"Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đang ổn định với công việc tư vấn giám sát xây dựng nhưng anh Phan Văn Lý (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) bất ngờ rẽ sang nghề ươm cây giống. Sau gần 5 năm bắt tay vào công việc mới, anh Lý đã dần chứng minh được hướng đi của mình là phù hợp, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình của Trường Đại học Duy Tân, anh Lý về lại quê nhà lập nghiệp. Anh nhận tư vấn giám sát cho nhiều công trình xây dựng địa bàn tỉnh như: nhà ở, trường học, đường giao thông... Song, không bằng lòng với công việc đi nhiều nhưng thu nhập thấp, năm 2016, anh Lý quyết định chuyển đổi nghề. “Tôi đã thử nghiệm việc kinh doanh quán cà phê để chuyển hướng nhưng không thành công. Đầu năm 2016, được anh trai giới thiệu về một số địa chỉ bán cây giống uy tín tại miền Tây, vốn có sẵn đam mê làm nông nghiệp, tôi bắt đầu tìm hiểu để chuyển sang kinh doanh cây giống”-anh Lý nói.

 Vườn ươm cây giống của anh Phan Văn Lý (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cho thu nhập 200-300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Nhật Hào
Vườn ươm cây giống của anh Phan Văn Lý (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cho thu nhập 200-300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Nhật Hào


Thời điểm đó, người dân trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh Lý mượn bố mẹ lô đất trống gần nhà, đồng thời, dốc hết số vốn tích góp được trong nhiều năm đi làm để nhập hơn 1.000 cây giống gồm cà phê, mít Thái, bưởi da xanh, sầu riêng, hồ tiêu, cam, xoài, mắc ca, bơ các loại. Song do chưa có kinh nghiệm kinh doanh, lại không có kỹ thuật chăm sóc cây giống, năm đầu tiên, nhiều cây bị chết khiến anh thua lỗ hơn 100 triệu đồng.

Với quan niệm “Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó”, anh Lý quyết định vay mượn thêm vốn để làm lại từ đầu. Từ đó, những đợt đi lấy cây giống, anh đều nán lại để học hỏi kỹ thuật. Đồng thời, anh học thêm khóa về kỹ thuật ươm và chăm sóc cây giống tại Phú Yên. Khi đã nắm vững kỹ thuật, anh quyết định nhập những cây giống ít ngày tuổi để được giá rẻ về chăm sóc thêm một thời gian nhằm bán cho lãi cao hơn. Bên cạnh đó, anh tự tay ươm thêm giống cà phê, hồ tiêu và bơ các loại. Nhờ đó, việc kinh doanh cây giống của anh đem lại hiệu quả và vườn ươm Đức Phúc của anh dần có thương hiệu, mỗi năm bán hơn 5 vạn cây giống các loại. Riêng trong năm 2017, anh đã lấy lại được số vốn bị lỗ của năm 2016. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm anh lãi 200-300 triệu đồng.

Khách hàng tới mua cây giống tại vườn ươm của anh Phan Văn Lý (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh).  Ảnh: Nhật Hào
Khách hàng tới mua cây giống tại vườn ươm của anh Phan Văn Lý (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: Nhật Hào


Đúc rút từ công việc của mình, anh Lý cho biết, đầu tiên phải tìm hiểu nhu cầu của người dân để nhập các cây giống phù hợp nhằm đầu tư kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, phải siêng năng học hỏi kỹ thuật để chăm sóc cây giống tốt hơn; bản thân đã trồng thử nghiệm hơn 300 cây giống các loại vào vườn cây cà phê của bố mẹ để lấy kinh nghiệm hướng dẫn cho các hộ mua cây giống. “Hiện nay, nhu cầu về cây giống của người dân khá lớn nên tôi đã vay mượn tiền để mua thêm một ít đất nhằm mở rộng vườn ươm. Tuy nhiên, tôi vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn nên rất mong các cấp bộ Đoàn tạo điều kiện để tôi được tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp”-anh Lý nói.

Anh Nguyễn Sỹ Thượng-Bí thư Đoàn thị trấn Ia Ly-cho biết: Anh Lý là đảng viên trẻ năng nổ, có ý chí vươn lên phát triển kinh tế. Ở tuổi 30 nhưng anh đã gầy dựng được vườn ươm với thu nhập ổn định. Anh còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương, đặc biệt là trích tiền lãi thu được từ vườn ươm để ủng hộ cho công tác từ thiện do Đoàn thị trấn phát động.

 

NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.