Thầy giáo mỹ thuật nghỉ việc vì quá mê mô hình: 'Nhiều lúc nhớ lũ trẻ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tô Quốc Nghi trở thành giáo viên theo định hướng của ba mẹ, tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau khi anh có quyết định táo bạo: trở thành nhà sưu tập mô hình.
Quyết định nghỉ dạy học, anh chứng minh cho gia đình thấy việc yêu thích các mô hình không chỉ là một thú chơi mà nó còn là một nghề nghiệp nghiêm túc để anh theo đuổi/ Lê Nam
Quyết định nghỉ dạy học, anh chứng minh cho gia đình thấy việc yêu thích các mô hình không chỉ là một thú chơi mà nó còn là một nghề nghiệp nghiêm túc để anh theo đuổi/ Lê Nam
Tô Quốc Nghi, 31 tuổi, được mọi người biết đến với vai trò là một nhà sưu tập mô hình đồ chơi với số lượng thuộc “hàng khủng” tại Sài Gòn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, anh từng là một thầy giáo đứng trên bục giảng, ngày ngày dạy dỗ, uốn nắn từng nét vẽ cho các em nhỏ.
Hành trình trở thành nhà sưu tập
Nói về thú chơi sưu tập mô hình, anh nói sở thích này đã có từ khi còn rất nhỏ. “Ai cũng thích Doreamon, rồi Năm anh em siêu nhân. Nghi nhớ năm mình 1, 2 tuổi đã mê siêu nhân lắm rồi. Những năm 2006-2007, Việt Nam ít người chơi mô hình lắm, mình đi khắp các chợ trong thành phố đều không kiếm được mấy, phải lân la các trang mạng nước ngoài để đặt mua về”, anh nhớ lại.
Tự nhận mình là người có sẵn máu sưu tập mô hình trong người, nhưng ngày nhỏ chỉ biết gọi nó là đồ chơi. Anh nói ở Việt Nam vẫn còn tồn tại quan niệm hơi cổ hủ là chỉ có con nít mới chơi đồ chơi. “Nhiều anh lớn hơn Nghi cũng chơi, thậm chí là các chú các bác, những người lớn tuổi hơn nữa cũng chơi. Nghĩ đơn giản, sưu tập mô hình cũng giống như việc sưu tập tem hay tiền xu. Những mô hình này giống như một món quà quý giá mà ngày còn nhỏ ao ước không có được”, anh Nghi lý giải.
Tô Quốc Nghi là một trong những nhà sưu tập có bộ sưu tập mô hình
Tô Quốc Nghi là một trong những nhà sưu tập có bộ sưu tập mô hình "khủng" nhất Sài Gòn/ Lê Nam
Tuy nhiên, từ sở thích đến nhà sưu tập mô hình là cả một hành trình khẳng định. Anh nhớ như in những ngày đầu phải lặn lội kiếm từng mô hình từ nước ngoài để về ngắm nghía, sau đó xây dựng hội nhóm và tự tổ chức các sự kiện quy mô nhỏ để mọi người biết đến thú chơi này nhiều hơn.
“Cả người bán lẫn nguồn hàng đều ít. Các công ty nước ngoài sản xuất cũng hạn chế chứ không nhiều như bây giờ. Mình nhớ ngày trước dòng siêu nhân của Nhật Bản có tên gọi là Kamen Rider hoặc Super Sentai thường rất hiếm, và mỗi khi mua được các mô hình này là vài chục anh em trong hội lại tập hợp để ngồi chiêm ngưỡng, so sánh hay bình luận về vẻ đẹp của nó”, anh cười.
Anh có hàng chục, thậm chí hàng trăm bộ sưu tập khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là dòng siêu anh hùng. Còn lại, miễn nó đẹp và có giá trị riêng, anh đều cố gắng mua về.
Từng làm nghề gõ đầu trẻ
Đam mê mô hình nhưng chưa bao giờ anh nghĩ nó là một nghề. Bố là cán bộ trong ngành GTVT, mẹ là cựu giáo viên Trường THCS Trưng Vương, toàn bộ kỳ vọng của gia đình đều hướng vào cậu con trai duy nhất. Anh kỳ vọng sẽ nối nghiệp gia đình và trở thành một nhà giáo. Sau khi tốt nghiệp Khoa sư phạm mỹ thuật, Trường ĐH Sài Gòn, anh trở thành thầy giáo của một trường tiểu học trong thành phố.
Những ngày đứng lớp, anh nhớ như in nét mặt ngây thơ, dễ thương của tụi học trò. “Dạy học cấp 1 nhàn hơn cấp 2, cấp 3 nhưng thỉnh thoảng tụi học sinh cũng quậy phá dữ lắm”, anh kể tiếp: “Lúc còn công tác tại trường, mình cũng được các thầy cô trong trường yêu thương, tạo điều kiện để đứng lớp. Các thầy cô còn cho mình chủ động sắp xếp giờ dạy rất linh hoạt…”. Anh kể mức lương lúc đó từ 3-6 triệu đồng, so với bạn bè đồng niên, đây là một công việc đáng mong ước. Vừa dạy học vừa sưu tầm mô hình, có nhiều đêm soạn bài, tâm trí vẫn nghĩ đến những mô hình còn chưa tìm được. “Dạy học được khoảng 3 năm thì Nghi xin nghỉ để tập trung cho niềm đam mê sưu tập mô hình”.
Trước khi trở thành nhà sưu tập mô hình, Nghi là giáo viên tiểu học. Anh cũng từng tham gia nhiều lớp viết kịch bản để phát triển các dự án cá nhân/ NVCC
Trước khi trở thành nhà sưu tập mô hình, Nghi là giáo viên tiểu học. Anh cũng từng tham gia nhiều lớp viết kịch bản để phát triển các dự án cá nhân/ NVCC
Trước quyết định táo bạo của con trai, gia đình không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên, anh cảm thấy may mắn vì bố mẹ không cấm cản khi anh bảy tỏ nguyện vọng. “Nghi cảm thấy may mắn khi bố mẹ mình khá cởi mở, miễn là nó không xấu thì họ sẽ ủng hộ”, anh nói.
Đến thời điểm hiện tại, anh vẫn không hối hận vì từng trở thành nhà giáo theo định hướng của bố mẹ. “Nhiều khi cũng nhớ trường, nhớ lớp. Việc học mỹ thuật cũng bổ trợ cho mình nhiều về mặt thẩm mỹ, giúp mình có thể đánh giá được mẫu nào đẹp, mẫu nào chưa đẹp trong công việc sưu tập của mình”.
Khởi nghiệp với 5 triệu đồng
Từ nhu cầu tạo ra sân chơi cho cộng đồng yêu mô hình, anh có ý tưởng mở một quán cà phê kết hợp kinh doanh mô hình với các sản phẩm độc lạ mà mình sưu tập được. Vay mẹ 5 triệu đồng để làm vốn, anh tích góp tiền chi tiêu mỗi ngày để mở ra “shop mô hình” đầu tiên với quy mô 2 tầng ở đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM. Hiện nay, cửa hàng chuyển ra đường Hòa Hảo, Q.10 với quy mô 5 tầng, mỗi tầng là một không gian riêng biệt khác nhau.
“Lúc bắt đầu mình làm tất cả các khâu từ bán hàng, tư vấn cho đến quản lý. Mỗi ngày đều làm từ 14-16 tiếng trong vài năm trời như vậy. Khi có lượng khách ổn định, mình mới kêu gọi anh em vào làm phụ cùng”.
Hiện anh có 10 nhân viên và cộng sự, với tinh thần làm việc như một gia đình/ Lê Nam
Hiện anh có 10 nhân viên và cộng sự, với tinh thần làm việc như một gia đình/ Lê Nam
“Hồi trước anh em cứ đi kiếm một chỗ ngồi để họp hành, giao lưu những mô hình thường phải tìm đến những quán cà phê. Người ta nhìn hơi kỳ, mọi người hay nói 'lớn đầu rồi còn chơi đồ chơi', vì thế Nghi muốn làm quán cà phê riêng để anh em vào ngồi cùng trao đổi sẽ dễ dàng hơn”, anh nói về ý tưởng của dự án. 
Hiện nay, mỗi tháng thu nhập của anh cao gấp nhiều lần so với công việc cũ. Bố mẹ cũng yên tâm vì ngoài việc tự lập, anh còn hỗ trợ phần lớn kinh tế gia đình. “Bố mẹ đã nghỉ hưu nhưng chi tiêu bây giờ không phải suy nghĩ, một năm mình có thể đưa bố mẹ đi du lịch vài lần”, Nghi chia sẻ. Dự định tương lai, cựu thầy giáo mỹ thuật ấp ủ muốn làm một bộ phim thể loại giả tưởng có chủ đề siêu anh hùng, lấy cảm hứng từ các vị tướng tài ba của lịch sử Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Theo Lê Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.