Cậu thiếu niên từ buôn làng Tây Nguyên vào tập đoàn Amazon

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đỗ Liên Quang đang làm cho tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Khó tin 9 năm trước cậu mới nuôi ước mơ du học qua một bài báo.

Trong tháng này Đỗ Liên Quang, 26 tuổi sẽ chuyển từ bộ phận phân tích thị trường sang bộ phận dịch vụ điện toán đám mây của tập đoàn thương mại điện tử Amazon tại trụ sở Seattle (Mỹ). Với Quang, chuyển việc là một cách để học hỏi kinh nghiệm. Cậu không ngừng thử thách mình qua các công việc mới.

Thử thách mình cũng là cách đã dẫn cậu học trò ở Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) hơn 9 năm trước tới trung tâm công nghệ thế giới ngày nay.

Quang sinh ra trong một gia đình di cư đến vùng đất đỏ. Bố cả ngày quanh quẩn trên rẫy cà phê, mẹ là một giáo viên cấp 2. Ngay từ nhỏ Quang đã được bố mẹ trao quyền tự quyết, tự do vì thể hiện học lực giỏi suốt những năm đi học.


 

Đỗ Liên Quang là một trong hơn 70 học sinh Việt Nam được học bổng cấp 3 từ UWC - các trường Thế giới Liên kết - tính từ năm 2002 đến nay. Ảnh: Kim Chi Trinh.
Đỗ Liên Quang là một trong hơn 70 học sinh Việt Nam được học bổng cấp 3 từ UWC - các trường Thế giới Liên kết - tính từ năm 2002 đến nay. Ảnh: Kim Chi Trinh.



Ước mơ du học vô tình đến với Quang năm cậu học lớp 11, khi đọc báo biết đến học bổng cấp 3 của các trường Thế giới Liên kết (UWC, bao gồm 17 trường học trải khắp 4 châu lục, học sinh đến từ nhiều nước). Cậu âm thầm làm hồ sơ, xin thư giới thiệu.

Khó khăn nhất là viết bài luận tiếng Anh cả nghìn từ, mà trước giờ viết vài câu cậu còn trầy trật. Thầy giáo ngoại ngữ đã từ chối giúp đỡ vì nghĩ chẳng có cơ hội nào cho một học sinh tỉnh lẻ. Vậy là Quang quyết định viết chân thật về mình, viết lại xóa nhiều lần cho đến khi xong, với hai "trợ thủ" google dịch và từ điển.

Cú liều này cho Quang cơ hội đi tiếp vào vòng phỏng vấn. Cậu giữ bí mật nên chỉ thông báo ngắn gọn cho cha mẹ: "Con cần ra Hà Nội vài ngày". Đã quen với tính cách tự lập của cậu cả từ nhỏ, ông Đỗ Liên Gang (53 tuổi) và bà Phan Thị Triệc (52 tuổi) không hỏi thêm, họ chỉ đưa con chiếc điện thoại "cục gạch" để liên lạc.

Lần đầu tiên rời khỏi buôn làng ra thủ đô, những toà nhà cao tầng và dòng người tấp nập làm Quang phấn khích. Song đến ngày phỏng vấn, ở bên các bạn đến từ những trường chuyên nổi tiếng toàn quốc, Quang tràn đầy lo lắng. Đối diện với 4 vị giám khảo, hai lần cậu không hiểu được câu hỏi tiếng Anh, đành phải hỏi lại bằng tiếng Việt.

Song, khi giám khảo người Tây duy nhất trong phòng lên tiếng: "Tại sao em lại hứng thú với học bổng này?", Quang không còn sợ nữa, bởi đây là câu hỏi cậu đã suy nghĩ, đợi chờ.

Cậu kể về những ngày tháng tươi đẹp bên gia đình, bè bạn. Về bản thân luôn nỗ lực học tập, về hàng chục hoạt động ngoại khoá đã tham gia. Cậu kể về những khó khăn khi làm bộ hồ sơ gửi đi và ước mơ trong mình lớn thế nào... Bao câu từ sắp xếp từ trước sao cho ngắn gọn, cho hay, đến giờ bay biến, chỉ còn lại những câu nói thốt ra từ trái tim.

Ngày Quang đậu học bổng toàn phần (gia đình không phải trợ cấp), bố mẹ cậu vui mừng dù mãi sau mới hiểu rõ học bổng ấy là gì.

"Tin Quang đỗ học bổng du học cấp 3 là một điều vô cùng lạ lẫm tại thời điểm đó, bởi khái niệm du học xa xôi với chỗ chúng tôi, huống gì còn học ở nước ngoài từ trung học phổ thông. Quang là học sinh đầu tiên trong tỉnh làm được điều đó", cô Bùi Thị Ngọc Tú, cô giáo chủ nhiệm của Quang tại Trường THPT huyện Krông Ana nói.

Mùa thu năm 2010, chàng trai 17 tuổi lên đường sang Hà Lan. Những giây phút háo hức ban đầu sớm qua khi Quang nhận ra khoảng cách với các bạn. Vốn tiếng Anh ít ỏi của cậu hoàn toàn không thể áp dụng được ở đây. Ba tháng đầu không ai hiểu cậu nói gì, còn Quang phải hỏi đi hỏi lại mới hiểu. Trong giờ học cậu phải mang từ điển để tra.

"Tôi luôn cố tham gia vào các buổi tụ tập để có thể hoà nhập với các bạn, nhưng rồi nhận ra sẽ chẳng bao giờ hiểu những tình huống mà mọi người nói, vì mình chưa bao giờ được trải qua. Đó là hệ quả khó tránh khi mình thuộc về một tầng lớp khác và tiếng Anh kém. Có thời điểm tôi đã rất tự ti", chàng trai bộc bạch.

Bù lại Quang cũng có những thế mạnh. Trước mỗi giờ học, cậu luôn tra hết tất cả các từ có trong sách để theo kịp bài giảng. Toán và Hóa là hai môn giúp Quang có điểm cao nhất, nhì lớp. Môn tiếng Anh cậu lại được giáo viên quý vì chăm chỉ. Hai năm học cũng trôi qua với những điểm số ngày một tốt hơn.



 



Hai năm học ở Hà Lan qua nhanh và đến ngày Quang phải nộp hồ sơ vào đại học. Vẫn còn tự ti nên Quang không dám gửi nguyện vọng đến các trường hàng đầu ở Mỹ, chỉ gửi các trường nhỏ. Tình cờ một người bạn giúp cậu "khai sáng": "Cậu có nhớ bộ phim Bollywood mà mình xem không? Three Idiots. Trong bộ phim đó Raju đã rất sợ hãi và không dám theo đuổi ước mơ của mình, nhưng rồi cậu ấy nhận ra cuộc sống sẽ không thể thay đổi nếu mình không phá vỡ sự sợ hãi vô hình".

Ôm bạn cảm ơn, Quang lao về phòng, cuối cùng tìm ra chỉ còn 2 trường đại học top đầu của Mỹ là còn hạn nộp hồ sơ và chỉ còn một ngày nữa là hết hạn. Chàng trai quyết định gửi "tấm vé" cuối cùng vào Đại học Duke, bang North Carolina.

Hóa ra Quang đã đánh giá thấp bản thân. Kết quả cậu là một trong gần chục học sinh của toàn khóa (50 người) giành được học bổng từ những trường danh giá. Chưa kể cậu có thể lựa chọn 4 trường nhỏ hơn.

"Điều lớn nhất mình học được ở trường liên kết thế giới là xây dựng tình bạn với bạn bè từ các nước, sự quan trọng của việc cởi mở suy nghĩ, sẵn sàng học hỏi và nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh. Mỗi người khi kể một câu chuyện thì chỉ kể từ khía cạnh của họ, để có cái nhìn toàn diện, chúng ta phải chủ động tìm kiếm những thông tin không có sẵn", cậu nói.

Để thử thách bản thân tại môi trường đại học, Đỗ Liên Quang đặt mục tiêu trải nghiệm nhiều hơn, bằng việc chọn ngành học Khoa học não bộ, được nhiều người đánh giá là khó và lạ lẫm, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, đi nhiều nước. Song song, cậu học thêm ngành kinh tế.

Thời gian đầu ở Đại học Duke cũng là giai đoạn khó khăn với chàng du học sinh Việt. Có lần cậu bị các bạn không lắng nghe và phủ nhận ý kiến vì không nói tiếng Anh chuẩn. Nhiều ngày cậu không dám phát biểu nữa. Cột mốc phá vỡ sự im lặng của cậu là tại tiết Triết học năm nhất. Hôm đó, giáo sư giới thiệu một khái niệm mới, trong khi Quang vẫn chưa hiểu, các bạn khác đã giơ tay nói. Mất vài phút tự đấu tranh, Quang quyết định "thà để mọi người nghĩ mình ngu 5 phút còn hơn là ngu thật", cậu xin thầy giải thích lại.

Khi đã hiểu rõ, Quang lăn xả vào hoạt động thuyết trình của nhóm. Sau buổi học thầy giáo gọi cậu ở lại khen "đã nói được hết những điều thầy muốn giảng". Thầy cũng hỏi sao không thấy phát biểu và cho Quang một lời khuyên đã theo suốt hành trình sau này của cậu: "Một người khôn ngoan không vì họ có nhiều thứ để nói, mà vì trong số những thứ ít họ có để nói thì đều có giá trị khiến người khác muốn lắng nghe".


 

 Quang biết ơn Đại học Duke cho mình học bổng toàn phần 70.000 đôla/năm (hơn 1,6 tỷ đồng) và cho cha mình sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của con trai năm 2016. Ảnh: Do Quang.
Quang biết ơn Đại học Duke cho mình học bổng toàn phần 70.000 đôla/năm (hơn 1,6 tỷ đồng) và cho cha mình sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của con trai năm 2016. Ảnh: Do Quang.



Hè năm 2016, Quang tốt nghiệp đại học. Kết thúc hành trình trên ghế nhà trường, Quang nhận ra điều tâm đắc nhất là kết giao được những người bạn cùng chí hướng.

"Rất nhiều học sinh Việt sang Mỹ du học và bị vỡ mộng, bị cô đơn và cô lập. Mình nghĩ là nên cố gắng tránh khỏi điều này ngay từ ban đầu. Dù có khó khăn thế nào đi nữa nhưng nếu có bạn bè để chia sẻ thì sẽ có động lực để vượt qua và có được một khoảng thời gian đáng nhớ ở đại học", Quang nói. Anh đã cùng những người bạn thân tham gia nhiều hoạt động, đi nhiều nước và hai lần về Việt Nam.

Với những thành tích nổi bật tại trường, Đỗ Liên Quang được nhận vào chương trình Management Training của tập đoàn Nike sau khi tốt nghiệp, sau đó thuận lợi vào tập đoàn Amazon. Chàng trai trẻ mong muốn sẽ làm việc hoặc kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai.

Song trước khi đến ngày đó, Quang vẫn đang cống hiến cho thế hệ trẻ quê nhà. Mỗi năm anh đều tham gia tuyển sinh cho học bổng UWC - học bổng khởi đầu cho con đường đi ra biển lớn của mình, cố vấn cho các câu lạc bộ thanh niên trong nước. Quang cũng vừa xuất bản tự truyện truyền động lực cho thế hệ trẻ.

Đỗ Liên Quang của ngày hôm nay không còn là cậu học sinh rụt rè năm nào nữa. "Nhiều người quen nói tôi đã đạt được ước mơ, nhưng tôi nghĩ ước mơ của mình giờ mới chính thức bắt đầu", nụ cười rạng ngời, Quang nói.

Phan Dương (VNE)

Có thể bạn quan tâm

Rah Lan H’Nhum: “Cán bộ giỏi-phong trào mạnh”

Rah Lan H’Nhum: “Cán bộ giỏi-phong trào mạnh”

(GLO)- Chị Rah Lan H’Nhum-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được mọi người biết đến bởi sự gắn bó, hết lòng với công tác Hội. Chị là gương sáng về “cán bộ giỏi-phong trào mạnh” và là điểm tựa vững chắc của phụ nữ ở địa phương.

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.
Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Người trẻ trở về

Người trẻ trở về

(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.
Hành trang sau khi rời quân ngũ

Hành trang sau khi rời quân ngũ

(GLO)- Những ngày cận Tết, toàn tỉnh Gia Lai có hàng ngàn chiến sĩ trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chia tay đơn vị, nơi từng gắn bó trong suốt 2 năm với bao kỷ niệm khiến mỗi chiến sĩ không khỏi bịn rịn, lưu luyến.
Thu nhập khấm khá nhờ nuôi dúi

Thu nhập khấm khá nhờ nuôi dúi

Anh Phùng Ngọc Thuật (30 tuổi), ngụ xã Lai Đồng, H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, quyết định rời TP.HCM về quê nuôi dúi và đã bước đầu thành công khi mỗi tháng thu được 40-50 triệu đồng.