Nguyễn Thị Vân Thuận: Thành công với cà phê rang củi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm cà phê sạch, chất lượng cao, chị Nguyễn Thị Vân Thuận (SN 1981, thôn 4, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) đã mạnh dạn thực hiện mô hình cà phê rang củi thủ công theo quy trình khép kín. Qua hơn 4 năm thực hiện, mô hình sản xuất cà phê sạch của gia đình chị Thuận đã thành công với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Chị Thuận đang đóng gói cà phê giao cho khách. Ảnh: Phan Thương
Chị Thuận đang đóng gói cà phê giao cho khách. Ảnh: Phan Thương
Chị Nguyễn Thị Vân Thuận sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Ngãi, từng theo học chuyên ngành Kế toán của Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh). Năm 2008, chị lập gia đình và theo chồng về Gia Lai sinh sống. Nói về lựa chọn khởi nghiệp bằng cà phê rang xay, chị Thuận cho biết: Khi tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất cũng như được thưởng thức hương vị cà phê “cây nhà lá vườn” do gia đình nhà chồng làm ra, chị luôn đặt câu hỏi về nguồn gốc thực sự của những ly cà phê ở các hàng quán. Từ đó, mong muốn làm ra những ly cà phê sạch cho chính gia đình và bạn bè thưởng thức càng thôi thúc chị bắt tay vào sản xuất, chế biến cà phê. “Qua thời gian dài học hỏi và được sự hỗ trợ của gia đình, cuối năm 2016, tôi chính thức ra mắt sản phẩm cà phê rang củi mang tên Thuận Việt. Đây là loại cà phê được làm từ hạt cà phê nguyên chất (chủ yếu là Robusta) từ 5 ha của gia đình, được sản xuất theo quy trình khép kín từ việc trồng, thu hoạch, chế biến, rang bằng củi cà phê, xay và đóng gói thành phẩm”-chị Thuận chia sẻ.
Ban đầu, cà phê Thuận Việt vẫn còn là cái tên khá xa lạ trên thị trường nên chưa thể cạnh tranh với những thương hiệu khác. Mặt khác, thị hiếu của khách hàng thời điểm đó chủ yếu là cà phê trộn. Mỗi tháng, chị Thuận chỉ bán được tầm 5-10 kg cà phê nguyên chất. Không bỏ cuộc, chị tiếp tục kiên trì đi đến từng cửa hàng để giới thiệu, tư vấn. Dần dà, cà phê Thuận Việt bắt đầu được chấp nhận và tin dùng. Đặc biệt, với mô hình khởi nghiệp từ cà phê rang củi thủ công, chị Thuận đã trở thành một trong 2 phụ nữ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh lựa chọn tham dự Hội chợ “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp 2019” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại tỉnh Quảng Nam. Từ đó, cà phê Thuận Việt có mặt nhiều hơn tại các gian hàng, hội chợ trong và ngoài tỉnh. “Ngày nay, gu cà phê của khách hàng đã có nhiều thay đổi. Họ đã quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc cũng như cách chế biến cà phê nên đây là điều kiện thuận lợi giúp cà phê sạch đến gần hơn với người tiêu dùng. Hiện tại, mỗi năm cà phê Thuận Việt cung cấp hơn 2 tấn cà phê bột pha phin, 4 tấn cà phê ép cho các cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Cà phê bột và cà phê ép có giá dao động trong khoảng 55-120 ngàn đồng/kg”-chị Thuận cho hay.
Ngày nay, với nhiều loại máy móc hiện đại, mỗi cơ sở sản xuất có thể rang hàng trăm ký cà phê/mẻ. Biết rằng lựa chọn hình thức rang thủ công bằng củi sẽ rất vất vả bởi chỉ rang được tầm 5-7 kg cà phê/mẻ nhưng với chị Thuận, điều này sẽ giúp nhận biết hương vị cà phê Thuận Việt giữa muôn vàn loại cà phê khác trên thị trường. Theo chị, rang bằng củi tuy cực nhưng vô cùng thú vị. “Khi đứng rang cà phê, chúng ta sẽ cảm nhận đầy đủ hơn các công đoạn chuyển hóa của hạt cà phê. Trên hết, khi được rang bằng chính củi cây cà phê thì vị cà phê sẽ không bị lẫn mùi khói và thơm ngon hơn”-chị Thuận nhấn mạnh.
Chị Thuận tiết lộ thêm: Trong tương lai, chị dự định sẽ thu mua thêm cà phê đạt chất lượng của nông dân trong xã để mở rộng thị trường. Qua đó, phần nào thay đổi thói quen canh tác của người dân để tạo nên những hạt cà phê đảm bảo, giúp làm nên những ly cà phê chất lượng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Mộng Loan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Grai-cho biết: Sản xuất, chế biến cà phê không phải là ý tưởng khởi nghiệp mới trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, sản xuất cà phê sạch rang bằng củi thủ công của gia đình chị Thuận là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và ý nghĩa. Việc chế biến cà phê sạch của chị Thuận đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê chất lượng và thay đổi gu sử dụng cà phê lâu nay của người tiêu dùng. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích hội viên, phụ nữ thực hiện các mô hình khởi nghiệp. Đồng thời, chúng tôi cũng định hướng hội viên, phụ nữ dù khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp nào thì cũng cần truyền tải thông điệp tích cực về nông nghiệp sạch. Có như vậy thì sản phẩm mới xác định chỗ đứng vững chắc trên thị trường”-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Grai nói.
Phan Thương

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.