Công nhân Bahnar vượt khó làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chấp nhận trước những khó khăn trong sản xuất và đời sống, anh Lão (người Bahnar ở làng Kon Chang, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã luôn tìm tòi, học hỏi và chịu khó tăng gia sản xuất, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh trở thành tấm gương sáng cho công nhân Nông trường Cao su Hà Tây và dân làng học tập và làm theo.

Anh Lão (người Bahnar ở làng Kon Chang, xã Hà Tây, huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Đức Thành
Anh Lão (người Bahnar ở làng Kon Chang, xã Hà Tây, huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Đức Thành

Sinh ra và lớn lên ở xã Hà Tây xa ngái và đầy khó khăn nên ngay từ nhỏ cậu bé Lão đã ý thức là mình phải luôn cố gắng học và làm một điều gì đó để thay đổi nghĩ nếp cách làm của người Bahnar quê mình. Năm 2002, khi Công ty Cao su Chư Păh triển khai dự án trồng cao su trên địa bàn xã Hà Tây, biết công ty tuyển người, anh Lão liền làm đơn xin vào làm công nhân.

Là người trẻ và chưa có kinh nghiệm trong công việc chăm sóc cây cao su, nên anh chịu khó đến gặp những người đi trước để học hỏi. Chính sự cầu thị và tinh thần ham học hỏi nên chẳng bao lâu anh Lão đã nắm vững kỹ thuật cơ bản chăm sóc cây cao su và được Nông trường tin tưởng giao khoán vườn cây.

Khi cây cao su đưa vào khai thác, anh là một trong những công nhân đầu tiên của Nông trường được tập huấn kỹ thuật khai thác mủ. Là người thợ trẻ nên anh thường xuyên trao đổi, rèn luyện nâng cao tay nghề, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt vườn cây giao khoán. Nhờ vậy, vườn cây khai thác của anh năm nào cũng vượt sản lượng Công ty giao khoán.

Năm 2019, anh đã vượt 125% sản lượng; năm 2020, vượt trên 120% sản lượng. Năm 2020, mặc dù mức lương chung toàn Công ty khoảng 6,3 triệu đồng/tháng, nhưng anh Lão vẫn đạt bình quân mỗi tháng trên 7 triệu đồng.
 

Ông Nguyễn Thế Sỹ-Giám đốc Nông trường Cao su Hà Tây: “Anh Lão là người có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Anh cũng luôn có ý thức tự rèn luyện nâng cao tay nghề, trong các kỳ thi thợ cạo mủ giỏi tại Nông trường và Công ty, anh đều đạt giải. Tấm gương vượt khó của anh được nhiều bạn trẻ trong Nông trường học tập và noi theo”.

Không những vậy, anh Lão còn có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm hợp lý để dành tiền mua đất phát triển kinh tế gia đình. Mỗi năm, anh đều mua thêm một ít đất sản xuất và tranh thủ thời gian tự ươm ghép cây giống cao su, rồi tự đào hố để trồng vườn cao su tiểu điền của gia đình. Đến nay, gia đình anh đã có 2 ha cao su chuẩn bị cho khai thác mủ.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, biết được thế mạnh của vùng đất, anh đã trồng 2 ha bời lời, sau 3 năm, mỗi ha bời lời cho thu nhập gần 80 triệu đồng. Từ nguồn thu này, anh tiếp tục đầu tư trồng 5 sào cà phê. Từ chỗ 2 bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh đã sở hữu 2 ha cây bời lời, 2 ha cao su và 4 sào lúa. Bên cạnh trồng các loại cây công nghiệp, anh còn đầu tư vốn nuôi bò, có thời điểm đàn bò lên 10 con.

Nhờ nguồn thu từ kinh tế gia đình (khoảng 150 triệu đồng/năm) cộng với thu nhập từ lương nên anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang và mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ sinh hoạt. Anh cho biết: “Khoảng 1 năm nữa khi 2 ha cao su đi vào khai thác mủ thì mỗi năm mình thu nhập thêm trên 200 triệu đồng”.

Chia sẻ về những thành quả đã đạt được, anh Lão cười nói: “Mình sinh ra ở một xã vốn khó khăn nên phải nỗ lực và cố gắng thật nhiều. Mình thấy nhiều gia đình trong làng còn khó khăn quá nên phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ để làm gương và giúp cho thanh niên trong vùng từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xóa đói, giảm nghèo”.

Với những thành quả đã đạt được trong sản xuất và phát triển kinh tế gia đình, anh Lão đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Năm 2018, anh được Công đoàn Cao su Việt Nam vinh danh là công nhân dân tộc tiêu biểu. Mới đây, anh lại được Công ty khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.


HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.