Khởi nghiệp từ… mo cau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, khi về nước, chị Lê Bích Thảo quyết định khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh và mục tiêu của chị là tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, để “chống lại” rác thải nhựa.
Lãnh đạo T.Ư Đoàn và tỉnh Bắc Ninh tham quan sản phẩm làm từ mo cau được trưng bày tại Ngày hội thanh niên hành động chống lại rác thải nhựa toàn quốc. Ảnh V.T
Hành trình “chinh phục” mo cau
Chị Lê Bích Thảo (35 tuổi) hiện là “bà chủ” một quán ăn chay ở Time City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và là nhà sáng chế nhiều sản phẩm ấn tượng chống ô nhiễm môi trường, như các đồ đựng thực phẩm bằng mo cau, bã mía, bẹ chuối… Đặc biệt, những sản phẩm làm từ mo cau của chị Thảo đã được nhiều người đặt mua và đặc biệt thích thú khi sử dụng. Bộ sản phẩm bao gồm nhiều loại: thìa, dĩa, đĩa, bát, hộp đựng thức ăn… xinh xắn và tiện dụng.
Chia sẻ về ý tưởng sản xuất sản phẩm này, chị Thảo cho biết, khi mở nhà hàng kinh doanh thực phẩm chay (năm 2016), điều chị thấy nhức nhối nhất là tình trạng thải các sản phẩm nhựa dùng một lần tràn lan ra môi trường.
“Trong lúc cảm thấy nan giải vì không biết dùng đồ gì để đựng thức ăn cho khách mang về mà tránh được đồ nhựa, mình bắt đầu hành trình tìm hiểu và nghiên cứu… lá cây. Việc đầu tiên có thể nghĩ đến lúc đó là đi thu thập các loại lá bản to, rồi tìm cách khâu vào nhau, hoặc để tạo độ cứng thì bôi các chất kết dính tự nhiên vào 2 cái lá và lấy bàn là ra ép. Trong nhà hồi ấy cứ xèo xèo bốc khói và lá cây tha lôi từ tủ lạnh cho tới giường ngủ là chuyện bình thường”, chị Thảo bắt đầu câu chuyện về hành trình đến với… mo cau.
Theo chị Thảo, điều khiến chị nhức đầu nhất là làm thế nào để tạo độ cứng và một chất tự nhiên chống thấm nước mà không dùng hóa chất độc hại. Vì ngay đến cái cốc giấy, người ta cũng phải lót ni lông mới đựng được thực phẩm.
“Rồi một ngày trên đường về quê, nhìn thấy tàu mo cau đang rơi ra ở lối đi, mình chợt nhớ tới chiếc quạt rắn chắc thơm mùi mo cau ngày bé. Cầm chiếc mo cau trên tay, bỗng chợt nhận ra bản thiết kế hoàn hảo nhất của thiên nhiên đã luôn sẵn có ở đó rồi. Một vật liệu rắn chắc cùng lớp chống thấm hoàn hảo không thể nào tuyệt vời hơn”, chị nói. Và thế là công cuộc đưa mo cau đến với đời sống hiện đại đã được chị Thảo mò mẫm từng tí một, từ việc tìm kiếm về máy móc, khuôn đúc, nhiệt độ phù hợp, đến học hỏi các nơi trên thế giới để sản xuất loại sản phẩm đặc biệt này. Mãi 3 năm sau (cuối năm 2019), các sản phẩm từ mo cau của chị Thảo mới được “trình làng”.
Chị cho biết bản thân đã tìm kiếm khắp nơi với nhiều thử nghiệm thất bại, sau đó may mắn đã tìm được một máy ép phù hợp của Ấn Độ, nên sản xuất thành công.
Sản phẩm “nói không” với ô nhiễm
Chia sẻ về sản phẩm độc đáo này, chị Thảo cho biết, mo cau tự nhiên được thu gom về rửa sạch, phơi khô, ép ở nhiệt độ cao để cho ra đời các sản phẩm theo ý muốn. Điều đặc biệt là quá trình sản xuất này không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hơn thế, nó còn là sản phẩm độc đáo dành cho những khách hàng thực sự yêu thiên nhiên.
“Chiếc mo cau vốn đã tạo ra bản thiết kế hoàn hảo nhất của thiên nhiên. Và vì thế, không mo cau nào có thiết kế giống nhau cả, mỗi chiếc là độc nhất vô nhị. Những sản phẩm này cũng không có mùi hương kiểu công nghiệp hoặc được khử mùi, mà được giữ nguyên hương thơm thoang thoảng của mo cau pha với “mật mía-caramen”, do quá trình tương tác ép khuôn ở nhiệt độ cao. Tùy vào độ ẩm và nhiệt độ mà mỗi sản phẩm sẽ có màu sậm hơn hay sáng hơn”, chị Thảo cho biết.
Trong quá trình sản xuất sản phẩm mo cau, chị Thảo cũng hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường, như đặt nhà máy ở vùng nguyên liệu Bắc Giang để hạn chế thải khí độc ra môi trường trong khi vận chuyển nguyên liệu. Nguyên liệu cũng lấy từ thiên nhiên là lá cây khô bỏ đi nên không “phá hoại” cây xanh. Sản phẩm giúp thay thế đồ nhựa đựng thực phẩm dùng một lần; có thể sử dụng trong lò vi sóng mà không thôi nhiễm chất độc hại. Đặc biệt, khi sản phẩm này bỏ đi sẽ được phân hủy được hoàn toàn, không gây ô nhiễm môi trường.
Hỏi về giá thànhcác sản phẩm, chị Thảo cho biết, giá thìa 1.500 đồng/chiếc, đĩa khay tuỳ kích cỡ giá từ 4.000 - 5.000 đồng, hộp đựng thức ăn 12.000 đồng… “Nhìn chung, so với các đồ nhựa dùng một lần thì không rẻ, nhưng sản phẩm có thể tái sử dụng và so với cái giá phải trả cho môi trường thì mình thấy quá rẻ”, chị Thảo cười, chia sẻ.
Sau khi mua bộ đồ dùng bằng mo cau từ sáng chế của chị Thảo về dùng, chị Nguyễn Thị Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội), phấn khởi nói: “So với đồ nhựa dùng một lần thì các sản phẩm làm từ mo cau rất có ý nghĩa trong bảo vệ sức khỏe và môi trường. Tôi dùng khi cho các con đi picnic, hoặc mang đồ từ nhà hàng về...”.
Chia sẻ về “đầu ra” của sản phẩm, chị Thảo cho biết, hiện lượng khách đặt hàng rất đông, nhất là các nhà hàng, quán cà phê… vì sản phẩm độc đáo, có thể làm tăng thương hiệu của các doanh nghiệp với tiêu chí sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, do nguyên liệu mo cau chỉ khai thác được theo mùa, nên sản phẩm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện chị Thảo đang nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm được làm từ bã mía, bẹ chuối … để gia tăng sản phẩm thay thế đồ nhựa.
“Chúng tôi yêu môi trường nên mong muốn khi sản xuất những sản phẩm này sẽ thay thế được những đồ nhựa dùng một lần, không chỉ hại cho môi trường mà chính sức khỏe của chúng ta. Bằng sản phẩm này, tôi hy vọng mang lại môi trường tốt lành và thân thiện nhất với người sử dụng”, chị Thảo chia sẻ.
Sản phẩm làm từ mo cau của chị Thảo đã được T.Ư Đoàn đánh giá cao tại cuộc triển lãm Các sản phẩm tái chế chống lại rác thải nhựa năm 2019, tổ chức tại Bắc Ninh.
Vũ Thơ (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.