Tôn trọng cảm xúc con trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Vì vậy, hãy trân trọng cảm xúc con trẻ để chúng được là chính mình, đừng so sánh với ai khác.
1. Kết thúc kỳ thi cuối học kỳ I, con gái đầu của chị tôi hớn hở gọi điện thoại khoe với ông bà ngoại: Các môn học đều đạt điểm giỏi. Cháu còn được giải khuyến khích môn Tiếng Anh trong cuộc thi toàn trường. Ông bà ngoại nghe thế liền động viên, tán thưởng và tất nhiên kèm theo lời hứa: “Khi nào ba mẹ chở 2 chị em về chơi, ông bà sẽ có thưởng”. Những tưởng cô bé sẽ reo vui phấn khởi và đề xuất ngay món quà mà mình mong mỏi như bao lần trước đó nhưng giọng cháu chùng xuống, rồi lí nhí: “Cháu không thích quà gì hết. Cháu chỉ muốn ba mẹ cho cháu xuống làm em thôi, cháu không thích làm chị hai nữa. Ông bà nói ba mẹ đổi cho cháu xuống làm em được không?”.
Đề nghị của cháu gái khiến bố mẹ tôi không khỏi bất ngờ. Sau một hồi thuyết phục, cô bé 9 tuổi cũng nói ra lý do mình không thích làm chị hai của cậu em 6 tuổi là vì lúc nào ba mẹ cũng bắt phải nhường em. Cô bé bảo rằng: “Em làm vỡ ly nhưng ba mẹ bắt cả hai phải úp mặt vào tường. Đồ của cháu ba mẹ bắt cho em cùng chơi nhưng đồ của em cháu đụng vào em khóc là bị ba mẹ quát… Lúc nào cháu cũng phải nhường em hết, làm chị đâu có gì vui!”.
Hẳn nhiên sau cuộc đối thoại ấy là một cuộc điện thoại khác giữa bố mẹ tôi và chị gái. Bố mẹ tôi nhắc nhở chị gái cần dành thời gian quan tâm đến con gái, yêu thương chăm sóc con cẩn thận. Bố bảo, con trẻ dù có lanh lợi, thông minh đến đâu thì về cơ bản, nhận thức của chúng vẫn non nớt. Chúng luôn lo sợ ba mẹ không yêu thương mình hoặc yêu thương mình ít hơn một ai đó, dù là anh chị em trong nhà. Vẫn biết, yêu-ghét là cảm xúc tự nhiên và rất khó để kiểm soát việc yêu thương ai đó nhiều hay ít hơn. Tuy nhiên, trong vai trò người làm cha mẹ, mỗi người phải lưu ý điều này để tránh thương tổn tâm lý, cảm xúc của trẻ. Đặc biệt là để con trẻ cảm nhận đầy đủ tình yêu thương trong suốt quá trình trưởng thành.
2. Mấy hôm nay, các chị trong khu tôi ở mỗi khi gặp nhau đều hỏi: A. thi xong chưa? B. còn mấy môn? C. được điểm cao không?... Và câu chuyện về con cái luôn là chủ đề các chị có thể thao thao từ sáng đến trưa. Chỉ có điều, chuyện không dừng lại ở việc quan tâm, thăm hỏi. Thay vào đó, nhiều phụ huynh đã lấy thành tích của “con nhà người ta” làm áp lực với chính con cái mình. Nào là “con nhà người ta” học giỏi đều các môn, “con nhà người ta” đạt giải nọ, giải kia… Có lẽ các bậc phụ huynh chỉ muốn kích thích con trẻ nỗ lực, cố gắng hơn nữa vì “thua thầy 1 vạn, không bằng thua bạn 1 li”. Tuy nhiên, việc so sánh chưa khi nào là biện pháp hữu hiệu bởi với nhận thức chưa đầy đủ, con trẻ nghĩ rằng mình kém cỏi, lâu dần tự ti, mặc cảm, thậm chí ghen ghét, đố kỵ, xa lánh bạn bè, nhất là người bạn mà mình luôn bị đem ra để so sánh.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Chúng không giống nhau dù được cùng cha mẹ sinh ra. Chúng có tâm lý, cảm xúc và sự phát triển khác nhau. Vì vậy, hãy trân trọng cảm xúc con trẻ để chúng được là chính mình, đừng so sánh với ai khác.
AN NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.