Đồng hành cùng thanh niên Gia Lai phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” là một trong 3 chương trình lớn của tổ chức Đoàn. Thời gian qua, các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh công tác kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ vốn vay, góp phần giải bài toán việc làm và chăm lo lợi ích chính đáng cho thanh niên.
Tăng cường kết nối với doanh nghiệp
Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, tổng số thanh niên trong toàn tỉnh là hơn 200.000 người, trong đó có khoảng 40% thanh niên dân tộc thiểu số. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn. Đó là sự hạn chế về nhận thức, e dè khi tiếp xúc với môi trường làm việc mới, chưa có quyết tâm tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó là tâm lý “ly nông không ly hương” gây ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm việc làm của thanh niên ở các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Ngoài ra, việc tuyên truyền, giới thiệu việc làm ở một số tổ chức Đoàn còn khá chung chung, chưa thuyết phục được lực lượng thanh niên đăng ký làm việc. Chính vì thế, dù nhiều chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm đã được các tổ chức cơ sở Đoàn triển khai nhưng số thanh niên tìm được việc làm còn hạn chế.
Chủ động, tích cực về cơ sở để gặp gỡ trực tiếp thanh niên, tìm hiểu nhu cầu cũng như chia sẻ, động viên là cách mà Tỉnh Đoàn đã áp dụng hiệu quả từ đầu năm 2018 đến nay. Nhờ sự kết nối với Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, đầu tháng 3-2018, Tỉnh Đoàn đã trực tiếp đưa 20 thanh niên vào TP. Hồ Chí Minh để tìm việc làm tại các doanh nghiệp. Một trong những thanh niên xung phong đi làm ăn ngoài tỉnh trong đợt này là anh Rơ Lan Chơng (SN 1988, làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê), từng là Phó Bí thư Đoàn xã Ia Hlốp. Trước đây, vợ chồng anh Chơng phải đi hái cà phê, làm cỏ mì thuê để kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học. Được sự kết nối của Tỉnh Đoàn, vợ chồng anh đã vào làm việc tại Công ty I.B.O International (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) với mức lương trung bình 6,3 triệu đồng/người/tháng, nếu tích cực tăng ca thì thu nhập trung bình 8-9 triệu đồng/người/tháng. Anh Chơng chia sẻ: “Tiền thuê nhà và tiền ăn mỗi tháng hết khoảng 3-4 triệu đồng. Sau hơn 1 năm đi làm xa, vợ chồng mình đã tích góp được một khoản tiền để xây nhà ở quê, nuôi các con ăn học”.
  Thanh niên tìm kiếm việc làm tại Ngày hội giới thiệu làm do Tỉnh Đoàn tổ chức. Ảnh: P.L
Thanh niên tìm kiếm việc làm tại Ngày hội giới thiệu làm do Tỉnh Đoàn tổ chức. Ảnh: P.L
Anh Chơng là một trong hơn 100 thanh niên tìm được việc làm với thu nhập ổn định tại các khu công nghiệp ở miền Nam thông qua sự kết nối của Tỉnh Đoàn. Tham gia một buổi tư vấn giới thiệu việc làm của Tỉnh Đoàn tổ chức tại xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) vào cuối tháng 4-2019 mới thấy nhu cầu thực tế cũng như tâm tư của thanh niên. Hơn 30 thanh niên của xã Ya Hội đã được cán bộ Tỉnh Đoàn chia sẻ thông tin tuyển dụng tại các thành phố, lợi ích khi có việc làm, tiền lương ổn định. Sau buổi tư vấn, có 8 thanh niên đăng ký làm việc tại miền Nam, trong đó có chị Đinh Thị Vi (SN 1997, làng Groi 1, xã Ya Hội). Hiện chị Vi đang có công việc ổn định tại một công ty chuyên sản xuất giày ở TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).
Ngoài ra, Tỉnh Đoàn cũng tích cực phối hợp với Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh để tạo việc làm cho thanh niên ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho 73.735 đoàn viên, thanh niên và có 5.543 thanh niên được giới thiệu việc làm.
Tích cực hỗ trợ vốn vay
Thời gian qua, Tỉnh Đoàn còn tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng như tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Theo đó, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên trực tiếp quản lý là hơn 617 tỷ đồng thông qua 492 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đoàn xã Ia Tô (huyện Ia Grai) có 6 tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý nguồn vốn 6 tỷ đồng, giúp nhiều thanh niên khởi nghiệp. Gia đình anh Võ Văn Nghị (thôn 1, xã Ia Tô) có 5 sào cà phê nhưng gặp khó do thiếu kinh phí đầu tư chăm sóc cây trồng. Đầu năm 2019, anh Nghị đã vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thông qua kênh tín chấp của Đoàn Thanh niên được 20 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn cây. Anh Nghị chia sẻ: “Những lúc khó khăn, nhờ có nguồn vốn vay này, chúng tôi có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất”.
Bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở Đoàn cũng chủ động, tích cực đề xuất với UBND huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ vốn vay cho thanh niên. Trước tình trạng một số nông sản chủ lực mất giá, mất mùa gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, Huyện Đoàn Chư Pưh đã luôn cập nhật thông tin, chia sẻ những khó khăn của thanh niên và mong muốn có nguồn vốn giúp các bạn trẻ phát triển kinh tế, tạo việc làm. Theo đó, đầu năm 2019, trong 8 người được UBND huyện hỗ trợ từ nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ, có 2 thanh niên. Mỗi người được hỗ trợ 126 triệu đồng và được hướng dẫn ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế. Anh Đặng Xuân Lợi-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Blứ, người may mắn nhận được sự hỗ trợ-cho biết: “Sau những vụ hồ tiêu thất bát, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi may mắn được hỗ trợ vốn để trồng chanh tứ quý trên diện tích 5 sào và được hướng dẫn kỹ thuật. Hiện tại, vườn chanh đang phát triển tốt”.
Chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên, anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn-cho biết: “Những đợt đầu, khi tư vấn thanh niên tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, chúng tôi đều trực tiếp đưa họ vào tận chỗ làm để khảo sát tình hình sinh hoạt, điều kiện làm việc. Thấy được điều kiện thuận lợi, hầu hết thanh niên đã mạnh dạn đăng ký và có thu nhập tương đối ổn định. Trong công tác hỗ trợ thanh niên vốn vay để phát triển kinh tế, chúng tôi cũng tăng cường đi cơ sở để tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng vốn vay hiệu quả, khuyến cáo về hệ lụy của tín dụng đen”. Cũng theo anh Phan Hồ Giang, từ đầu năm đến nay, Tỉnh Đoàn đã tổ chức được 8 đợt tuyên truyền ở các huyện Kbang, Đak Pơ, Chư Prông về nội dung này. Hiện tại, bên cạnh việc bám sát cơ sở, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo Đoàn các cấp tiến hành rà soát số lượng thanh niên chưa có việc làm, thống kê số người đang gặp khó khăn về vốn, đặc biệt là ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông để có hướng tuyên truyền, tạo điều kiện giúp họ ổn định cuộc sống.
 PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Rah Lan H’Nhum: “Cán bộ giỏi-phong trào mạnh”

Rah Lan H’Nhum: “Cán bộ giỏi-phong trào mạnh”

(GLO)- Chị Rah Lan H’Nhum-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được mọi người biết đến bởi sự gắn bó, hết lòng với công tác Hội. Chị là gương sáng về “cán bộ giỏi-phong trào mạnh” và là điểm tựa vững chắc của phụ nữ ở địa phương.

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.
Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Người trẻ trở về

Người trẻ trở về

(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.
Hành trang sau khi rời quân ngũ

Hành trang sau khi rời quân ngũ

(GLO)- Những ngày cận Tết, toàn tỉnh Gia Lai có hàng ngàn chiến sĩ trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chia tay đơn vị, nơi từng gắn bó trong suốt 2 năm với bao kỷ niệm khiến mỗi chiến sĩ không khỏi bịn rịn, lưu luyến.
Thu nhập khấm khá nhờ nuôi dúi

Thu nhập khấm khá nhờ nuôi dúi

Anh Phùng Ngọc Thuật (30 tuổi), ngụ xã Lai Đồng, H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, quyết định rời TP.HCM về quê nuôi dúi và đã bước đầu thành công khi mỗi tháng thu được 40-50 triệu đồng.