Cán bộ Hội Phụ nữ nhiệt tình, sâu sát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Sự nhiệt tình, sâu sát, tâm huyết của đội ngũ cán bộ cơ sở đã góp phần làm nên thành công của các phong trào, hoạt động. Ở lĩnh vực nào, chị em cũng thể hiện là “pháo đài” vững chắc, đem lại nhiều cảm hứng cho các hoạt động và phong trào của Hội, phát huy mạnh mẽ tinh thần “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam”-bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai khẳng định.
Ngược núi vận động hội viên
Dòng suối Đak Rong (xã Đak Rong) xa dần theo từng bước chân ngược núi của những cán bộ Hội LHPN huyện Kbang. Tiếng bước chân, tiếng thở gấp cùng với tiếng gió núi là thanh âm duy nhất trên cung đường dài. Đường tới được nhà đầm của một hội viên phụ nữ ở làng Hà Đừng 1 tưởng gần mà xa ngái. Nói về hành trình vất vả, chị Phạm Thị Mỹ Nương-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang-cho biết: “Thực hiện chủ trương “4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở chi hội”, chúng tôi xuống xã Đak Rong để cùng với cán bộ cơ sở lên nhà đầm vận động gia đình hội viên phụ nữ về khu tái định cư ổn định đời sống và đưa con em trong độ tuổi đến trường”.
Đây không phải lần đầu chị Nương ngược núi vận động hội viên. Những chuyến đi như vậy giúp chị càng hiểu, đồng cảm, chia sẻ nỗi khó khăn, nhọc nhằn với những nữ cán bộ cơ sở và chị em hội viên. “Là địa bàn đặc thù nên cán bộ Hội Phụ nữ thường xuyên lên nhà đầm để vận động chị em. Không thể để họ sống biệt lập, nghèo nàn lạc hậu, không tiếp cận được các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, nhất là chuyện học hành của con cái. Chúng tôi về cơ sở vừa để hiểu cuộc sống của hội viên, qua đó, có giải pháp để chỉ đạo kịp thời. Nếu không nhờ sự nỗ lực, tâm huyết của chị em, sẽ rất khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền người dân”-chị Nương chia sẻ.
Một buổi sinh hoạt của Hội LHPN thị trấn Kbang (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Hoàng Ngọc
Một buổi sinh hoạt của Hội LHPN thị trấn Kbang (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Hoàng Ngọc
Đối với chị Đinh Thị Thuen-Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Rong, những chuyến lội suối băng rừng tìm hội viên, vận động thường xuyên như cơm bữa. Mặc dù Nhà nước đã xây dựng khu tái định cư, nhà cửa khang trang, nhưng vẫn có trên 50% số hộ ở làng Hà Đừng 1 thường xuyên ở nhà đầm. Chị Thuen cho biết: “Chúng tôi phải vận động để họ đưa con em về cho các cháu đi học. Họ ở rải rác trong các nhà đầm trên núi, không nắm bắt các chủ trương, chính sách của Nhà nước sẽ dẫn đến nhiều thiệt thòi”. Mỗi chuyến đi vận động đều rất gian truân, có nhà đầm ở xa khu tái định cư mấy tiếng đi bộ. “Không dễ thay đổi thói quen ở nhà đầm của người Bahnar trong một sớm một chiều. Nhiều lần chúng tôi đi bộ 2 tiếng đồng hồ đường rừng nhưng tới nơi vẫn không gặp được họ. Gặp được rồi nhưng còn vất vả tuyên truyền họ mới nghe theo. Nhưng vẫn có những thuận lợi nhất định. Đó là mình cùng là người Bahnar, cùng ngôn ngữ, hiểu rõ phong tục tập quán, tâm lý của bà con nên hiểu họ hơn. Khi cùng các ban, ngành, cán bộ Hội LHPN huyện thực tế cơ sở, mình có điều kiện học hỏi cách vận động từ những người có nhiều kinh nghiệm. Ngoài nắm bắt tâm lý, tình cảm, rất cần kỹ năng, phương pháp tuyên truyền để nói dân hiểu, dân tin và làm theo”-chị Thuen nói. Và niềm vui lớn nhất của cán bộ Hội này chính là giây phút chứng kiến hội viên rời nhà đầm về nơi ở mới. “Tuy vẫn còn có hộ chưa chịu về do tập quán sinh hoạt, canh tác ăn sâu vào nếp sống, nhưng tôi tin kiên trì vận động điều đúng, điều hay thì họ sẽ thay đổi”-chị Thuen tin tưởng.
Ngăn những “đám cưới trẻ con”
Lăn lộn, bám sát cơ sở là tinh thần thường trực của những nữ cán bộ cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cuối tháng 9 vừa qua, một gia đình ở làng Hrách (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) chuẩn bị đám cưới cho con. Cô dâu mới 16 tuổi, còn chú rể cũng chưa đủ 18. Biết tin, chị Đinh Thị Phơ-Chủ tịch Hội LHPN xã cùng với các ban, ngành, già làng, trưởng thôn vội vàng có mặt để khuyên giải. Quyết tâm xóa bỏ nạn tảo hôn ở địa phương, nhưng cuộc gặp với gia đình hai bên diễn ra chỉ trước đám cưới đúng 1 ngày khiến cho các cán bộ phong trào chịu không ít áp lực. Thật không dễ để ngăn lại ngày vui của người khác nhưng nếu để chuyện này xảy ra, tiếp tục phát sinh những đám cưới trẻ con khác nên mọi người đều hạ quyết tâm “hành động”.
Sau nhiều giờ tuyên truyền, vận động, áp dụng quy định của Nhà nước với hương ước, cuối cùng bố mẹ cô dâu, chú rể, rồi cả đôi bạn trẻ cũng hiểu ra và đồng ý lùi đám cưới lại đến khi cả hai đủ tuổi pháp luật cho phép. “Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe phụ nữ khi sinh đẻ, nuôi con. Những đứa trẻ sinh ra khi người mẹ chưa đủ tuổi cũng không được khỏe mạnh, khó nuôi. Nếu thương con thì các gia đình phải nghe tôi”-chị Phơ chốt lại cuộc gặp. Sau đó, hai bên gia đình ký vào biên bản không vi phạm tảo hôn trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương lẫn già làng.
Chị Đinh Thị Phơ-Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Kơ Ning. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chị Đinh Thị Phơ-Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Kơ Ning là một trong những cán bộ Hội năng nổ, nhiệt tình, bám cơ sở ở huyện Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chưa hết, chị Phơ còn tìm đến người mai mối để nói chuyện phải trái. “Phần lớn các cặp tảo hôn đều do người mai mối. Vì vậy, mình cần gặp họ để đấu tranh, chỉ rõ chủ trương, pháp luật của Nhà nước về xóa bỏ tảo hôn trong cộng đồng. Nếu họ cố tình mai mối cho các đôi trẻ chưa đủ tuổi sẽ bị xử lý theo pháp luật và lệ làng. Các già làng bây giờ xử rất nghiêm chuyện này. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp ngăn ngừa 5 cuộc tảo hôn, giảm nhiều so với trước đây”-chị Phơ phấn khởi cho biết.
Chị Đinh Thị Toại-Chủ tịch Hội LHPN huyện Kông Chro-đánh giá: “Sự năng nổ, nhiệt tình, bám cơ sở giúp những cán bộ Hội như chị Đinh Thị Phơ hiểu rõ cuộc sống của người dân địa phương, kịp thời phát hiện những vụ việc vi phạm để ngăn ngừa, đồng thời phát huy được sự đoàn kết của cộng đồng trong các hoạt động, phong trào cần sức mạnh tập thể. Chị Phơ còn rất thành công khi kiên trì vận động thành lập 7 đội cồng chiêng nữ thu hút trên 200 hội viên, phụ nữ tham gia. Đây cũng là địa phương có đội cồng chiêng nữ hoạt động mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.