Stress vì nhóm chat

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber, Instagram... ra đời kéo theo sự phát triển của các nhóm chat (trao đổi, tán gẫu) để phục vụ công việc, giải trí. Tuy nhiên, chat nhóm đang dần trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người, gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc cũng như đời sống cá nhân.
Có lần, gần 11 giờ đêm, sau khi tạm xong mọi công việc trong ngày, chị Hoàng Thu Loan (tổ 1, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) ngả lưng xuống giường, đang thiu thiu ngủ thì điện thoại báo có tin nhắn. Lo lỡ có việc gấp liên quan đến công việc, chị Loan mở điện thoại xem. Thì ra, đó là tin nhắn trong nhóm lớp của con: “Cô giáo ơi, cháu Thanh mới tiêm 1 mũi”. Đây là tin nhắn phụ huynh trả lời khi cô chủ nhiệm hỏi các bạn trong lớp về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 hồi sáng.
Tương tự, đang phải “chạy deadline” cho công việc mà chiếc điện thoại bên cạnh cứ sáng đèn và “ting ting” liên tục từ các nhóm chat, anh Đỗ Lê Yên (tổ 6, phường Hội Thương, TP. Pleiku) tắt luôn âm báo và cho điện thoại vào túi áo khoác. Sau khi hoàn thành công việc, lấy điện thoại ra, anh thấy 3 cuộc gọi nhỡ của sếp. Anh vội vàng gọi lại và tất nhiên là phải “chịu trận” vì không nghe điện thoại dẫn đến lỡ việc cơ quan. 
Trên thực tế, chị Loan hay anh Yên không phải là trường hợp cá biệt khi suốt ngày bị quấy rầy bởi các tin nhắn không liên quan đến mình từ các nhóm chat. Chị Loan chia sẻ, riêng Zalo, chị có gần 15 nhóm chat, từ công việc, đồng nghiệp, bạn bè đến nhóm gia đình, nhóm phụ huynh lớp của con; đó là chưa kể đến nhóm làm đẹp, nhóm giữ lửa gia đình, nhóm mua-bán đồ ăn vặt... Vì có quá nhiều nhóm chat nên có một khoảng thời gian ngắn, chị muốn stress vì tin nhắn báo liên tục, mà toàn là tin nhắn vô thưởng vô phạt, không liên quan đến mình.
Nên rời khỏi những nhóm chat không cần thiết. Ảnh: Nguyên Võ
Nên rời khỏi những nhóm chat không cần thiết. Ảnh: Nguyên Võ
Là trưởng phòng, anh Lê Văn Tình cũng đã phải quán triệt sẽ hạ bậc thi đua đối với nhân viên “chat chít” trong giờ làm việc. “Phòng tôi quản lý có nhiều nữ, mà phụ nữ thì ngoài công việc, họ còn quan tâm nhiều thứ khác. Có lần, tôi đứng ngoài cửa nhìn vào, thấy có người suốt 15 phút cứ cầm điện thoại bấm bấm rồi cười tủm tỉm, không để ý gì đến xung quanh. Sau khi quán triệt xếp loại thi đua thì tình trạng này đã không còn, công việc cũng trôi chảy hơn, các bạn cũng đã có ý thức, tập trung hơn”-anh Tình chia sẻ.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt, hiệu quả công việc mà việc “loạn” nhóm chat cũng gây ra những chuyện dở khóc dở cười. Chị Nguyễn Tú Hân (tổ 3, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) kể: “Hôm đó, một đồng nghiệp trong phòng bị sếp mắng oan, các chị em trong phòng định an ủi, chia sẻ với nhau, cũng có “nói xấu” sếp xíu, ai dè gửi nhầm tin nhắn vào nhóm có lãnh đạo cơ quan”. 
Theo số liệu thống kê của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội), tính tới tháng 7-2022, tại Việt Nam có khoảng 76 triệu người dùng Facebook. Trong số đó, có khoảng 54 triệu người thường xuyên dùng ứng dụng chat, đứng thứ 5 thế giới sau các nước: Ấn Độ, Brazil, Mexico và Philippines. Viber cũng là ứng dụng nhắn tin được đông đảo người Việt Nam sử dụng với khoảng 30 triệu người dùng. Không thể phủ nhận, việc sử dụng công cụ chat nhóm để trao đổi công việc đã mang lại nhiều lợi ích, như tiết kiệm chi phí, tương tác giữa các thành viên nhanh hơn, kịp thời hơn. Song theo đó, chat nhóm cũng đem đến nhiều phiền toái, đặc biệt là dần xóa nhòa ranh giới ngày-đêm; thời gian làm việc-nghỉ ngơi; công việc-riêng tư; nhiều khi gây ức chế, căng thẳng vì phải liên tục nghe âm báo tin nhắn. 
“Sau một thời gian thì tôi cũng rút ra được kinh nghiệm cho mình để vừa đảm bảo hiệu quả công việc, vừa không bị các tin nhắn từ hàng chục nhóm chat gửi tới làm phiền suốt ngày đêm, đó là tắt âm báo tin nhắn của những nhóm chat không quan trọng. Những nhóm nào không cần thiết thì dứt khoát rời nhóm. Chúng ta không thể không sử dụng chat nhóm, nhưng cần sử dụng một cách có kiểm soát, không để bị thao túng, nhất là đừng để mình mắc hội chứng “FOMO-Fear of missing out” (hội chứng sợ bỏ lỡ), nghĩa là suốt ngày khư khư điện thoại, không dám tắt thông báo hay rời nhóm”-anh Đỗ Lê Yên chia sẻ.
KHANG NGHI

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tặng bằng khen cho em Nguyễn Quốc Nhật Minh

Tỉnh Đoàn Gia Lai tặng bằng khen cho em Nguyễn Quốc Nhật Minh

(GLO)- Chiều 8-4, tại lễ chào cờ của Trường THPT chuyên Hùng Vương, Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ tuyên dương em Nguyễn Quốc Nhật Minh (lớp 11C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) vì có thành tích xuất sắc tại vòng thi quý II cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.