Thu nhập ổn định từ trồng rau thủy canh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn mang lại nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đầu năm 2018, anh Chu Thanh Dũng (làng Jút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đầu tư trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel trên diện tích 300 m2. Bước đầu, mô hình thu được kết quả khả quan, mang lại cho gia đình anh thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.
Trước khi bắt tay xây dựng vườn rau thủy canh, anh Dũng đã dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi qua sách báo và lên Đà Lạt 1 tháng để học tập những mô hình trồng rau thủy canh. Sau một năm chuẩn bị kỹ lưỡng, tháng 4-2018, anh cùng một người bạn bắt tay thực hiện mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu trên diện tích 300 m2 với chi phí gần 300 triệu đồng. Anh Dũng cho biết: Từ nhà kính đến hệ thống thủy canh đều được thiết kế theo tiêu chuẩn Israel, quy trình chăm sóc cây trên hệ thống được điều khiển tự động giúp cây luôn đầy đủ dưỡng chất và phát triển trong điều kiện sản xuất tốt nhất. Sau 45-60 ngày, rau sẽ cho thu hoạch.
  Anh Dũng thu hoạch rau xà lách.  Ảnh: Phan Thương
Anh Dũng thu hoạch rau xà lách. Ảnh: Phan Thương
Hiện vườn rau của anh Dũng đang cung cấp nhiều loại rau như xà lách, cải, cà chua, rau muống… cho các cửa hàng rau sạch ở TP. Pleiku và khách hàng quen thuộc. Giá các loại rau dao động khoảng 25-40 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi tháng vườn rau của anh cung ứng ra thị trường hơn 1 tấn rau, mang về thu nhập hơn 20 triệu đồng. “So với các loại rau thông thường, giá thành rau thủy canh đắt hơn, nhưng so với chi phí nhập từ Đà Lạt thì rẻ hơn nhiều, trong khi đó chất lượng rau có thể kiểm soát được. Vì thế đầu ra của rau củ quả rất ổn định, ra lứa nào hết ngay lứa đó”-anh Dũng cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau thủy canh, anh Dũng lưu ý: ngoài chọn giống cây hoàn toàn nhập khẩu thì người trồng phải dùng nguồn nước sạch; đồng thời chú ý đến việc sử dụng và kiểm soát phân bón tùy vào giai đoạn phát triển, sinh trưởng của cây trồng. Vì nhiệt độ và độ ẩm ở Gia Lai cao hơn Đà Lạt nên anh phải điều chỉnh bằng việc che thêm lưới trong nhà kính và lắp đặt thêm hệ thống phun sương. Anh Dũng kể: “Cùng với việc trồng rau thủy canh, tôi còn cùng người bạn thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ nhà lưới với diện tích hơn 200 m2. Mô hình này không tốn nhiều chi phí như trồng rau thủy canh mà sản phẩm cũng là rau củ sạch, an toàn, giá cả hợp lý hơn”.
Trao đổi với P.V, ông Ksor Tư, cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Dêr, khẳng định: “Vườn rau của gia đình anh Dũng là vườn rau thủy canh đầu tiên trên địa bàn xã Ia Dêr. Qua nhiều lần trực tiếp xuống kiểm tra, giám sát, chúng tôi nhận thấy quy trình chăm sóc của gia đình rất nghiêm ngặt, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Mô hình đã giúp người nông dân thay đổi cách làm nông nghiệp đơn thuần để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng mà không tốn quá nhiều công sức trong thời đại nông nghiệp 4.0 này. Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn giúp người trồng rau trên địa bàn nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn để cung ứng ra thị trường”-ông Ksor Tư cho biết thêm.
Phan Thương - Phương Lộc

Có thể bạn quan tâm

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.