Nguyễn Tấn Công: Cháy hết mình với đam mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gọi anh là doanh nhân cũng đúng mà nông dân, nghệ nhân cũng chẳng sai, bởi ở vai trò nào Nguyễn Tấn Công cũng khẳng định được mình bằng những dấu ấn cụ thể. Không chỉ là thợ làm bánh xuất sắc hay ông chủ của chuỗi cửa hàng bánh mì Đại Phú, anh Công còn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Điều hành Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai.

Tiếp xúc với Nguyễn Tấn Công, cảm giác như anh có chút gì đó hơi ngông và luôn xem mọi việc “nhẹ như lông hồng”. Nhưng trò chuyện rồi mới thấy, khát khao khẳng định mình của chàng trai sinh năm 1975 này dường như không bao giờ tắt.

 

Anh Công (người thứ 2 từ phải sang) mong muốn sẽ nhân rộng mô hình tiêu hữu cơ đến các hộ nông dân khác.                                              Ảnh: L.L
Anh Công (người thứ 2 từ phải sang) mong muốn sẽ nhân rộng mô hình tiêu hữu cơ đến các hộ nông dân khác. Ảnh: L.L

Từ ông chủ tiệm bánh

Tốt nghiệp chuyên ngành Marketing (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), năm 2002, anh Công xin vào làm việc tại Tập đoàn Interflour-một tập đoàn sản xuất, chế biến thực phẩm lớn của nước ngoài. Dù công việc chính là marketing nhưng những chiếc bánh ngọt cứ làm anh mê mẩn. Rồi như có lực hút vô hình, hễ có thời gian rảnh anh lại lân la xuống xưởng làm bánh tìm hiểu, học hỏi… Sự đam mê cộng với khả năng học hỏi nhanh của anh đã khiến Ban lãnh đạo Tập đoàn đưa ra một quyết định bất ngờ, đó là cử anh đi học làm bánh tại Trường UFM Baking & Cooking School (Thái Lan) để trở thành một thợ bánh chuyên nghiệp.

Công việc của một thợ làm bánh đã cho Công những trải nghiệm mới mẻ và anh bắt đầu “nuôi ước mơ” xây dựng chuỗi cửa hàng bánh của riêng mình. Vừa làm, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, đến năm 2007, Nguyễn Tấn Công quyết định rời Tập đoàn và cùng với một vài người bạn xây dựng cơ sở làm bánh với thương hiệu Vietcake tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). “Vạn sự khởi đầu nan”, dù đã có tiệm bánh riêng, song Công và những cộng sự của mình lại phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, sản phẩm chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng… Thậm chí, những ngày đầu, ngay cả tiền điện cửa hàng cũng không trả nổi! Không nản chí, Công miệt mài ngày đêm nghiên cứu để tìm cho ra công thức làm bánh phù hợp, tuy nhiên cũng phải mất đến 6 tháng sau thì những chiếc bánh của cửa hàng mới tạo được “cơn sốt” với người tiêu dùng. “Từ một tiệm bánh nhỏ chỉ 4 người làm, sau 6 tháng tăng lên 20 người làm, vậy mà bánh làm ra vẫn không kịp bán, nhất là loại bánh mì đặc ruột được ủ men theo công thức riêng của mình, càng ăn càng thấy ngon”-anh Công tự hào chia sẻ.

Khi tiệm bánh đi vào hoạt động ổn định, Công lại nghĩ đến việc trở về quê nhà và phát triển thương hiệu bánh tại đây. Năm 2010, anh cùng một số người thân trong gia đình mở 2 cửa hàng bánh mì mang thương hiệu Đại Phú tại TP. Pleiku. Đến nay, anh đã trở thành ông chủ của một chuỗi 5 cửa hàng bánh mì Đại Phú tại TP. Pleiku, xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) và TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Đến giám đốc hợp tác xã nông nghiệp

Dường như niềm đam mê khám phá cái mới, chấp nhận đối đầu với thử thách đã trở thành một phần cuộc sống của anh Nguyễn Tấn Công. Khi thương hiệu bánh mì Đại Phú đã khẳng định được chỗ đứng trên thương trường, anh bất ngờ chuyển hướng sang “làm nông dân”. Mà là một nông dân công nghệ cao, nói tiếng Anh khá chuẩn, ngày ngày ra rẫy, tối về lại lướt internet tìm hiểu thị trường.

Đặc biệt, Công không trồng hồ tiêu, cà phê theo lối truyền thống như nhiều nông dân khác mà anh chọn con đường hướng đến nông nghiệp hữu cơ bền vững, đồng thời vận động người dân trong xã cùng tham gia. “Tôi muốn xây dựng không chỉ thương hiệu hồ tiêu hữu cơ mà còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác để có thể xuất khẩu đi nước ngoài, đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Tuy nhiên, khi thuyết phục bà con cùng tham gia thì đa phần đều… bán tín bán nghi, dù ai cũng biết lợi ích của việc trồng hồ tiêu hữu cơ”-anh Công tâm sự.

Để thuyết phục bà con, ban đầu, Công cải tạo 1.000 trụ hồ tiêu rồi lên 12.000 trụ. Thấy rõ quyết tâm của Công cùng những hiệu quả bước đầu, một số hộ dân đã bắt đầu làm theo. Năm 2017, anh Công đã vận động một số bà con nông dân trong xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. Hiện Hợp tác xã có 15 hộ tham gia với diện tích khoảng 30 ha. “Bước đầu, Hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Lệ Chí và đã đăng ký bảo hộ. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ xây dựng cánh đồng mẫu lớn với 40 ha cà phê”-anh Công cho biết.

Nói về vấn đề tìm đầu ra cho thương hiệu hồ tiêu Lệ Chí, anh Công nhấn mạnh: “Hiện chúng tôi đang hợp tác với Công ty TNHH Hồ tiêu Việt-là Công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng gia vị chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (Organic) và xuất khẩu đi các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật… Vừa qua, Công ty TNHH Hồ tiêu Việt cũng đã đưa các chuyên gia đến tận vườn để hướng dẫn kỹ thuật trồng hồ tiêu hữu cơ, đồng thời lấy mẫu hồ tiêu gửi đi Hà Lan và các trung tâm kiểm định uy tín để kiểm tra chất lượng”-anh Công chia sẻ.

Sau nhiều tháng chờ đợi, kết quả, 2 ha hồ tiêu của gia đình anh đã đạt chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu, gồm chứng nhận USDA (chứng nhận Canh tác hữu cơ, Chế biến hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) và EU Organic (chứng nhận hữu cơ của châu Âu). Cách đây vài ngày (19-4-2018), ông Anthony Verdugo-Giám đốc Điều hành của Công ty Aroha Sourcing (Pháp) chuyên về gia vị đã đến thăm, khảo sát trang trại hồ tiêu của anh Công và đánh giá cao phương pháp trồng cũng như chất lượng hồ tiêu. “Chúng tôi rất tin tưởng vào chất lượng và cách làm hữu cơ của trang trại. Đây là sản phẩm mà chúng tôi đang muốn nhập về”-ông Anthony Verdugo hào hứng cho biết.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Rah Lan H’Nhum: “Cán bộ giỏi-phong trào mạnh”

Rah Lan H’Nhum: “Cán bộ giỏi-phong trào mạnh”

(GLO)- Chị Rah Lan H’Nhum-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được mọi người biết đến bởi sự gắn bó, hết lòng với công tác Hội. Chị là gương sáng về “cán bộ giỏi-phong trào mạnh” và là điểm tựa vững chắc của phụ nữ ở địa phương.

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.
Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Người trẻ trở về

Người trẻ trở về

(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.
Hành trang sau khi rời quân ngũ

Hành trang sau khi rời quân ngũ

(GLO)- Những ngày cận Tết, toàn tỉnh Gia Lai có hàng ngàn chiến sĩ trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chia tay đơn vị, nơi từng gắn bó trong suốt 2 năm với bao kỷ niệm khiến mỗi chiến sĩ không khỏi bịn rịn, lưu luyến.
Thu nhập khấm khá nhờ nuôi dúi

Thu nhập khấm khá nhờ nuôi dúi

Anh Phùng Ngọc Thuật (30 tuổi), ngụ xã Lai Đồng, H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, quyết định rời TP.HCM về quê nuôi dúi và đã bước đầu thành công khi mỗi tháng thu được 40-50 triệu đồng.