bình mất 4 năm, thậm chí 6, 7 năm mới hoàn thành chương trình, nhưng với Tiến Anh, anh chỉ mất đúng 3 năm và trở thành "hiện tượng" hiếm có của Trường Đại học Dược Hà Nội.

PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Tiến Anh sau khi anh đón nhận niềm vui này. Cao gần 1m80, thư sinh và giỏi giang, Dương Tiến Anh lại cuốn hút mọi người bằng nụ cười thân thiện, gần gũi. Và đặc biệt tiềm ẩn phía sau đó là một chàng trai 9x giàu ý chí mà nghe xong câu chuyện ai cũng nể phục.

 

 Tiến sĩ 9x Dương Tiến Anh. Ảnh: Tào Nga
Tiến sĩ 9x Dương Tiến Anh. Ảnh: Tào Nga


15 tuổi học trọ xa nhà, chăm em lớp 6

Dương Tiến Anh, sinh năm 1994, ở Thiệu Dương, TP Thanh Hóa. Do nhà cách trường 10km nên để thuận lợi cho việc học, ngay từ khi bước chân vào lớp 10 Trường THPT Hàm Rồng, Tiến Anh đã được bố mẹ đồng ý cho học trọ xa nhà. Tiếp tục khi lên lớp 11, Tiến Anh lại chăm thêm em trai là Dương Tiến Quang Huy, học lớp 6, cũng theo chân anh xa nhà học trường  chuyên.

Vậy là 2 anh em 16 và 12 tuổi bé nhất xóm trọ khi đó cứ thế đùm bọc, bảo ban nhau học hành. Mỗi ngày 2 anh em gọi nhau dậy lúc 5h để ôn bài, 6h30 đạp xe đi học. Hơn 11h tan học, Tiến Anh ghé qua chợ mua thức ăn rồi về nấu cơm chuẩn bị cho buổi học chiều. Tối đến hơn 7h, Tiến Anh lại cùng em ngồi vào bàn học đến 11h đêm. Gia tài trong phòng trọ của Tiến Anh chỉ là 1 chiếc giường, 2 chiếc bàn học, 2 chiếc xe đạp mà mỗi lần đi đâu phải khóa cửa cẩn thận vì sợ mất xe.

Xa bố mẹ, Tiến Anh không chỉ học cho bản thân mà còn làm gương, định hướng cho em và chăm sóc em. Do không có điện thoại đi động nên thỉnh thoảng Tiến Anh có phen... hết hồn vì tan trường lâu rồi mà không thấy em về, không biết đang ở đâu. Tiến Anh lại phải đạp xe lên trường đi tìm và rất may cậu em Quang Huy chỉ chậm trễ do bận việc gì đó ở lớp.

 

 Khó khăn chính là động lực để Tiến Anh có được kết quả thành công như ngày hôm nay. Ảnh: Tào Nga
Khó khăn chính là động lực để Tiến Anh có được kết quả thành công như ngày hôm nay. Ảnh: Tào Nga


Bố mẹ Tiến Anh làm nông, dù gia đình không khá giả nhưng nhớ lại thời gian đó Tiến Anh luôn cảm ơn bố mẹ vì nhà có bao nhiêu tiền là dồn cho 2 anh em đi học. Bản thân Tiến Anh luôn nỗ lực mỗi ngày, bất cứ hoạt động hay cuộc thi nào có tiền là đều đăng ký tham gia. Ví dụ như làm báo tường cho lớp được trả công 50.000 đồng, các cuộc thi chọn học sinh giỏi mà mỗi lần đạt điểm cao nhất trường Tiến Anh được thưởng 100.000 đồng... Vậy là trung bình mỗi học kỳ trôi qua, cậu có thêm khoảng 500.000 đồng phụ giúp bố mẹ lo cho cuộc sống.

Và chính những ngày tháng khó khăn ấy lại là nguồn động lực giúp cho 2 anh em Tiến Anh trưởng thành và đạt thành tích cao trong học tập. Năm lớp 12, Tiến Anh đạt giải Nhất tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa. Còn cậu em Quang Huy sau đó cũng giành giải Bạc Olympic Sinh học quốc tế, tuyển thẳng vào Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và hiện đang đi du học tại Singapore.

"Hiện tượng" ở Trường Đại học Dược Hà Nội

Tiến Anh chia sẻ, anh đến với ngành Dược học của Trường ĐH Dược Hà Nội nhờ anh hàng xóm là giảng viên của trường. Mỗi lần sang nhà chơi, nhìn tờ lịch của trường treo trên tường, Tiến Anh đã bị mê hoặc vì kiến trúc trường cổ kiểu Pháp rất đẹp. Bản thân học giỏi Hóa nên ngay từ khi vào học cấp 3, đây là niềm mơ ước và cũng là mục tiêu hướng tới của Tiến Anh. Năm 2012, Tiến Anh đỗ đại học khi đạt 28,2 điểm khối A, nằm trong top 100 thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất cả nước.

Hai năm đầu học đại học, cũng như nhiều sinh viên khác, Tiến Anh xác định ra trường sẽ đầu quân vào 1 công ty nào đó để làm. Tuy nhiên, sang năm thứ 3, Tiến Anh có kết nối với các anh chị khóa trên thử làm nghiên cứu và từ đó thấy mình có niềm đam mê với công việc này.

 

Dương Tiến Anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Dược học ngày 3/11. Ảnh: NVCC
Dương Tiến Anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Dược học ngày 3/11. Ảnh: NVCC


Nhờ kết quả tốt nghiệp loại giỏi cùng những thành tích nghiên cứu khoa học ở bậc đại học, Tiến Anh được trường xét tuyển thẳng làm nghiên cứu sinh mà không cần phải qua bậc cao học. Nếu đúng thời gian, năm 2022 mới hoàn thành xong chương trình nhưng Tiến Anh đã rút ngắn 1 năm. Tiến Anh chia sẻ: "Mình không nghĩ sẽ tốt nghiệp sớm như vậy. Mình cố gắng học thật nhiều, thật tốt vì đơn giản chỉ là không muốn có thời gian trống, hoàn thành chương trình sớm nhất thôi. May mắn mình được nhà trường, thầy cô tạo điều kiện và đặc biệt là có suất học bổng nên mình có điều kiện tập trung vào nghiên cứu hơn".

Trong 3 năm làm nghiên cứu sinh, Tiến Anh đã sở hữu 4 bằng sáng chế. Đề tài nghiên cứu sinh của Tiến Anh cũng chính là con đường mà anh theo đuổi từ bậc đại học là thiết kế, tổng hợp đánh giá hoạt tính kháng ung thư. "Ông bà mình mất do bệnh ung thư nên mình hiểu được nỗi đau và khó khăn của người bệnh khi bị ung thư như thế nào. Mình hi vọng nghiên cứu của mình sẽ tạo nền tảng cho những nghiên cứu sau này và có thể tìm ra thuốc hoặc phương pháp điều trị tốt nhất cho người bị ung thư", Tiến Anh bày tỏ.

 

Tiến Anh cho biết sẽ tiếp tục theo con đường làm nghiên cứu về ung thư. Ảnh: NVCC
Tiến Anh cho biết sẽ tiếp tục theo con đường làm nghiên cứu về ung thư. Ảnh: NVCC


Theo Tiến Anh, khi làm nghiên cứu khoa học, các bạn trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là gánh nặng tài chính nuôi sống bản thân. Tiến Anh đã phải đi làm gia sư, làm thêm online để có tiền nuôi dưỡng đam mê của mình. Ngoài ra chương trình học cũng nặng hơn vì để làm tốt phải có kiến thức nền tảng, Tiến Anh vừa làm nghiên cứu vừa hoàn thành chương trình cao học nên ngày nào cũng 6h sáng ra khỏi nhà đến 9-10h đêm mới về. Tuy nhiên, Tiến sĩ 9x này cũng có điều thuận lợi là người trẻ chưa có gia đình, có nhiều thời gian để dành cho nghiên cứu hơn.

"Việc nghiên cứu cũng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thời gian đầu làm nghiên cứu sinh, mình từng có lúc nghĩ đến bỏ cuộc vì 2 tháng trời không thu được kết quả. Nếu không thành công mình sẽ mất thời gian, mất cả tuổi trẻ. Thậm chí, mình không dám gặp bạn bè vì không biết con đường đi có đúng không trong khi các bạn đi làm kể về công việc rất hấp dẫn. Tuy nhiên, sau đó mình về nhà suy nghĩ về mục tiêu đặt ra từ ban đầu, lại lao vào đọc tài liệu và ngày hôm sau nghĩ ra hướng khác để thực hiện. Rất may mắn công việc nghiên cứu của mình cũng đã có kết quả", Tiến Anh chia sẻ.

Tiết lộ về kế hoạch sắp tới, Tiến sĩ 9x Dương Tiến Anh cho hay: "Mình có dự tính sẽ xin vào cơ sở đào tạo đại học nào đó để vừa được nghiên cứu khoa học vừa giảng dạy cho sinh viên. Mình muốn được truyền đạt kiến thức, niềm đam mê cho các bạn và ngược lại, làm việc với sinh viên cũng giúp mình thêm năng động, trẻ trung và nhiều sáng tạo hơn".



https://danviet.vn/nam-sinh-o-tro-cham-em-trai-di-hoc-10-nam-sau-tro-thanh-hien-tuong-o-dai-hoc-duoc-ha-noi-20211128214925126.htm

Theo Tào Nga (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.
Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Người trẻ trở về

Người trẻ trở về

(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.
Vợ chồng “khoa bảng”

Vợ chồng “khoa bảng”

(GLO)- Là tôi đang nói đến vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Vân và anh Nguyễn Văn Long. Chị là Tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Lâm nghiệp-Phân hiệu tại Gia Lai.
15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard

15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard

Không bằng lòng với những gì đạt được, mỗi bạn trẻ đã thực hiện những ước mơ, khát vọng của mình với những nỗ lực không mệt mỏi ngoài năng lực thiên bẩm để 'bản đồ' thế giới trong từng lĩnh vực đều có tên Việt Nam.