Phạm Văn Dương Lao động giỏi toàn quân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rời quê hương với 2 bàn tay trắng, anh Phạm Văn Dương vào làm công nhân tại Đội 12 (Công ty TNHH một thành viên 715, Binh đoàn 15) rồi “bén duyên” với xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai). Quyết tâm gắn bó với vùng đất biên cương và làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình, anh từng bước gầy dựng cuộc sống gia đình khá giả, các con học hành thành đạt. Đặc biệt, anh được công nhận là lao động giỏi toàn quân.
Trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, anh Dương mời chúng tôi những ly trà còn bốc khói, thơm phức, rồi chậm rãi kể: “Năm 1999, tôi rời quê hương Thái Bình vào đây lập nghiệp. Lúc đó, hạ tầng kinh tế-xã hội ở xã Ia O và điều kiện của Công ty 715 còn rất khó khăn. Thậm chí khi mẹ mất, tôi còn không đủ tiền về quê chịu tang”.
Được sự hỗ trợ, động viên của lãnh đạo Công ty, anh Dương quyết tâm gắn bó với vùng đất biên cương và làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình. Anh nhận khoán chăm sóc, khai thác 1,34 ha cà phê. Ngoài những kiến thức được tập huấn, hướng dẫn, anh thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Ia Grai; đặc tính, phương pháp, quy trình chăm sóc cây cà phê thông qua sách báo, ti vi và kinh nghiệm của các địa phương khác. Nhờ nắm rõ quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cà phê nên sản lượng vườn cây của anh vượt trội so với công nhân khác và người dân trong vùng, bình quân đạt 23 tấn/ha, có những năm lên đến 26 tấn/ha.
Những năm gần đây, do thời tiết diễn biến cực đoan nên người trồng cà phê, hồ tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Không nản chí, anh Dương đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về những giải pháp nâng cao chất lượng vườn cây. Ngoài việc chăm sóc, thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, anh còn mạnh dạn đầu tư thêm nhân công, vật tư, phân bón. Có những năm anh phải tưới nước đến 5 lần, lượng phân bón cũng tăng lên. Nhờ đó mà trong điều kiện không thuận lợi, vườn cà phê của anh vẫn cho năng suất trên 21 tấn/ha, đạt 160% kế hoạch giao khoán của Công ty.
Anh Phạm Văn Dương (phải)hướng dẫn công nhân kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. Ảnh: A.S
Anh Phạm Văn Dương (phải)hướng dẫn công nhân kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. Ảnh: A.S
Sáng tạo và cần mẫn trong lao động đã cho anh Dương những vụ mùa bội thu. Anh không chỉ mua đất làm nhà khang trang tại xã biên giới Ia O mà còn có đất ở TP. Pleiku và 1 ha cà phê, 500 trụ hồ tiêu. Đây là khoản thu nhập ngoài lương và tiền vượt sản lượng của gia đình anh. Khi chúng tôi hỏi điều gì tâm đắc nhất sau bao nhiêu năm gắn bó với xã biên giới Ia O, anh trả lời ngay: “Khi mới vào lập nghiệp, dù khó khăn nhưng tôi luôn xác định đây là quê hương thứ 2 của mình. Gia Lai là mảnh đất tốt cho những nông dân nuôi chí làm giàu. Cái chính là phải lao động chăm chỉ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc vườn cây”.  
Điều đáng quý là bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình, anh Dương đã tích cực chia sẻ, hướng dẫn cho các công nhân trong đơn vị và người dân trên địa bàn phát triển vườn cây để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhất là gia đình anh Ksor Dung (làng Mít Kom II)-gia đình thực hiện chương trình “Gắn kết hộ” thì xem anh Dương như người anh trong nhà từ 10 năm nay. Không chỉ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, 2 gia đình còn giúp nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Thượng tá Nguyễn Thế Bích-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 715-nhận xét: Anh Phạm Văn Dương là lao động giỏi của Công ty trong nhiều năm qua. Hơn 20 năm công tác, hầu như năm nào anh Dương cũng được lãnh đạo các cấp khen thưởng với 12 danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân, 2 bằng khen của Bộ Quốc phòng, 4 bằng khen của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15. Anh còn được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tuyên dương lao động giỏi trong đoàn viên Công đoàn, công nhân viên chức, lao động quốc phòng toàn quân giai đoạn 2012-2017.
ANH SƠN

Có thể bạn quan tâm