Bán hàng online

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, tôi gặp lại một người bạn thời đại học. Anh hỏi thăm chuyện gia đình, công việc, bạn bè trước kia chơi chung nhóm. Anh nói, một số người trách anh sao hủy kết bạn với họ trên Zalo, Facebook nhưng anh không thể nói thẳng lý do chỉ vì họ bán hàng online.
Anh than phiền, không hiểu tại sao ngày càng có nhiều bạn bè bán hàng online như vậy. Ngày nào cũng thấy họ đăng hình ảnh hàng hóa thượng vàng hạ cám, bất kể sớm khuya. Những người không có nhu cầu mua sắm như anh cảm thấy rất phiền hà. “Anh đã ngừng chơi Facebook một thời gian dài vì cảm thấy mạng xã hội bây giờ như cái chợ online vậy”-anh nói. Theo anh, những người có ý định kinh doanh nên lập riêng fanpage hay group và thông báo cho bạn bè, người thân, nếu ai có nhu cầu thực sự, họ sẽ theo dõi hoặc tham gia để trao đổi mua bán.
Bạn bè của tôi cũng có không ít người kinh doanh trên mạng như vậy. Họ bán đủ loại hàng, từ đặc sản địa phương, thực phẩm organic, đồ gia dụng, mỹ phẩm, thậm chí thanh lý quần áo cũ của mình và người quen... Những người bán hàng online phần lớn đều có việc làm ổn định. Họ bán hàng chủ yếu để kiếm thêm thu nhập. Đây hoàn toàn là nhu cầu kiếm tiền chính đáng nếu họ không làm bạn bè cảm thấy phiền lòng, khó xử hoặc mua cho người này thì mất lòng người kia.
Tôi có một cô bạn đang dạy học ở TP. Hồ Chí Minh. Gần đây, bạn thường đăng bán các mặt hàng được quảng cáo là đặc sản Gia Lai như: hạt mắc ca, hạt điều, cà phê, mật ong, mật nhân, nấm linh chi rừng Kbang… trên Facebook khiến tôi có chút quan tâm. Với các mặt hàng khác thì không sao, nhưng khi thấy cô bạn quảng cáo mỗi lần nhận hàng từ Gia Lai vài chục lít mật ong rừng lấy từ những cánh rừng nguyên sinh thì tôi có nhắn tin riêng nhắc nhẹ bạn. Đại ý là tôi ở Gia Lai mà muốn mua mật ong rừng còn rất khó, bạn ở thành phố lớn xa xôi như vậy, lấy đâu nguồn hàng bán quanh năm, mỗi lần vài chục lít. Bạn nên cẩn trọng với những lời quảng cáo vì người mua ủng hộ trên trang cá nhân chủ yếu là người quen, đồng nghiệp. Sau khi góp ý thì cô ấy hủy kết bạn khiến tôi phân vân không biết đã nói sai điều gì.
Người bán hàng trên Facebook thường mang uy tín của bản thân để đảm bảo với khách hàng. Đây cũng là một ưu thế so với việc lập nên một trang fanpage. Thế nhưng, ngoài một số người bán hàng uy tín, ngày càng được nhiều bạn bè ủng hộ thì không ít người vì lợi nhuận, sẵn sàng đánh đổi cả uy tín bản thân. Có người chỉ sau một thời gian bán hàng trên Facebook đã bị bạn bè quay lưng, hủy kết bạn hoặc vẫn để chế độ bạn bè nhưng ngừng theo dõi.
Ở Gia Lai, có nhiều người là cán bộ, công chức, viên chức nhưng muốn kiếm thêm thu nhập đã bán hàng khá thành công trên Facebook cá nhân. Có thể kể đến một số mặt hàng chủ lực, phổ biến, gắn liền với tên Facebook cá nhân của người bán như: tinh bột nghệ, hạt mắc ca, mật ong (nuôi, rừng), chả cá thác lác sông Sê San, khoai lang Lệ Cần, bơ booth, các loại đậu… Khi muốn mua các mặt hàng này, khách hàng sẽ nhớ đến tên chủ Facebook đó. Nhưng kinh doanh lâu dài ở tài khoản cá nhân thì người bán nên cân nhắc để tránh gây phiền hà cho bạn bè.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.