Triệu phú 8X trên vùng biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tốt nghiệp đại học, rồi học thêm Trung cấp Thanh vận, Trung cấp Chính trị, từng 5 năm làm Phó Bí thư Đoàn thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) nhưng anh Trần Minh Viết (SN 1985, trú tại tổ 3, thị trấn Chư Ty) đã chọn một lối rẽ khác trong hành trình khởi nghiệp, trở thành một triệu phú trên miền biên giới với thu nhập 400-500 triệu đồng mỗi năm.
Theo giới thiệu cán bộ huyện Đức Cơ, chúng tôi tìm đến làng Chan (xã Ia Pnôn) để gặp anh Trần Minh Viết. Men theo con đường nhỏ chạy dọc từng lô cao su của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15), trước mắt chúng tôi là một trang trại kinh tế tổng hợp gồm: cà phê, cây ăn quả, hồ cá và trang trại nuôi gà.
Anh Viết kể: “Tôi theo bố mẹ từ tỉnh Nam Định vào huyện Phú Thiện lập nghiệp từ năm 1997. Đến năm 2009, gia đình chuyển lên sinh sống tại Đức Cơ. Do có năng khiếu hoạt động Đoàn và tốt nghiệp đại học nên tôi được cử làm Bí thư chi đoàn tổ dân phố, rồi tiếp tục đi học Trung cấp Thanh vận và Trung cấp Chính trị và làm Phó Bí thư Đoàn thị trấn Chư Ty. Sau đó, vì việc riêng gia đình, tôi viết đơn xin nghỉ việc”.
Anh Trần Minh Viết chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: V.H
Anh Trần Minh Viết chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: V.H
Sau khi rời nhiệm sở, anh Viết tập trung phát triển kinh tế gia đình, bắt đầu từ việc trông cây cà phê. Tuy nhiên, anh Viết cho rằng, cây cà phê có giá trị kinh tế cao nhưng cũng không thể độc canh loại cây này. Vì vậy, anh bắt đầu thực hiện đa canh trên cùng một diện tích gồm: trồng cà phê, chăn nuôi gà và nuôi cá. Anh gom góp số tiền gia đình đang có rồi vay thêm ngân hàng, bạn bè để trồng xen các loại cây trong vườn cà phê với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Trải qua 5 năm với bao vất vả, giờ đây, anh đã có một trang trại kinh tế tổng hợp được nhiều người dân trên địa bàn huyện Đức Cơ biết đến. “Với 3 ha cà phê và gần 1 ha điều, do lợi thế ở xa khu dân cư nên tôi quyết định mở rộng trang trại chăn nuôi gà bán công nghiệp. Hiện nay, trại gà của tôi có diện tích gần 500 m2, luôn có gần 2.000 con gà thịt và gà sinh sản, mỗi năm xuất 3-4 lứa”-anh Viết cho hay.
Theo anh Viết, nuôi gà trang trại bán công nghiệp điều quan trọng là phải biết chăm sóc và phòng bệnh, ngoài việc tiêm phòng vắc xin định kỳ còn phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bổ sung thêm thức ăn cho đàn gà. Do nuôi bán công nghiệp nên chất lượng và giá bán luôn cao hơn so với những hộ gia đình nuôi công nghiệp. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh thu về 200-250 triệu đồng.
Bênh cạnh việc nuôi gà, anh Viết còn đầu tư chăm sóc hơn 3 ha cà phê và điều. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, anh đã đầu tư hệ thống tưới tự động và tưới nhỏ giọt. Ngoài ra, anh còn trồng xen hơn 600 cây ăn quả vào vườn cà phê. Anh cho biết: “Tôi phá bỏ những cây cà phê già cỗi để trồng xen cây ăn quả, sử dụng phân bón từ trang trại gà nên vườn cây phát triển rất tốt. Hiện nay, nguồn thu nhập từ cà phê, điều và cây ăn quả đạt khoảng 100-200 triệu đồng/năm”.Với nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu, cuối năm 2019, anh Trần Minh Viết là một trong 2 đoàn viên, thanh niên ở Đức Cơ được Tỉnh Đoàn tuyên dương trong phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”

Điều đáng mừng là dù không còn tham gia công tác Đoàn nhưng anh Viết vẫn luôn tham gia các hoạt động thiện nguyện. Hiện nay, anh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” của huyện Đức Cơ. Hàng năm, Câu lạc bộ tổ chức 4-5 chương trình thiện nguyện, trong đó có nhiều chương trình được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận như: “Chiến dịch hoa phượng đỏ”, “Áo ấm mùa đông”, “Bữa cháo nghĩa tình”. Mỗi năm Câu lạc bộ đã huy động hàng chục triệu đồng, hàng ngàn bộ quần áo, sách vở, vật dụng sinh hoạt để tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức sinh hoạt hè, dọn vệ sinh, nấu cháo tặng người nghèo.

Anh Lê Trọng Phúc-Bí thư Huyện Đoàn Đức Cơ: “Anh Trần Minh Viết là một người làm kinh tế giỏi, một gương sáng về khởi nghiệp mà đoàn viên, thanh niên cần học tập. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Thắp sáng niền tin”, anh đã cùng các thành viên tổ chức nhiều hoạt động để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn, người tàn tật... Những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy công tác Đoàn và phong trào thanh niên của huyện ngày càng phát triển”.

VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.