Phiên tòa giả định tại Trường THPT Nguyễn Huệ: Giáo dục pháp luật trực quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 21-5, Huyện Đoàn Đak Đoa (Gia Lai) phối hợp với Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, thu hút sự tham dự của hơn 300 học sinh, phụ huynh và người dân.
Trực quan, sinh động
Đứng trước vành móng ngựa là một thanh niên 19 tuổi run rẩy sợ hãi với cáo buộc về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Dù quanh co, chối tội nhưng với nhân chứng, vật chứng rõ ràng và lập luận sắc bén của Hội đồng xét xử, cuối cùng bị cáo đã phải cúi đầu nhận tội. Đó là diễn biến của phiên tòa giả định xét xử vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Huệ. Tuy chỉ là phiên tòa giả định nhưng chủ tọa phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa... đều là những cán bộ hàng ngày tham gia xét xử các vụ án trên địa bàn. Đặc biệt, phiên tòa có sự tham gia của học sinh, đoàn viên, thanh niên đóng vai bị cáo, người làm chứng.
  Quang cảnh phiên tòa giả định tại Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa). Ảnh: H.T
Quang cảnh phiên tòa giả định tại Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa). Ảnh: H.T
Ông Bùi Viết Minh Quân-Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Đak Đoa-cho biết: Phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên một vụ án có thật, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhờ chuẩn bị chu đáo, những nhân vật đã thể hiện thành công trong từng “vai diễn”, tái hiện lại phiên tòa một cách chân thật, sinh động. Cụ thể, ngày 9-10-2018, Tòa án nhân dân huyện Đak Đoa đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thế (SN 2001, làng Piơm, thị trấn Đak Đoa). Bị bạn bè dụ dỗ cho dùng thử ma túy rồi nghiện, sau đó Thế thường móc nối với đối tượng mua bán ma túy để mua bán và hút chích. Chiều 4-9-2018, bị cáo Thế mua 2 gói ma túy đá với giá 1 triệu đồng, sau đó lôi kéo thêm 2 người bạn hàng xóm dùng chung. Khi cả 3 đang hút chích ma túy tại nhà thì bị Công an bắt. Hành vi của Thế đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm C, khoản 1, Điều 249 của Bộ luật Hình sự.
Xét thấy hành vi của bị cáo Thế là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo 2 năm 6 tháng tù, phạt bổ sung 5 triệu đồng sung công quỹ nhà nước; tịch thu, tiêu hủy vật chứng là một bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá và những tang vật khác có liên quan.
“Những tình huống nêu ra tại phiên tòa giả định này rất dễ xảy ra đối với lứa tuổi học sinh, thanh-thiếu niên ngày nay. Nguyên nhân sa vào con đường nghiện ngập và tàng trữ trái phép chất ma túy là do các em lười học, nhận thức kém nên dễ bị bạn dụ dỗ, lôi kéo. Vì vậy, gia đình nên thường xuyên quan tâm, gần gũi con mình; nhà trường cần thêm nhiều tiết học tuyên truyền về pháp luật để các em nhận biết và tránh xa”-ông Quân chia sẻ.
Hiệu quả từ lần đầu tổ chức
 
Ông Hoàng Nhưn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa: “Trong bối cảnh nhiều hình thức tuyên truyền cũ kém hiệu quả thì phiên tòa giả định là loại hình tuyên truyền mới, phù hợp. Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể phối hợp tổ chức các phiên tòa giả định nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền pháp luật đối với người dân, nhất là thế hệ trẻ, thanh niên dân tộc thiểu số”.

Tuy là lần đầu tổ chức nhưng phiên tòa giả định đã khá thành công khi thu hút hơn 300 học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, phụ huynh và người dân địa phương tham dự. Em Lương Hoài Tố (lớp 11B7) chia sẻ: “Qua phiên tòa, em rút ra cho mình bài học là nên tránh xa chất ma túy, không tụ tập với những bạn bè xấu. Đồng thời tuyên truyền cho người thân, bạn bè, gia đình về những tác hại, hậu quả của ma túy”.
Theo dõi từ đầu đến cuối phiên tòa, ông Nguyễn Văn Doanh (thôn 3, xã Kon Gang) nhìn nhận: “Việc tổ chức phiên tòa giả định như thế này đã chứng tỏ sự quan tâm, vào cuộc của nhà trường, xã hội về phòng tránh tội phạm ma túy học đường cho học sinh. Điều này cũng giúp phụ huynh có thêm hiểu biết và yên tâm hơn khi con em mình từng bước được giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật để tự bảo vệ mình. Mong các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức thêm nhiều phiên tòa giả định tương tự để tăng cường giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho học sinh và cộng đồng”. 
Trao đổi với P.V, anh Hoàng Cam-Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa-khẳng định: “Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thêm nhiều phiên tòa giả định cho học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các trường THPT cử đại diện học sinh trong trường tham gia những phiên tòa xét xử các vụ án có thật để đưa pháp luật đến gần hơn với học sinh. Theo chúng tôi, đây là phương pháp tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất”.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ Chỉ huy Đội ở huyện Chư Prông

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ Chỉ huy Đội ở huyện Chư Prông

(GLO)- Ngày 23-3, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Đội huyện Chư Prông phối hợp với Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai tập huấn các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho 170 cán bộ Chỉ huy Đội và cán bộ phụ trách Đội ở huyện Chư Prông năm học 2023-2024.