Sống tích cực giữa đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm kể từ khi dịch Covid-19 ập đến làm đảo lộn mọi mặt cuộc sống, giờ đây, mỗi người dân đều dần thích ứng linh hoạt, phù hợp và có những thay đổi tích cực trong lối sống. 
1. Trước khi xuất hiện dịch Covid-19, gia đình anh bạn tôi không mấy khi ở nhà. Thức dậy, cả gia đình lên xe đi ăn sáng. Sau khi đưa con đến trường, vì làm việc tự do nên vợ chồng chọn 1 quán cà phê nào đó, vừa gặp gỡ bạn bè, vừa làm việc. Trưa đến, cả hai chở nhau đi ăn tiệm. Chiều muộn, anh chồng hẹn bạn bè đi lai rai vài ly, chị vợ cũng đưa sắp nhỏ đi ăn uống bên ngoài. Cả tuần, ngôi nhà đóng cửa im ỉm từ sáng sớm đến tối mịt mới thấp thoáng bóng người. 
Thế nhưng, khi dịch Covid-19 xảy ra, như bao gia đình khác, gia đình bạn tôi cũng “vào guồng”. Mỗi sáng, từ thực phẩm dự trữ sẵn trong tủ lạnh, người vợ dậy sớm chuẩn bị bữa điểm tâm cho cả nhà, sẵn tiện rã đông thức ăn cho bữa trưa. Một chiếc bàn nhỏ xinh được đặt ngay góc sân để cả hai cùng ngồi thưởng thức ly cà phê tự pha và làm việc tại nhà. Để tăng cường sức khỏe, anh chị cũng mua thêm chiếc máy chạy bộ, hình thành thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Qua vài tháng “ở ẩn”, cả hai thú nhận, sinh hoạt đã thành nếp. Bây giờ, cả nhà đều không còn thói quen đi ăn uống ngoài hàng quán nữa mà thích ở nhà vào bếp nấu nướng, các thành viên thêm gần gũi, gắn kết. Việc tập thể dục cũng giúp mọi người thêm mạnh khỏe, tâm trạng thoải mái hơn mỗi ngày. Nếp sống ấy được gia đình anh chị duy trì đều đặn cho đến bây giờ, khi mà mọi người đang trở lại với trạng thái “bình thường mới”. Ngôi nhà có hơi người, đầm ấm hơn. 
2. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến mỗi người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Bạn bè quanh tôi hầu như ai cũng tìm cho mình một môn thể dục, thể thao để tập luyện, từ gym, yoga đến chạy bộ, đạp xe, đá bóng… Không những thế, chỉ cần hục hặc ho, sổ mũi hay nhức đầu, hầu hết đều đi khám bệnh thay vì tự ra tiệm mua thuốc về uống như trước đây. Ý thức quan sát, kiểm tra và bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình được đặt lên trên hết. Phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” được người người, nhà nhà nghiêm túc thực hiện. Trước đây, ba tôi hầu như không bao giờ đeo khẩu trang dù trời có nắng nóng hay gió bụi đến đâu. Cảm giác bị gò bó, khó thở trong hoạt động khiến ông gần như “bài xích” khẩu trang. Thế nhưng, vì Covid-19, từ bị ép buộc (nếu không đeo bị phạt tiền), ba dần làm quen với “người bạn mới” trên khuôn mặt. Thậm chí, mỗi lần nhận hàng chuyển phát nhanh, chỉ đi từ trong nhà ra cổng, ông cũng với theo 1 chiếc khẩu trang mới yên tâm.
Trải qua 4 đợt dịch Covid-19 với diễn biến ngày càng phức tạp, chúng ta đang dần học được cách chấp nhận, sống chung với dịch bệnh một cách bình tĩnh, khoa học. Không còn cảm giác hoang mang, lo sợ khi nghe trong nước có một vài ca F0 hay vô tình trở thành F1 khi có mặt ở điểm dịch tễ liên quan, mọi người đều có cách ứng xử phù hợp hơn. Các cấp, các ngành cũng linh hoạt trong hướng dẫn các biện pháp phòng-chống dịch, cách ứng xử với tình huống dịch bệnh để người dân yên tâm lao động sản xuất và học tập. Tốc độ bao phủ vắc xin nhanh chóng cũng khiến bà con yên tâm hơn mỗi khi có thông tin thêm ca mắc trong ngày. Hơn hết, mọi người chọn cách sống lạc quan, thay đổi một cách tích cực để thích ứng trước tình hình dịch bệnh có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài. 
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.