Chư Sê: Đa dạng hóa mô hình tập hợp thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam các cấp. Để làm được điều này, Hội LHTN Việt Nam huyện Chư Sê đã không ngừng đổi mới, đồng hành với thanh niên, tạo nhiều sân chơi thiết thực phù hợp với nhu cầu của thanh niên”-anh Nay Winh-Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Chư Sê, Gia Lai-cho biết.
Thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp
Thời gian qua, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Chư Sê đã chủ động phát triển kinh tế ngay trên quê hương, không những tạo thu nhập ổn định cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên khác. Anh Trịnh Duy Tâm (SN 1990, ở làng Kueng Xí nghiệp, xã Hbông) là một trong số đó.
Nhận thấy tại địa phương có nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu thích hợp với việc nuôi dê, anh Tâm đã đến các trang trại chăn nuôi dê lớn ở tỉnh Đồng Nai và Ninh Thuận để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Năm 2013, anh vay mượn mua 8 con dê Bách Thảo về nuôi thử nghiệm. Sau vài tháng, thấy đàn dê phát triển khỏe mạnh, anh tiếp tục mua thêm 30 con dê nữa. “Tôi may mắn được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển mô hình này. Dê là con vật dễ nuôi, sức đề kháng cao, chuồng trại đơn giản mà thức ăn lại dễ kiếm. Chỉ cần chịu khó học hỏi kinh nghiệm, mô hình này sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả”-anh Tâm chia sẻ.
  Mô hình nuôi dế đem lại thu nhập ổn định cho anh Quách Văn Luân (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Ảnh: T.B
Mô hình nuôi dế đem lại thu nhập ổn định cho anh Quách Văn Luân (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Ảnh: T.B
Hiện tại, đàn dê của anh Tâm dao động trong khoảng 300-400 con, ngoài cung cấp nguồn dê thịt cho thị trường với giá 125.000 đồng/kg, anh còn cung cấp con giống cho những người có nhu cầu chăn nuôi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Tâm thu về 200-300 triệu đồng/năm, đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 nhân công với mức lương ổn định. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, cần cù chịu khó, anh Trịnh Duy Tâm đã biến ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình thành hiện thực.
Theo thống kê của Hội LHTN Việt Nam huyện Chư Sê, trên địa bàn huyện có 42 trang trại do thanh niên làm chủ, mỗi trang trại có diện tích 2-3 ha, mỗi năm thu nhập bình quân 200-500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5-7 nhân công. Có thể kể tên một số điển hình kinh tế như: mô hình nuôi dế, dê và dúi của anh Quách Văn Luân (xã Bờ Ngoong); mô hình nuôi dê và cây ăn quả của anh Nguyễn Xuân Hợp (xã Ia Hlốp); mô hình nuôi trùn quế và sâu canxi của anh Bùi Duy Hải (xã Ia Blang)…
Để đồng hành, giúp đỡ thanh niên trong phát triển kinh tế, Hội LHTN Việt Nam huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện dạy nghề cho 820 thanh niên; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.280 thanh niên; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở 15 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 2.160 thanh niên; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện ủy thác nguồn vốn qua kênh của Đoàn Thanh niên quản lý hơn 42 tỷ đồng với 2.157 hội viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được vay để phát triển kinh tế. 
Mở rộng đoàn kết, tập hợp thanh niên
Để thu hút thanh niên tham gia tổ chức Hội thì các hoạt động phải đa dạng, đáp ứng được nhu cầu, sở thích của họ. Chính vì vậy, Hội LHTN huyện Chư Sê luôn quan tâm phát triển loại hình sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm để thu hút đông đảo thanh niên.
Điển hình là mô hình Đội Thanh niên tình nguyện sơ cứu-ứng cứu nhanh tai nạn giao thông huyện Chư Sê, được thành lập từ năm 2015. Đội có 20 thành viên là thanh niên các tổ chức cơ sở Đoàn-Hội, Trung tâm Y tế huyện, lực lượng Công an trên địa bàn huyện. Anh Nay Winh-Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Huyện Chư Sê nằm trên trục đường quốc lộ 14 chạy qua, mật độ dân cư đông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Từ khi thành lập đến nay, đội hình này đã kịp thời ứng cứu, sơ cứu nạn nhân, hỗ trợ lực lượng chức năng phân luồng giao thông mỗi khi có tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
Phát triển tổ chức Hội ở những địa bàn khó khăn, trong đó chú trọng đến đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số là hoạt động được Hội LHTN Việt Nam huyện quan tâm thực hiện. Hiện trên địa bàn huyện có 12 câu lạc bộ cồng chiêng thanh-thiếu niên, trong đó nổi bật là Câu lạc bộ Cồng chiêng thanh-thiếu niên xã Dun, được thành lập từ tháng 5-2018 với 24 thành viên. Tại các cuộc thi do huyện tổ chức, Câu lạc bộ Cồng chiêng thanh-thiếu niên xã Dun đều tham gia và đạt được giải cao. Anh Nguyễn Đức Trịnh-Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Dun-cho biết: Hội luôn gần gũi, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu của thanh niên để tổ chức những phong trào, hoạt động phù hợp. Câu lạc bộ cồng chiêng thanh-thiếu niên vừa là nơi để thanh niên phát huy năng khiếu của bản thân, vừa giúp giữ gìn nét đặc sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì thế nên thanh niên rất hào hứng khi tham gia câu lạc bộ này.
Trao đổi với P.V, anh Nay Winh chia sẻ: Trong nhiệm kỳ 2019-2024, với khẩu hiệu “Thanh niên Chư Sê đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, xung kích xây dựng quê hương giàu đẹp”, Hội LHTN Việt Nam huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong các hoạt động của Hội; đổi mới, đồng hành với thanh niên ở tất cả hoạt động, phong trào. Phấn đấu hàng năm, Hội LHTN Việt Nam huyện xây dựng 1-2 mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”; mỗi Hội LHTN Việt Nam cấp xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”; 100% Hội LHTN Việt Nam các xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình hỗ trợ thanh niên yếu thế…
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.
Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Người trẻ trở về

Người trẻ trở về

(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.
Vợ chồng “khoa bảng”

Vợ chồng “khoa bảng”

(GLO)- Là tôi đang nói đến vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Vân và anh Nguyễn Văn Long. Chị là Tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Lâm nghiệp-Phân hiệu tại Gia Lai.
15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard

15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard

Không bằng lòng với những gì đạt được, mỗi bạn trẻ đã thực hiện những ước mơ, khát vọng của mình với những nỗ lực không mệt mỏi ngoài năng lực thiên bẩm để 'bản đồ' thế giới trong từng lĩnh vực đều có tên Việt Nam.